Chuyên mục  


Dự báo khí tượng ở Trung Quốc cho hay, bão In-fa có thể mang lượng mưa lên đến 300mm khi đổ bộ vào Thượng Hải và đồng bằng Trường Giang, và có thể mạnh lên thành siêu bão.

Bão dự kiến đổ bộ vào tỉnh Chiết Giang, Trung Quốc, trong cuối tuần này, chỉ vài ngày sau khi các luồng không khí của nó được cho là có vai trò gây ra mưa lớn cực đoan dẫn đến lũ lụt nghiêm trọng ở tỉnh Hà Nam, vùng trung tâm Trung Quốc, hồi giữa tuần.

Đảo Chu San thuộc tỉnh Chiết Giang, nơi có một số bể chứa dầu và nhà máy lọc dầu lớn nhất của Trung Quốc, nằm trên đường đi dự kiến của cơn bão.

Cơ quan khí tượng địa phương đã nâng cảnh báo lên mức "da cam" - mức cao thứ hai và khuyến cáo giới chức bản địa chuẩn bị đầy đủ các phương án ứng phó và khẩn cấp.

Ít nhất 51 người đã thiệt mạng và hàng trăm nghìn người phải sơ tán do ảnh hưởng của mưa lũ ở tỉnh Hà Nam.

Theo Bloomberg, tác động tổng hợp của các luồng không khí của bão và hệ thống áp suất cao cận nhiệt đới duy trì đã góp phần gây ra mưa lũ kỷ lục được mô tả là "nghìn năm có một" ở Hà Nam.

Tỉnh Chiết Giang, nằm cách Hà Nam hơn 1.000 km về phía đông nam, thuộc khu vực phát triển thịnh vượng nhất của Trung Quốc.

Công ty TNHH Hóa dầu Chiết Giang (ZPC) vận hành một trong những khu phức hợp dầu mỏ mới và phức tạp nhất của Trung Quốc tại đảo Chu San, trong khi nhà máy Zhenhai lớn nhất của tập đoàn dầu mỏ và hóa dầu siêu lớn Sinopec nằm ở gần đó. Khu vực này có hàng chục bể chứa dầu phục vụ kho dự trữ dầu chiến lược của Trung Quốc, cũng như các bến tiếp nhiên liệu cho tàu thuyền.

Đường đi của bão In-fa từ ngày 20 đến 22/7 và dự kiến đường đi đến ngày 26/7 (Nguồn: SCMP)

Mùa mưa lũ cao điểm đặc trưng ở Trung Quốc thường kéo dài từ tháng 7 cho đến tháng 9 hàng năm. In-fa là cơn bão lớn đầu tiên với khả năng diễn biến thành siêu bão tấn công miền đông nước này trong năm 2021.

Theo trung tâm khí tượng Chiết Giang, In-fa có thể suy yếu thành bão hoặc bão nghiêm trọng sau khi đổ bộ bờ đông Trung Quốc, nhưng vẫn dự kiến gây mưa lớn với sức gió lên đến hơn 100 km/h ở vùng đồng bằng Trường Giang và các tỉnh vùng đông nam Trung Quốc như Giang Tây, Phúc Kiến.

Trung tâm khí tượng quốc gia Trung Quốc cho biết một số khu vực có thể hứng lượng mưa đến 100 mm/giờ, và lượng mưa tích lũy từ thứ Bảy (24/7) đến thứ Hai (26/7) có thể đạt 300mm ở Chiết Giang, Thượng Hải, vùng phía nam Giang Tô và đông nam tỉnh An Huy.

"Khó có thể nói liệu mưa lớn ở bờ đông có nghiêm trọng như ở Trịnh Châu hay không, bởi có nhiều nhân tố khó lường," giáo sư Fang Juan từ Đại học Nam Kinh nói.

Đảo Chu San hiện trở thành kho dự trữ dầu mỏ chiến lược của Trung Quốc (Ảnh: Sina)

Liu Junyan, trưởng dự án năng lượng và khí hậu tại văn phòng Bắc Kinh của Greenpeace East Asia, nói rằng những nhân tố như đồi núi, cây cối và nhà cao tầng có thể góp phần làm bão suy yếu khi đổ bộ và "có tác động lớn đến sự phát triển của cơn bão".

Trong khi nâng mức cảnh báo từ hôm 20/7, các hồ chứa và đập nước ở Chiết Giang cũng được chuẩn bị sẵn sàng để xả lũ.

Siêu bão mạnh nhất từng được ghi nhận đổ bộ vào Trung Quốc là bão Rammasun vào năm 2014, làm chết 225 người ở châu Á - trong đó có 17 người tại Trung Quốc.

Theo PV

Doanh nghiệp và tiếp thị

Thông tin

Tổng hợp tin tự động tinmoi-247.com (r) © 2020