Lợi nhuận còn "bốc hơi", lãi suất tiếp tục giảm
Thông tin từ Hiệp hội Ngân hàng cho biết, sau cuộc họp đồng thuận ngày 12/7, các ngân hàng đã nhập cuộc giảm lãi suất cho vay với mức giảm một đến hai điểm phần trăm đối với khoản vay hiện hữu và vay mới.
Với mức giảm này, các ngân hàng đã "bốc hơi" 20.000 tỷ đồng lợi nhuận.
Theo dự tính của Công ty Chứng khoán Maybank KimEng (MBKE), nếu lập tức giảm 100 điểm cơ bản lãi suất cho vay đối với 100% khoản cho vay thì mức giảm thu nhập từ lãi (trong 5 tháng còn lại) sẽ dao động trong khoảng 5-10% thu nhập lãi thuần ước tính cả năm nay của các ngân hàng.
Như vậy, dự kiến mức cắt giảm lợi nhuận của ngành ngân hàng để hỗ trợ doanh nghiệp vượt Covid-19 có thể tăng thêm trong thời gian tới.
Thống kê từ thị trường cho thấy, riêng trong nhóm ngân hàng thương mại Nhà nước, Agribank quyết định giảm thêm 5.500 tỷ đồng lãi suất tiền vay đối với khách hàng hiện hữu. Tính chung cả năm nay, tổn thất thu nhập từ lãi là 6.500 tỷ đồng, cộng với 3.500 tỷ đồng miễn phí dịch vụ, ngân hàng này "bốc hơi" 10.000 tỷ đồng thu nhập.
Tại Vietcombank, sau cuộc họp đồng thuận, hội đồng quản trị và ban điều hành quyết định giảm 4.000 tỷ đồng; trong khi 6 tháng đầu năm đã giảm 2.100 tỷ đồng, cộng cả năm ngân hàng giảm 6.100 tỷ đồng thu nhập từ lãi.
Hay tại VietinBank, mức giảm thu nhập cộng phí và lãi trong cả năm nay ước hơn 6.000 tỷ đồng, trong đó nửa đầu năm là 4.000 tỷ đồng, nửa cuối năm 2.000 tỷ đồng.
BIDV giảm cả năm 6.100 tỷ đồng lợi nhuận, trong đó nửa đầu năm giảm 2.500 tỷ đồng và sau đồng thuận hôm 12/7 ngân hàng quyết định giảm thêm 3.600 tỷ đồng, bao gồm 2.000 tỷ đồng với dư nợ hiện hữu và 1.600 tỷ đồng với dư nợ cho vay mới.
Ngân hàng "bốc hơi" 20.000 tỷ đồng lợi nhuận hỗ trợ lãi suất mùa Covid-19 (Ảnh minh họa).
Thông tin từ Ngân hàng Nhà nước cho biết, từ đầu năm đến nay có 19 tổ chức tín dụng công bố công khai về các chương trình, sản phẩm tín dụng với lãi suất ưu đãi, tạo điều kiện cho khách hàng khôi phục sản xuất kinh doanh. Trong đó, nhóm 4 ngân hàng thương mại Nhà nước tiếp tục tiên phong trong triển khai các giải pháp hỗ trợ của ngành ngân hàng.
Số liệu mới nhất từ Ngân hàng Nhà nước cũng cho biết, tính đến ngày 14/6, các tổ chức tín dụng đã thực hiện cơ cấu lại thời hạn trả nợ cho 241.443 khách hàng với dư nợ 326.299 tỷ đồng.
Đồng thời, miễn, giảm, hạ lãi suất cho 679.877 khách hàng với dư nợ 1.053.808 tỷ đồng. Lũy kế số tiền lãi miễn, giảm cho khách hàng từ ngày 23/1/2020 đến ngày 14/6 năm nay là 18.279 tỷ đồng. Trong đó, số tiền lãi đã miễn, giảm thực tế là 13.679 tỷ đồng; số tiền sẽ miễn, giảm theo cam kết là 4.600 tỷ đồng.
Số tiền cho vay mới lãi suất thấp hơn so với trước dịch với doanh số lũy kế đạt 3.700.754 tỷ đồng cho 506.151 khách hàng.
Ngoài ra, Ngân hàng Chính sách Xã hội cũng đã thực hiện gia hạn nợ cho 178.952 khách hàng với dư nợ 4.472 tỷ đồng, cho vay mới 3.116.431 khách hàng với số tiền 113.710 tỷ đồng.
Ưu tiên "room" tín dụng với ngân hàng giảm lãi suất cho vay
Đánh giá về triển vọng phục hồi kinh tế thế giới còn nhiều bất trắc, đặc biệt trong bối cảnh dịch Covid-19 với biến chủng Delta diễn biến ngày càng phức tạp tại châu Á, Ngân hàng Nhà nước cho biết điều hành chính sách tiền tệ và hoạt động ngân hàng gặp nhiều khó khăn, thách thức để vừa hỗ trợ đà phục hồi kinh tế, vừa kiểm soát lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô.
Theo dự báo của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, tăng trưởng kinh tế 6 tháng đầu năm dự kiến đạt 5,8%, do đó để đạt mục tiêu 6,5%, ước tăng trưởng kinh tế 6 tháng cuối năm phải đạt 7,1% là mức khá cao, tương đương giai đoạn trước dịch (6 tháng cuối năm cùng kỳ 2018: 7,12%; 2019: 7,3%).
Trong bối cảnh dư địa chính sách tiền tệ không còn nhiều, việc đẩy mạnh tăng trưởng kinh tế đòi hỏi phải thực hiện mạnh mẽ hơn các biện pháp hỗ trợ tài khóa như đầu tư công, miễn giảm thuế, hỗ trợ thu nhập cho người dân để kích thích tiêu dùng, đặc biệt đối với đối tượng bị tác động mạnh bởi Covid-19 như người lao động tự do, lao động tại các ngành dịch vụ bị ảnh hưởng mạnh.
Do đó, những tháng tới Ngân hàng Nhà nước sẽ "theo dõi sát diễn biến lạm phát và thị trường trong và ngoài nước để chuẩn bị phương án điều hành (có tính đến độ trễ chính sách) nếu lạm phát tăng nhanh hơn dự kiến".
Trong điều kiện áp lực lạm phát còn có khả năng kiểm soát, Ngân hàng Nhà nước giữ ổn định lãi suất điều hành để ổn định mặt bằng lãi suất thị trường; chỉ đạo tổ chức tín dụng chủ động tiết giảm chi phí để tiếp tục giảm lãi suất các khoản vay cũ và mới.
"Định kỳ rà soát, xem xét điều chỉnh chỉ tiêu tăng trưởng tín dụng đối với từng tổ chức tín dụng trên cơ sở tình hình hoạt động, năng lực tài chính và khả năng tăng trưởng tín dụng lành mạnh; trong đó ưu tiên ngân hàng giảm mặt bằng lãi suất cho vay", thông tin từ nhà điều hành nhấn mạnh.
Nguyễn Hiền