Chuyên mục  


Qua quan sát thực tế cách tổ chức hoạt động của các chợ bảo đảm đáp ứng nhu cầu mua sắm thực phẩm tiêu dùng hằng ngày của người dân, đặc biệt là vấn đề an toàn phòng chống dịch, thứ trưởng đánh giá cao chính quyền các cấp của TP HCM, Sở Công Thương TP và nhất là các ban quản lý chợ.

"Trong điều kiện covid-19 diễn biến phức tạp như hiện nay, TP HCM vẫn bảo đảm một số chợ truyền thống mở cửa và đáp ứng an toàn phòng chống dịch, điều quan trọng là có đủ hàng để cung ứng cho người dân. Chúng tôi rất mong Thành ủy, HĐND, UBND TP và các sở ban ngành tiếp tục nghiên cứu để có thêm nhiều chợ truyền thống, đặc biệt là các chợ đầu mối, đi vào hoạt động để giảm áp lực cho các chợ đang hoạt động, cũng là để tạo điều kiện cho người dân tiếp cận hàng hóa tốt hơn" - Thứ trưởng Đỗ Thắng Hải bày tỏ.

Thứ trưởng Đỗ Thắng Hải trao đổi với tiểu thương chợ An Đông

Trao đổi với phóng viên các cơ quan báo chí nhân chuyến khảo sát, thứ trưởng cho biết qua báo cáo của cho thấy giá một số mặt hàng hiện cao hơn so với bình thường, một vài mặt hàng không đủ lượng cung ứng cho người dân. "Chúng tôi đã làm việc với các cơ quan có liên quan của TP, nhất là Sở Công Thương, để tăng nguồn cung cũng như bảo đảm giá cả hợp lý nhất cho người dân" - Thứ trưởng thông tin.

Thứ trưởng Đỗ Thắng Hải thăm hỏi, động viên nhân viên Ban quản lý chợ Bình Thới

Theo Thứ trưởng Đỗ Thắng Hải, dịch bệnh đang diễn biến hết sức phức tạp theo chiều hướng xấu nên một số nơi xảy ra thiếu hàng, giá cả có thể tăng. Với cương vị và chức trách của mình, Bộ Công Thương đang tích cực phối hợp cùng Bộ Y tế, Bộ Giao thông Vận tải, Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn cùng chính quyền các địa phương, nhất là 19 tỉnh, thành đang thực hiện Chỉ thị 16, sẽ tạo mọi điều tốt nhất, sớm nhất cho vận chuyển hàng hóa thuận lợi, bảo đảm cung cấp đủ hàng hóa thiết yếu cho người dân.

Đoàn công tác trò chuyện với 1 tiểu thương bán thực phẩm khô tại chợ Nguyễn Tri Phương

"Tình hình hiện nay là không bình thường nên có hiện tượng một số nơi thiếu hàng cục bộ, giá tăng so với bình thường nên rất mong người dân, người kinh doanh chia sẻ trong lúc khó khăn này. Việc lợi dụng tình hình dịch bệnh để đầu cơ tích trữ, làm lợi trên khó khăn chung lẫn khó khăn của người dân là không chấp nhận được. Bộ Công Thương đã chỉ đạo QLTT quyết liệt hơn, xử lý nghiêm những hành vi đầu cơ tích trữ, nâng giá bất hợp lý" - ông Đỗ Thắng Hải chia sẻ và mong muốn nhận được sự phối hợp của người dân trong việc phản ánh, cung cấp thông tin những nơi đang bán hàng với giá không hợp lý cho cơ quan chức năng để kịp thời kiểm tra, xử lý.

Theo báo cáo của Tổ Công tác đặc biệt Bộ Công Thương, lượng cung ứng hàng hóa thiết yếu cho TP HCM đã dần ổn định. Tổng cộng đã có 5.000 xe được cấp giấy thông hành, sẵn sàng hỗ trợ các doanh nghiệp, siêu thị lưu thông, vận chuyển.

Ngày 20-7, lượng khách mua sắm tại chợ, siêu thị, cửa hàng tiện lợi giảm so với các ngày trước đó và đi vào ổn định. Sức mua tại các chợ giảm nhẹ 5%-10% so với ngày 19-7 trong khi tại hệ thống siêu thị giảm 15% so với ngày hôm trước.

Sở Công Thương TP đã huy động nhiều doanh nghiệp lĩnh vực thương mại, logistics, có đủ năng lực và điều kiện tham gia vào chuỗi cung ứng và phân phối hàng hóa để cung cấp nguồn hàng hóa, lương thực thực phẩm thiết yếu với giá cả ổn định, chất lượng bảo đảm tại hơn 1.000 điểm bán như hệ thống Pharmacity, Con Cưng, Guardian, Hoa Yêu Thương…

Ngoài ra, TP đã công khai thông tin 2.833 điểm bán theo từng địa bàn để người dân được biết và đến mua sắm. Trong sáng ngày 20-7 đã tổ chức thêm 82 điểm bán hàng và điểm lưu động, nâng tổng số lên 634 điểm bán.

Thông tin

Tổng hợp tin tự động tinmoi-247.com (r) © 2020