Như chúng ta đã biết, trên vùng biển Philippines hiện đang xuất hiện một cơn bão có tên là Trà Mi. Dự báo, nó sẽ đi vào Biển Đông và chính thức ảnh hưởng tới nước ta từ ngày mai 24/10, cho tới khoảng ngày 28/10, sau khi bão có khả năng đổ bộ Miền Trung.
Từ giờ cho tới cuối tháng, chúng ta sẽ liên tục được cập nhật về tình hình của bão Trà Mi trên các phương tiện thông tin đại chúng. Nhưng có một điều khó hiểu ở đây: Tên quốc tế của cơn bão này chính xác là "Trami". Nhưng tại Việt Nam, nó lại được gọi với tên chính thức là Cơn bão số 6.
Điều này không khỏi khiến nhiều người phải thắc mắc: Trami có đúng là Trà Mi trong Tiếng Việt không, hay chỉ là do chúng ta phiên âm ra? Và nếu bão Trà Mi thực sự là Tiếng Việt, tại sao nó lại có cái tên đó? Rốt cuộc thì ai đã đặt tên cho cơn bão là Trà Mi?
Hãy cùng tìm hiểu:
Dự báo đường đi của bão Trà Mi.
Tại sao những cơn bão được đặt tên?
Trên thực tế, việc con người đặt tên cho bão không phải là điều gì đó quá mới mẻ. Từ thế kỷ 16 các, nhà khí tượng học Phương Tây đã sử dụng tên của các vị thần, vị thánh hoặc kinh độ và vĩ độ mà bão xuất hiện để đặt tên cho chúng.
Điều này nhằm giúp các nhà khí tượng trao đổi được thông tin một cách thống nhất với nhau khi cùng theo dõi một cơn bão. Đồng thời, tên bão cũng giúp ích cho việc truyền đạt, cảnh báo tới người dân được dễ dàng hơn.
Tên bão đặc biệt hữu ích khi trên cùng một khu vực xuất hiện nhiều cơn bão. Các nhà khí tượng và người dân cần phân biệt các cơn bão với nhau, cường độ và đường đi của chúng để biết bão nào sẽ ảnh hưởng tới khu vực của mình.
Ảnh minh họa.
Từng có rất nhiều hệ thống tên bão rắc rối
Như đã nói, sáng kiến đặt tên cho bão là của các nhà khí tượng trong thế kỷ 16 nghĩ ra. Tuy nhiên, ở mỗi một khu vực, bão lại được gọi theo một hệ thống tên khác nhau. Có nơi thì lấy tên thánh Công giáo đặt cho bão, ví dụ như bão Santa Ana được đặt theo tên Thánh Anne của Kitô, có nơi lại lấy kinh độ và vĩ độ của bão làm ký hiệu, có nơi lại gọi bão đơn giản bằng một con số.
Đến năm 1953, các nhà khí tượng học ở Cơ quan Quản lý Khí quyển và Đại dương Quốc gia Hoa Kỳ (NOAA) cho rằng những cơn bão cần có tên đơn giản, quen thuộc và dễ nhớ hơn, nhằm dễ tiếp cận với người dân hơn. Thế là họ đã lấy tên phụ nữ để đặt cho từng cơn bão.
Tuy nhiên, phong trào nữ quyền phát triển ở Phương Tây trong thập niên 1970 đã phản đối hệ thống tên bão này. Họ cho rằng bão gắn liền với những cái tên phụ nữ như thể họ chỉ đem đến sự tàn phá. Điều này khiến NOAA đã phải thêm những cái tên nam giới vào hệ thống tên bão từ năm 1978.
Ảnh minh họa.
Cũng trong khoảng thời gian này, Tổ chức Khí tượng Thế giới (WMO) quyết định thành lập một ủy ban bão, sẽ họp thường niên để lên danh sách đặt tên cho từng cơn bão ở từng khu vực trên thế giới.
Ủy ban sẽ gồm ủy viên đến từ nhiều quốc gia, được đề xuất tên bão cho WMO lựa chọn. Tuy nhiên, trong thời gian này, đa số các ủy viên của WMO đều đến từ các nước Phương Tây. Do đó, bão ở các khu vực khác như Châu Á hóa ra cũng có những cái tên Phương Tây rất lạ với người dân địa phương.
Phải cho tới tận năm 1997, trong phiên họp thứ 30 của Ủy ban Bão WMO, với sự tham gia của các nước Châu Á, họ mới đề xuất tên bão đổ bộ khu vực mình nên được đặt tên thuần Á chứ không nên mượn tên từ Phương Tây.
Từ đó, hệ thống tên bão mà chúng ta sử dụng ngày nay mới ra đời.
Dự báo đường đi bão Trà Mi sắp ảnh hưởng nước ta.
Vậy bão đang được đặt tên như thế nào?
Để đặt tên cho các cơn bão ở khu vực Tây Bắc Thái Bình Dương, ảnh hưởng tới các nước Châu Á, bao gồm Việt Nam, Tổ chức Khí tượng Thế giới đã kêu gọi các ủy viên đến từ các quốc gia thường xuyên bị bão ảnh hưởng trong khu vực, gửi một danh sách tên mà họ muốn đề xuất.
WMO đã họp để chọn ra một danh sách những cái tên ngắn gọn nhất, dễ phát âm nhất và có ý nghĩa phù hợp trong các ngôn ngữ khác nhau để làm thành bảng tên bão. Từ đây, những cơn bão xuất hiện trong khu vực sẽ được đặt tên lần lượt theo bảng tên bão này.
Điều này đảm bảo tất cả các quốc gia trong khu vực đều có thể tham gia đặt tên bão và có những cơn bão trùng với ngôn ngữ của mình:
Danh sách tên bão.
Ví dụ, ủy viên của Việt Nam tại WMO đã đề xuất 20 cái tên Tiếng Việt, và có 10 cái tên trong số đó đã được WMO chấp thuận, bao gồm: Son-Tinh (Sơn Tinh), Co-may (Cỏ may), Bavi (Ba Vì) Luc-binh (Lục bình), Sonca (Sơn ca), Trami (Trà Mi), Halong (Hạ Long), Bang-lang (Bằng lăng), Songda (Sông Đà), Saola (Sao la).
Tại sao thỉnh thoảng chúng ta mới nghe thấy một tên bão Việt Nam?
Đó là bởi danh sách của WMO, hiện có 140 cái tên, được sử dụng luân phiên cho tất cả các cơn bão ở Tây Bắc Thái Bình Dương. Cho nên, không nhất thiết một cơn bão có tên nước nào sẽ đổ bộ vào đúng nước đó.
Ví dụ, bão Yagi (tên được đề xuất bởi Nhật Bản) tháng trước đã đổ bộ vào Việt Nam. Còn bão Sơn Tinh, hồi tháng 8 lại xuất hiện trên vùng biển Nhật Bản. Cùng khoảng thời gian đó, vùng biển này cũng xuất hiện bão Ngộ Không (Wukong, cái tên được đề xuất bởi Trung Quốc).
Điều thú vị là bão Sơn Tinh đã đánh bại bão Ngộ Không yếu hơn, và vốn chỉ là một áp thấp nhiệt đới trên vùng biển Nhật Bản.
Ảnh minh họa.
Dựa theo danh sách tên luân phiên của WMO, thỉnh thoảng, chúng ta mới thấy một cơn bão có tên quốc tế Tiếng Việt ảnh hưởng đến chính Việt Nam. Ví dụ như bão Sao la (2023), bão Sơn ca (2022), bão Côn Sơn (2021), bão Vàm cỏ (2020)…
Tên bão có thể lặp lại và thay đổi
Bởi mỗi năm, khu vực Tây Bắc Thái Bình Dương có sự xuất hiện của từ 20-23 cơn bão, trong khi danh dách tên bão của WMO cho khu vực này chỉ có 140 cái tên. Tính ra, cứ sau trung bình mỗi 6 năm, tên của bão sẽ phải lặp lại một lần.
Ví dụ như bão Trà Mi chuẩn bị đổ bộ vào nước ta năm 2024, nhưng trong năm 2018, cũng đã có bão Trà Mi ảnh hưởng Đài Loan (Trung Quốc). Trước đó 5 năm, một cơn bão Trà Mi khác cũng đã quét qua Philippines trước khi đổ bộ Trung Quốc năm 2013. Vào năm 2006 cũng có bão Trà Mi, nhưng nó chỉ hình thành rồi tan ngay trên biển.
Cũng là bão Trà Mi, nhưng năm 2018, nó ảnh hưởng tới Đài Loan (Trung Quốc).
Còn một điều đặc biệt với bảng danh sách tên bão là nó có thể thay đổi. Mỗi năm một lần, các ủy viên của WMO sẽ họp một lần để cập nhật bảng tên bão. Thông thường, một quốc gia có thể đề nghị rút một tên bão, nếu cơn bão đó gây thiệt hại quá tàn khốc và có thể gợi lại ký ức đau thương cho người dân.
Ví dụ, Hàn Quốc từng đề nghị loại bỏ tên bão Saomai do Việt Nam đề xuất ra khỏi danh sách tên bão của WMO vì cơn bão này từng đổ bộ Hàn Quốc và gây ra hậu quả thảm khốc. Việt Nam cũng đã đề nghị bỏ tên bão Chanchu do Hàn Quốc đặt vì đã gây hậu quả nghiêm trọng cho Việt Nam.
Đó là lý do bạn không còn thấy tên bão Sao Mai nữa. Trong năm tới đây, Việt Nam cũng có thể đề nghị WMO rút tên bão Yagi do Nhật Bản đề xuất, bởi hậu quả nặng nề mà nó đã gây ra cho Việt Nam. Vì vậy, rất có thể bão Yagi năm 2024 là cơn bão cuối cùng được đặt tên như vậy.