Chuyên mục  


gettyimages-1180018937-1728958855062-17289588571411445363665.jpeg

Trong cuốn sách sắp ra mắt có tên Stolen Pride, nhà xã hội học Arlie Russell Hochschild mô tả về thời gian bà sống tại các thị trấn và khu ổ chuột của Quận 5 của Kentucky — một trong những quận có nhiều người da trắng nhất, nghèo nhất và ủng hộ ứng cử viên Trump nhất trên toàn quốc. Trong thời gian tại đây, bà nhận thấy một điều thú vị về những người có xu hướng phấn khích về phong trào Trump.

"Những người say mê Donald Trump nhất không phải là những người ở dưới tầng thấp nhất xã hội — ví dụ như những người mù chữ, những người đói khát", bà viết. Thay vào đó, những người hâm mộ ông Trump nhất có thể lại là "giới tinh hoa của những người bị bỏ lại phía sau", hay hiểu đơn giản là những người thuộc nhóm “thằng chột làm vua xứ mù”.

Đây là một quan sát trái ngược với lý thuyết thịnh hành của những người theo Trumpism (tạm dịch “chủ nghĩa Trump”): rằng ông là người đại diện cho những người da trắng bị bỏ lại phía sau và những người da trắng nghèo đói đang phải chịu thiệt do toàn cầu hóa. Đây cũng là một quan sát có nền tảng từ dữ liệu thực tế.

Vào năm 2020, ba nhà khoa học chính trị đã nghiên cứu về việc địa điểm sinh sống và thu nhập ảnh hưởng đến quyết định bỏ phiếu của cử tri da trắng. Họ phát hiện ra rằng, trên phạm vi toàn quốc, những người da trắng nghèo thực sự có nhiều khả năng bỏ phiếu cho Trump hơn những người giàu da trắng.

Nhưng khi tính đến các điều kiện địa phương — thực tế là một người có thể mua được nhiều thứ ở Biloxi hơn là ở Boston — thì mối quan hệ sẽ đảo ngược. Những người da trắng "giàu có tại địa phương" - những người có thu nhập cao hơn những người khác trong cùng khu vực - có nhiều khả năng ủng hộ ông Trump hơn những người hàng xóm nghèo. Những người này có thể kiếm được ít tiền hơn một người giàu có ở một thành phố lớn, nhưng lại có cuộc sống tương đối tốt khi so sánh với những người hàng xóm của họ.

75125253007-spj-trump-rally-mosinee-wis-090724-glb-0039-1728958857708-1728958857856785416575.jpeg

Kết hợp hai kết quả đó lại với nhau, chúng ta sẽ có được một bức tranh hoàn toàn phù hợp với quan sát của nhà xã hội học Hochschild. Sự ủng hộ mạnh mẽ nhất đối với ông Trump đến từ những người sống ở những vùng nghèo hơn của nước Mỹ nhưng vẫn có cuộc sống tương đối thoải mái ở đó.

Vậy điều này có ý nghĩa gì đối với cách chúng ta hiểu về phe cánh hữu thời Trump? Nó chen vào giữa cuộc tranh luận dường như bất tận về sức hấp dẫn của Trump đối với những cử tri "bị bỏ lại phía sau" và giúp chúng ta hiểu được sự phức tạp thực sự của phe cánh hữu đối với vấn đề khu vực và giai cấp ở Mỹ. Có thể thấy sự chia rẽ của nước Mỹ bắt nguồn từ bất bình đẳng thu nhập nhiều hơn so với những gì đã được công nhận rộng rãi. Chưa kể, nó thường gắn liền với sự chia rẽ bên trong các cộng đồng và các nhóm xã hội.

Trong Stolen Pride, tác giả Hochschild xác định được trọng tâm lời kêu gọi của ông Trump đối với cử tri nông thôn nằm ở “cảm xúc tự hào và xấu hổ” — bao gồm cả niềm tự hào về truyền thống của khu vực họ và sự xấu hổ về tình hình trong thời đại công việc khai thác than đang đi xuống trong khi tình trạng nghiện ma túy gia tăng.

Đối với Roger Ford, một doanh nhân và nhà hoạt động Cộng hòa đóng vai trò là hình mẫu của Hochschild về tầng lớp "giàu có tại địa phương", ông Trump đã giúp giải quyết những cảm xúc đó bằng cách chỉ ra ai đó để đổ lỗi. Ford có thể không phải chịu đau khổ về mặt cá nhân, nhưng nơi ông sinh sống thì có — và cơn thịnh nộ của ông Trump đối với giới tinh hoa ở các bang ven biển giúp ông xác định được một kẻ phản diện bên ngoài cộng đồng của chính mình.

74145343007-240618-trump-visit-p-24-1728958858271-17289588584111536304194.jpeg

Bà Hochschild viết: “Có vẻ như ông Trump đã đặt niềm tự hào sâu sắc nhất của mình vào vai trò là người bảo vệ quê hương nông thôn đang gặp nguy hiểm, nơi mà rất nhiều thứ đã bị mất mát — hoặc, theo cách mà người ta có thể cảm thấy, là bị 'đánh cắp'".

Vào năm 2022, các học giả Kristin Lunz Trujillo và Zack Crowley đã xem xét hậu quả chính trị của cái mà họ gọi là "ý thức nông thôn" đối với chính trị. Họ chia ý thức này thành ba phần cấu thành: “Cảm giác rằng người dân nông thôn không được đại diện đầy đủ trong quá trình ra quyết định, cách sống của họ không được tôn trọng — cả hai đều là mối quan tâm mang tính biểu tượng — và mối quan tâm vật chất khi các vùng nông thôn nhận được ít tài nguyên hơn.”

Khi cố gắng vận dụng những nghiên cứu này để dự đoán sự ủng hộ Trump trong số các cử tri nông thôn, họ đã tìm thấy một điều thú vị. Những người cảm nhận được vấn đề khó khăn của vùng nông thôn về mặt văn hóa và chính trị có nhiều khả năng ủng hộ ông Trump, trong khi những người chủ yếu quan tâm đến tình trạng nghèo đói ở nông thôn - nếu có - thì ít có khả năng ủng hộ ông hơn những người hàng xóm của họ.

Tổng hợp lại, những phát hiện này cho thấy rằng câu chuyện không chỉ đơn giản là sự thiếu thốn về kinh tế gây ra sự phẫn nộ về văn hóa. Và để thực sự hiểu những gì đang diễn ra trong cuộc bầu cử ngày nay, chúng ta cần chú ý đến những chia rẽ trong các nhóm rộng lớn này.

Tham khảo VOX

Thông tin

Tổng hợp tin tự động tinmoi-247.com (r) © 2020