Chương trình "Anh trai say hi" đã tạo nên cơn sốt trong thời gian qua với 4 concert thành công tại Hà Nội và TPHCM. Cơn sốt đó đã giúp sự nghiệp của nhiều nam nghệ sĩ ít nhiều thay đổi, cát-xê tăng chóng mặt. Thậm chí, một số nghệ sĩ được coi là đã đổi đời sau khi tham gia chương trình.
Nổi tiếng sau chương trình, những câu chuyện bên lề liên quan đến các "anh trai" được nhiều khán giả quan tâm, Câu chuyện đang nóng lên trong thời gian gần đây đã khiến nhiều người bất ngờ khi HIEUTHUHAI - một nam rapper nổi bật của chương trình được biết đến là chủ hay giám đốc của một vài doanh nghiệp. Sau khi tìm hiểu, không chỉ HIEUTHUHAI mà một loạt anh trai như: Wean Lê, Pháp Kiều, Dương Domic, Rhyder, Hurrykng... cũng đang sở hữu công ty cho riêng mình.
Lấy ví dụ, HIEUTHUHAI tên thật là Trần Minh Hiếu hiện đang là Chủ tịch của Công ty TNHH M2 Music. Đây là doanh nghiệp được thành lập tháng 7/2023 với vốn điều lệ 3 tỷ đồng. Ngành nghề chính là hoạt động sáng tác, nghệ thuật và giải trí.
Ngoài ra, HIEUTHUHAI còn từng là Cựu Tổng giám đốc của công ty TNHH Gerdnang. Ngoài ra, nam rapper còn đang sở hữu 20% vốn của doanh nghiệp này.
Gerdnang có số vốn điều lệ 9 tỷ đồng, được sáng lập vào ngày 30/9/2020 hoạt động chính trong lĩnh vực sáng tác nghệ thuật và giải trí, bên cạnh đó còn mở rộng sang các lĩnh vực khác như bán buôn máy tính, thiết bị ngoại vi, tổ chức sự kiện và giáo dục văn hóa nghệ thuật... Địa chỉ trụ sở của công ty tại huyện Hóc Môn, TP.HCM.
Hay Quang Hùng MasterD tên thật là Lê Quang Hùng, sinh năm 1997 sở hữu 85% cổ phần Công ty TNHH MasterD Entertainment. Công ty có trụ sở tại quận Tân Bình, TP.HCM với vốn điều lệ 2 tỷ đồng, ngoài, Lê Quang Hùng, còn có ông Đỗ Nguyên Phúc, sinh năm 1999 góp 15% vốn và giữ chức vụ Giám đốc kiêm người đại diện pháp luật.
Vì sao nhiều nghệ sỹ thành lập công ty riêng?
Xu hướng thành lập công ty riêng của mình không phải bây giờ mới có. Một loạt nghê sỹ đình đám Việt như Sơn Tùng M-TP hay Trấn Thành cũng có công ty riêng.
Ngoài ra, xu hướng này trên thế giới cũng nở rộ. Có thể kể đến một trường hợp điển hình là ca sĩ Jennie của nhóm BlackPink. Dù đang hoạt động dưới trướng YG Entertainment nhưng nữ ca sỹ này vẫn thành lập công ty riêng ODD ATELIER.
Khi đó, Jennie đã chia sẻ về lý do thành lập công ty riêng: "Tôi muốn khám phá các hoạt động cá nhận một cách tự do hơn, khiến tôi phải thận trọng thành lập công ty riêng của mình."
Tại Việt Nam, khi Sơn Tùng M-TP công bố việc thành lập M-TP Entertainment, ca sĩ này cho biết: "Tôi không muốn mãi an toàn dưới cái bóng của ca sĩ Sơn Tùng M-TP. Mọi người thấy số lượng công việc của tôi rất nhiều, nhưng đây chỉ là những bước đầu tiên để tôi trở thành khác biệt, vươn tầm quốc tế".
Sơn Tùng M-TP cũng chia sẻ thêm rằng khi thành lập công ty anh phải học cách để trở nên chuyên nghiệp hơn. "Mình là chủ tịch mà không chuyên nghiệp thì ai theo. Tôi thấy mình có duyên hơn, điềm đạm hơn khi mở công ty riêng. Ngược lại, khi đi họp, một chủ tịch có tính nghệ sĩ cũng mang đến những câu chuyện màu sắc" , anh nói.
Nam ca sĩ này cũng cho rằng M-TP Entertainment sẽ thành tập đoàn giải trí, nơi tập trung nhiều nghệ sĩ tài năng và các sản phẩm chất lượng. Sau này, khán giả không chỉ nhắc đến Sơn Tùng M-TP mà còn nhiều thứ khác. Để làm được điều đó, Sơn Tùng luôn cố gắng theo đuổi sự hoàn hảo.
Sơn Tùng M-TP thời điểm ra mắt M-TP Entertainment.
Từ những câu trả lời của các nghệ sĩ trên, ta có thể thấy những người nổi tiếng thành thành lập các công ty riêng để thể hiện rõ ràng phong cách âm nhạc ưa thích của họ và theo đuổi sự tự do hơn trong các hoạt động của mình. Nếu hoạt động "dưới trướng" một công ty quản lý khác họ sẽ phải tuân thủ theo những quy định mình không mong muốn, phần nào đó bị kiểm soát và hạn chế trong việc sáng tạo. Trong khi đó, các công ty cá nhân có thể cho phép nghệ sĩ ưu tiên tầm nhìn sáng tạo và sở thích của họ.
Ngoài ra, các công ty lớn có thể đưa ra nhiều quyết sách khác nhau trong sự nghiệp của nghệ sĩ, bao gồm cả các quyết định về cuộc sống cá nhân. Quan trọng hơn đó chính là vấn đề tài chính, việc có một công ty sẽ giúp nghệ sĩ nắm bắt tài chính tốt hơn khi có đội ngũ hỗ trợ.
Ngoài ra, việc có một công ty riêng với đội ngũ hỗ trợ có thể giúp các nghệ sĩ giải quyết được những vấn đề phát sinh như xử lý khủng hoảng truyền thông, các vấn đề liên quan đến hợp đồng, pháp luật...
Tuy nhiên, việc thành lập công ty riêng không phải là không có thách thức. So với các công ty lớn, các công ty riêng của nghệ sĩ thường thiếu nguồn lực và tầm nhìn. Điều này có thể hạn chế sự phát triển ở tầm cao hơn cho nghệ sĩ.