Biên đội cường kích A-10C và vận tải cơ C-130J Mỹ chiều 15/12 hạ cánh xuống sân bay Gia Lâm, TP Hà Nội, chuẩn bị tham gia khu trưng bày ngoài trời tại triển lãm Quốc phòng quốc tế Việt Nam 2024. Đây là lần đầu quân đội Mỹ cử chiến đấu cơ đến tham dự triển lãm quốc phòng tại Việt Nam.
Hai chiếc A-10C thuộc biên chế Phi đoàn tiêm kích số 25, đóng quân tại căn cứ Osan ở Hàn Quốc. Máy bay lắp thùng dầu phụ dưới thân, cùng hai thùng chứa hàng và tổ hợp chỉ thị mục tiêu Litening dưới cánh.
A-10 là cường kích do hãng Fairchild Republic phát triển từ đầu thập niên 1960 để thay thế dòng A-1 Skyraider, đưa vào biên chế không quân Mỹ từ năm 1977. Định danh của không quân Mỹ đặt cho A-10 là "Thunderbolt II" (Tia chớp II), dựa theo dòng P-47 Thunderbolt trong Thế chiến II, trong khi quân nhân Mỹ thường gọi nó bằng biệt danh Warthog (Lợn lòi).
Phi đội máy bay Mỹ đáp xuống sân bay Gia Lâm chiều 15/12. Video: Lộc Chung
Đây là máy bay được chế tạo chuyên biệt cho nhiệm vụ yểm trợ đường không tầm gần cho bộ binh, ưu tiên khả năng tấn công xe tăng, thiết giáp và lực lượng mặt đất đối phương. Những chiếc A-10 cũng có thể đóng vai trò trạm kiểm soát không lưu tiền phương, điều phối các chiến đấu cơ khác tấn công mục tiêu mặt đất.
Cường kích A-10 bắt đầu được Fairchild Republic sản xuất hàng loạt từ năm 1972 và biên chế vào không quân Mỹ từ năm 1977.
Vũ khí chính của A-10 là pháo tự động GAU-8 với 7 nòng xoay cỡ 30 mm, tốc độ bắn tối đa 3.900 phát mỗi phút, tầm bắn hiệu quả 1.200 m.
Pháo GAU-8 nặng khoảng 280 kg, trong khi hệ thống hoàn chỉnh với thùng chứa, 1.174 viên đạn và hệ thống tiếp đạn có tổng khối lượng hơn 1.800 kg. Tỷ lệ đạn trang bị cho nhiệm vụ chống xe tăng sẽ là 5:1, nghĩa là cứ 5 viên PGU-14/B có lõi xuyên giáp bằng uranium nghèo sẽ có một viên PGU-13/B nổ mạnh - cháy.
Trong thử nghiệm năm 1979, các loạt đạn từ pháo GAU-8 đã khiến xe tăng chủ lực M47 Patton của Mỹ bị "hư hại nghiêm trọng".
Máy bay A-10C Mỹ đáp xuống sân bay Gia Lâm chiều 15/12. Ảnh: Giang Huy
Ngoài pháo chính GAU-8, mỗi chiếc A-10 còn được trang bị 11 giá treo vũ khí dưới cánh và thân, với tổng khối lượng vũ khí và thùng dầu phụ là gần 7,3 tấn. Phiên bản A-10C có thể sử dụng nhiều loại bom, rocket và tên lửa dẫn đường với độ chính xác cao, cùng tên lửa AIM-9 Sidewinder để tự vệ.
Điểm mạnh của A-10 là độ bền và khả năng sống sót cao. Phi công được bảo vệ bởi phần thân dạng bồn tắm làm bằng titan, có thể chịu được đạn pháo 23 mm. Động cơ máy bay được bố trí trên cánh đuôi ngang và trong cánh đuôi đứng, giúp chúng không hút các mảnh vụn từ đường băng dã chiến và hạn chế một phần tín hiệu nhiệt trước đầu dò hồng ngoại của tên lửa vác vai.
Trong Chiến tranh Vùng Vịnh năm 1991, một số chiếc từng trở về căn cứ trong tình trạng hư hỏng nặng như bị bắn hỏng động cơ, thủng cánh hoặc một phần đuôi. Chi phí vận hành và bảo dưỡng của A-10 cũng tương đối rẻ, ở mức 19.000 USD mỗi giờ bay. Trong khi đó, tiêm kích tàng hình F-35 cần tới 44.000 USD cho mỗi giờ bay.
Tương quan kích thước giữa pháo GAU-8 và xe Volkswagen Beetle. Đồ họa: Lầu Năm Góc
Dù vậy, A-10 cũng tồn tại một số điểm yếu như tốc độ chậm, khả năng cơ động kém, thiếu các hệ thống gây nhiễu và chỉ thị mục tiêu tiên tiến. Điều này khiến chúng chỉ có thể phát huy tối đa ưu thế khi không quân Mỹ đã làm chủ hoàn toàn bầu trời, không còn mối đe dọa từ tiêm kích và các tổ hợp tên lửa phòng không đối phương.
Mẫu cường kích này suốt nhiều năm cũng không có hệ thống chỉ thị mục tiêu tiên tiến và thiết bị nhận diện địch - ta, dẫn tới một số vụ bắn nhầm đồng đội. Đáng chú ý là vụ chiếc A-10 bắn nhầm đoàn thiết giáp Anh tại Iraq vào tháng 3/2003 khiến một binh sĩ thiệt mạng, 5 người bị thương. Một vụ bắn nhầm khác liên quan đến A-10 diễn ra cùng giai đoạn này khiến một số lính thủy quân lục chiến Mỹ thiệt mạng.
Những chiếc A-10C sau này thường được trang bị hệ thống chỉ thị mục tiêu Litening hoặc Sniper, cùng cụm gây nhiễu gắn ngoài AN/ALQ-131 hoặc AN/ALQ-184 để khắc phục nhược điểm.
Trong khi đó, chiếc C-130J hạ cánh xuống sân bay Gia Lâm thuộc biên chế Không đoàn vận tải số 374, đóng quân tại căn cứ Yokota ở Nhật Bản. Đây là đơn vị không quân vận tải duy nhất thuộc Lực lượng Không quân Thái Bình Dương của Mỹ, phụ trách toàn bộ hoạt động vận chuyển hàng hóa cho Lầu Năm Góc tại châu Á - Thái Bình Dương.
C-130 Hercules là vận tải cơ được tập đoàn Lockheed phát triển trên cơ sở máy bay Fairchild C-123 Provider, biên chế cho không quân Mỹ từ năm 1956. Đây được coi là mẫu vận tải cơ mang tính biểu tượng của không quân Mỹ, cũng là mẫu máy bay quân sự được sản xuất liên tục lâu nhất với thời gian lên tới hơn 70 năm.
Vận tải cơ C-130J Mỹ đáp xuống sân bay Gia Lâm chiều 15/12. Ảnh: Giang Huy
C-130 được đánh giá là xương sống trong các chiến dịch của quân đội Mỹ nhờ lợi thế hậu cần, có thể hoạt động trên các đường băng dã chiến và không đòi hỏi hạ tầng hỗ trợ phức tạp. Máy bay sử dụng 4 động cơ tua-bin cánh quạt để tăng hiệu quả hoạt động và công suất vận tải.
Vận tải cơ C-130 có tổ bay 5 người, tầm bay 3.800 km, tốc độ tối đa 590 km/h, trần bay 10.000 m khi không chở hàng và 7.000 m khi đầy tải. Máy bay có thể chở tối đa 19 tấn hàng, 92 binh sĩ hoặc 64 lính dù, 6 pallet hàng, 2-3 thiết giáp Humvee, hai thiết giáp M113 hoặc một pháo tự hành CAESAR 155 mm.
Mỹ đã liên tục nâng cấp dòng C-130 để đáp ứng thay đổi về hoạt động trên toàn thế giới. C-130J Super Hercules là biến thể mới nhất và cũng là mẫu duy nhất còn dây chuyền sản xuất, được đưa vào vận hành từ năm 1999, trang bị hệ thống dẫn đường tiên tiến, hiệu suất tiêu thụ nhiên liệu cao hơn và buồng lái số hóa.
Biến thể C-130J có vận tốc tối đa 670 km/h, tầm bay 3.300 km, trần bay 8.500 m khi chở 19 tấn hàng hóa. C-130J có phi hành đoàn ba người, ít hơn so với các mẫu C-130 đời đầu.
Nguyễn Tiến (Theo National Interest, Air Force Times, AP, AFP)