Trung Quốc gặp khó khăn trăm bề khi dịch bệnh Covid-19 căng thẳng. Vào ngày 20 tháng 12, ngân hàng Thế giới (WB) đã hạ dự báo tăng trưởng kinh tế năm 2022 của quốc gia này xuống còn 2,7%, giảm đáng kể so với mức dự báo 4,3% hồi tháng 6.
Trong bối cảnh đó, nhiều công ty đầu tư mạo hiểm (VC) và các doanh nghiệp tư nhân đã bắt đầu rót vốn vào các quốc gia Đông Nam Á tiềm năng như Singapore, Indonesia và Malaysia.
Theo dữ liệu từ DealStreetAsia, nhiều công trình xây dựng của các công ty đầu tư mạo hiểm hàng đầu Trung Quốc đã mở rộng chi nhánh sang Singapore. Đây được coi là động thái dần dần “chạm” tới nền kinh tế mới nổi Đông Nam Á.
Các công ty quản lý đầu tư và doanh nghiệp tư nhân khác như China Renaissance, Hamilton Lane, Lighthouse Capital và TR Capital cũng nối gót trong việc mở rộng thị trường Đông Nam Á trong năm nay.
Theo số liệu của Refinitiv, khoảng 210 giao dịch M&A hướng tới lĩnh vực công nghiệp và viễn thông của Đông Nam Á đã được công bố trong năm nay. Số lượng giao dịch tăng đáng kể so với con số 184 thương vụ của cùng kỳ năm 2021.
Chưa hết, trong các hoạt động đầu tư tiềm năng, mảng kinh doanh trung tâm dữ liệu của Công ty Time Dotcom (Malaysia) cũng đang thu hút sự quan tâm của công ty đầu tư hạ tầng số hóa toàn cầu DigitalBridge và công ty trung tâm dữ liệu Equinix của Mỹ. Số tiền đầu tư được ước tính có thể lên tới khoảng 600 triệu USD.
Bên cạnh đó, một số công ty khởi nghiệp có triển vọng tại Đông Nam Á cũng sẽ được hưởng làn sóng rót tiền đầu tư từ các quỹ đầu tư mạo hiểm và mua lại.
Theo Michael Marquardt, giám đốc điều hành của công ty dịch vụ đầu tư EQ-IQ châu Á cho biết, xu hướng “dịch chuyển” này đã thật sự bùng nổ kể từ khi hàng loạt các văn phòng gia đình được thành lập ở Singapore. Chủ sở hữu không chỉ là giới siêu giàu đến từ Trung Quốc mà còn từ Nhật Bản.
Chris Kim, giám đốc điều hành cấp cao tại công ty quản lý đầu tư Finex Hong Kong Limited cho biết, các nhà đầu tư châu Á trước đây đã chọn Trung Quốc làm điểm đến cho các văn phòng gia đình nhưng bây giờ sẽ là Đông Nam Á và sau đó là Ấn Độ.
Thậm chí, Hàn Quốc và Nhật Bản cũng đang “nhăm nhe” tới khu vực này và có ý định vươn tay đầu tư tới cả ở Ấn Độ. Thống kê cho thấy, đầu tư từ Nhật Bản vào Đông Nam Á đã tăng nhẹ lên 12 tỷ USD, chủ yếu là lĩnh vực sản xuất như điện tử và các ngành công nghiệp ô tô, bao gồm xe điện.
Theo Siew Kam Boon, đồng sáng lập quỹ đầu tư tư nhân của công ty Dechert LLP cho biết, việc phát triển kinh tế tại Đông Nam Á và Ấn Độ không phải động thái “chọn cái này bỏ cái kia” mà nhằm mục đích chính là đa dạng hóa việc phân bổ vốn đầu tư.
Nền kinh tế mới nổi nhưng đang phát triển mạnh mẽ
Theo giám đốc Boon, nền kinh tế Đông Nam Á khá non trẻ so với các nền kinh tế khác. Tuy nhiên đây là “viên ngọc thô” và đang được mài giũa từng ngày nhờ các đợt chào bán cổ phiếu lần đầu ra công chúng (IPO) của các doanh nghiệp lớn.
Một số đợt IPO tiêu biểu của các công ty công nghệ như Bukalapak, GoTo và Grab đã thúc đẩy sự phát triển chung. Ví dụ GoTo Group của Indonesia, công ty hợp nhất của hãng Gojek và công ty thương mại điện tử Tokopedia đã huy động được 1,1 tỷ USD trong đợt IPO hồi tháng 4 năm nay.
GoTo ra mắt trên sàn giao dịch chứng khoán Indonesia. Ảnh: GoTo
Đây là đợt IPO lớn thứ ba ở châu Á và lớn thứ năm trên toàn cầu. Chỉ riêng đợt IPO của công ty này đã chiếm tới 47% tổng số tiền huy động được trên thị trường IPO của Indonesia, theo số liệu từ công ty Deloitte.
Tuy nhiên, những bất ổn về kinh tế như lạm phát và lãi suất toàn cầu gia tăng đã kìm hãm thị trường IPO của Đông Nam Á. Nhiều công ty đã phải trì hoãn IPO vì lo ngại mức định giá thấp.
Dù chuyển hướng sang Đông Nam Á, nhưng các nhà đầu tư vẫn sẽ “rót vốn” chủ yếu vào các công ty có nền tảng cơ bản sẵn có. Theo dự đoán, hoạt động IPO của Đông Nam Á sẽ “trồi sụt” theo tình hình thị trường chung. Tuy nhiên các hoạt động đầu tư sẽ tăng lên đáng kể.
Kerrine Koh, người đứng đầu công ty đầu tư Hamilton Lane khu vực Đông Nam Á nói rằng, thị trường khu vực này sẽ ngày càng phát triển và Singapore đóng vai trò là bệ phóng. Hamilton Lane đã thêm các công ty công nghệ tài chính của Singapore là Stash Away và ADDX vào danh mục đầu tư của mình trong năm nay.
Trung Quốc vẫn còn tia hy vọng
Nhiều nhà đầu tư vẫn còn nuôi kỳ vọng với đất nước tỷ dân. Bởi Trung Quốc vẫn là thị trường lớn nhất tại châu Á. Trên thực tế, một số quỹ đầu tư nhỏ lẻ đã “ngó lơ” thị trường này nhưng các tập đoàn lớn vẫn có thể sẽ có kế hoạch “đầu tư có chiến lược” dài hơi tại Trung Quốc trong tương lai.
Kinh tế Trung Quốc được dự báo sẽ phục hồi. Ảnh: CFP
Theo dự báo mới nhất về nền kinh tế năm 2023, vào ngày 19 tháng 12, một quan chức Chính phủ Trung Quốc đã dự báo rằng nền kinh tế nước này có thể sẽ đi theo một biểu đồ tăng trưởng độc lập và phục hồi toàn diện. Gần đây, đồng nhân dân tệ đã phục hồi mạnh ngay sau khi có các dấu hiệu nới lỏng trong chính sách Zero Covid.
Trung Quốc sẽ duy trì nhiều chính sách để thúc đẩy nhu cầu và phát triển cơ cấu kinh tế trong năm 2023. Đồng thời, chính phủ cũng sẽ triển khai nhiều kế hoạch mới để phù hợp với nhu cầu hiện nay và đưa quốc gia trở về thời hoàng kim.
Tổng hợp
Thùy Trang
Nhịp sống thị trường