Tesla đang chứng kiến một tháng 12 tồi tệ chưa từng có, mất khoảng 219 tỷ USD vốn hoá khi bước vào phiên giao dịch ngày 23/12. Con số này gần bằng vốn hoá của Toyota - hãng sản xuất ô tô có giá trị thứ 2 thế giới.
Nguyên nhân dẫn đến diễn biến tiêu cực này là hãng đã hạ giá bán xe Mỹ và giảm sản lượng ở Trung Quốc. Cùng với đó là việc nhà đầu tư ngày càng lo ngại rằng CEO Elon Musk đã quá tập trung vào quá trình cải tổ , trong khi Tesla cũng cần phải quyết liệt hơn trên thị trường xe điện.
Thông báo mới của Musk đưa ra hôm thứ Năm rằng ông sẽ ngừng bán cổ phiếu Tesla trong ít nhất là 2 năm cũng không ngăn được đà sụt giảm. Hồi tháng 4 và tháng 8, vị tỷ phú cũng có tuyên bố tương tự nhưng cuối cùng vẫn chứng kiến hàng tỷ USD cổ phiếu bị bán ra.
Những gì Tesla cần cho năm tới là thúc đẩy doanh số của các mẫu xe đang có. Gần đây, công ty đã bắt đầu giao mẫu xe tải Semi vốn được chờ đợi từ lâu và có kế hoạch bắt đầu sản xuất dòng xe bán tải đầu tiên là Cybertruck vào năm 2023. Tesla vẫn chưa thể kết thúc câu chuyện tăng trưởng của riêng họ, song bối cảnh kinh tế khó khăn với lạm phát tăng nóng, lãi suất cao sẽ là một thách thức rất lớn với Musk.
Tuy nhiên, Tesla không phải là nhà sản xuất ô tô duy nhất đối mặt với những khó khăn trong năm tới.
General Motors đã "đánh tiếng" về công nghệ pin Ultium và các nhà máy sản xuất trong vài năm qua. 2 chiếc xe đầu tiên chạy bằng loại pin này - bán tải Cadillac Lyriq và GMC Hummer, vẫn đang trong quá trình sản xuất nhưng với số lượng rất ít. Nhà máy pin ở Lordstown, bang Ohio đang đẩy mạnh sản xuất, theo đó GM kỳ vọng 2023 sẽ là năm họ phát triển mạnh mẽ với xe điện.
Hoạt động lắp ráp sẽ được tăng cường đối với cả 2 mẫu xe trên và GM bắt đầu sản xuất phiên bản mới cho dòng xe điện Chevrolet Silverado, sau đó là Chevy Blazer và Equinox với giá thấp hơn và được mở bán vào mùa thu. 2022 sẽ là năm quan trọng đối với chiến lược của CEO Mary Barra, khi những bài thuyết trình không còn quan trọng mà thay vào đó là thời điểm sản xuất và bán các mẫu xe điện.
Một số tin tốt lành đối với các dòng xe tự hành đã xuất hiện vào tháng 12, dù là lĩnh vực gần đây ít nhận được sự chú ý của các nhà đầu tư. Đơn vị sản xuất xe tự lái của GM là Cruise đã mở rộng sang thị trường Phoenix và Austin, trong khi Waymo của Alphabet đã giấy phép cuối cùng mà họ cần để bán xe không người lái và thực hiện các chuyến đi đến sân bay Phoenix.
Trong khi Ford và Volkswagen "im hơi lặng tiếng" về liên doanh xe tự lái Argo AI và robotaxi của Tesla cũng "chìm nghỉm", thì Cruise và Waymo đang nỗ lực chứng minh rằng họ sẽ thực sự thúc đẩy hoạt động kinh doanh vào năm 2023.
Đầu tháng này, các chủ nợ của Carvana, bao gồm Apollo Global Management và Pacific Investment Management, đã ký một cam kết không nảy sinh mâu thuẫn, trong khi các nhà bán lẻ ô tô cũ online này đang nỗ lực tái cơ cấu khoản nợ của mình.
Theo dữ liệu của Bloomberg, Carvana có 316 triệu USD tiền mặt và khoản nợ hơn 7 tỷ USD vào cuối quý III. Nợ nần chồng chất và giá trị xe cũ sụt giảm đã khiến lợi nhuận của họ đi xuống, cổ phiếu mất 98% giá trị trong năm nay.
Tháng 3 sẽ là thời điểm quan trọng khi Carvana phải trải lãi cho khoản trái phiếu đến hạn năm 2029. Nếu họ trả nợ đúng hạn, thì một thoả thuận sẽ được ký kết để tái cơ cấu nợ. Còn ngược lại, hãng bán xe cũ có thể sẽ phá sản.
Bloomberg Intelligence nhận thấy lợi nhuận của các doanh nghiệp sản xuất ô tô lệ thuộc tài chính (captive finance) sẽ giảm 35% trong năm nay. Theo đó, khi lợi nhuận đi xuống, các dự án có xu hướng bị trì hoãn hoặc huỷ bỏ và các công nghệ mới sẽ gặp rủi ro rất lớn.
Bloomberg nhận định 2023 sẽ là "bài test" khó với nhiều doanh nghiệp sản xuất ô tô. Tesla, các hãng sản xuất xe truyền thống và hàng loạt startup công nghệ mới đều đã tận hưởng đà tăng trưởng mạnh mẽ và các điều kiện huy động vốn dễ dàng trong nhiều năm. Và tất cả những yếu tố này sẽ thay đổi vào năm sau.
Tham khảo Bloomberg
Chi Lan
Nhịp sống thị trường