Chính phủ Indonesia vừa phát hành thành công 3 tỷ USD trái phiếu Hồi giáo toàn cầu (Sukuk) nhằm hỗ trợ phục hồi kinh tế quốc gia hậu đại dịch COVID-19 với lợi suất thấp kỷ lục.
Truyền thông sở tại cho biết 1,25 tỷ USD trái phiếu có kỳ hạn 5 năm với lợi suất 1,5%/năm, 1 tỷ USD trái phiếu kỳ hạn 10 năm với lợi suất 2,55%/năm và 750 triệu USD trái phiếu kỳ hạn 30 năm với lợi suất 3,55%/năm. Trong đợt phát hành này, tổng số đơn đặt mua Sukuk của Chính phủ Indonesia đạt hơn 10,3 tỷ USD, chủ yếu do nhu cầu lớn từ các ngân hàng trung ương, các quỹ đầu tư quốc gia và các công ty bảo hiểm.
[Tăng trưởng của Indonesia dự báo tiếp tục âm trong quý đầu 2021]
Lợi suất trái phiếu được các nhà bảo lãnh phát hành quốc tế - gồm CIMB, Citigroup, Ngân hàng Hồi giáo Dubai, HSBC và Standard Chartered - đề xuất là 1,9%, 3% và 4%, tương ứng với thời hạn 5 năm, 10 năm và 30 năm. Đợt phát hành trái phiếu Hồi giáo toàn cầu của Indonesia lần gần đây nhất diễn ra vào tháng Sáu năm ngoái, trong bối cảnh dịch COVID-19 lan rộng, buộc các nhà đầu tư phải cân nhắc đến các tác động kinh tế của đại dịch. Hiện chính phủ các nước trên thế giới đang ráo riết phát hành trái phiếu nhằm hỗ trợ phục hồi kinh tế.
Trong nỗ lực này, Indonesia cũng đã phát triển một số công cụ tài chính sáng tạo như Trái phiếu Hồi giáo Xanh, thành lập công ty phát triển hạ tầng SDG Indonesia One, và Cơ quan Quản lý Quỹ Môi trường./.