Tháng trước, Carey Cherner – một người bán ô tô 36 tuổi sống tại Kensington (Maryland), chỉ mất chưa đầy 12 giờ để bán chiếc xe bán tải Ford F-150 đời 2001, đã chạy được 184.000 miles. Chiếc xe được bán với giá 7.500 USD, cao hơn 50% so với bình thường.
Không chỉ chiếc xe của Cherner chứng kiến mức giá bán cao đến vậy, khi thị trường xe đã qua sử dụng của Mỹ đang cực kỳ "nóng". Ngành này hiện là tâm điểm của áp lực lạm phát ngày càng tăng tại Mỹ. Do đó, thị trường ô tô cũ đã trở thành một chủ đề thu hút sự quan tâm lớn của các nhà hoạch định chính sách ở Washington.
Cherner cho hay: "Số người mua xe còn lớn hơn cả số lượng xe có trên thị trường. Điều này càng khiến mọi thứ trở nên điên rồ."
Điều bất thường là các quan chức đang theo dõi sát sao giá ô tô đã qua sử dụng như một chỉ báo cho diễn biến lạm phát trong tương lai. Nếu mức giá tăng ổn định và lan rộng sang những phần khác của nền kinh tế, Mỹ có thể phải đối mặt với thời kỳ tăng trưởng quá nóng lần đầu tiên trong nhiều thập kỷ. Điều này tạo thách thức lớn cho Fed và các nhà hoạch định chính sách kinh tế của chính quyền Tổng thống Joe Biden.
Giá xe con và xe tải đã qua sử dụng tăng 10% so với tháng trước trong tháng 4 và tăng 21% so với 1 năm trước đó. Mức tăng này cũng là một trong những yếu tố chính khiến chỉ số giá tiêu dùng (CPI) của Cục Thống kê Lao động Mỹ tăng 4,2% so với cùng kỳ năm trước. Lạm phát cơ bản – không bao gồm giá thực phẩm và năng lượng, đã chạm mức 3%.
Ernie Garcia – nhà sáng lập của nền tảng mua bán xe cũ trực tuyến Carvana, cho hay: "Mức giá cao hơn hẳn so với trước đây và tăng nhanh hơn nhiều so với những gì tôi nghĩ."
Các nhà hoạch định chính sách khẳng định áp lực giá sẽ giảm dần, đồng thời củng cố quan điểm rằng xu hướng lạm phát sẽ chỉ là nhất thời. Trong một bài phát biểu hôm 1/6, Lael Brainard – thống đốc Fed, cho biết dù áp lực giá ô tô cũng "có thể vẫn tồn tại trong những tháng mùa hè, nhưng tôi cho rằng nó sẽ giảm bớt và có khả năng sẽ đảo ngược phần nào trong những quý tiếp theo."
Tuy nhiên, trong khi nhiều nhà kinh tế đồng tình rằng áp lực lạm phát chỉ là tạm thời, họ cũng thừa nhận sự không chắc chắn về triển vọng kinh tế là rất lớn. Khi đại dịch phần lớn được kiểm soát trên khắp nước Mỹ, người tiêu dùng "điên cuồng" sử dụng khoản tiền tiết kiệm và hỗ trợ của chính phủ, trong khi chuỗi cung ứng toàn cầu đang căng thẳng do tình trạng "nút thắt cổ chai".
Giá ô tô đã qua sử dụng tăng cao do hoạt động sản xuất xe mới bị đình trệ do các đợt giãn cách xã hội và tình trạng thiếu chất bán dẫn. Ngoài ra, một điều bất thường trong đợt suy thoái kinh tế là số lượng khách hàng không thể chi trả khoản thế chấp mua ô tô và số xe bị thu hồi đã giảm. Điều này đã làm giảm một nguồn cung khác của các nhà bán xe như Cherner.
Trong khi đó, nhu cầu mua xe lại bùng nổ. Do sự lây lan của đại dịch, người Mỹ giảm tần suất sử dụng các loại phương tiện công cộng, chuyển sang dùng ô tô riêng. Các khoản tiền kích thích cũng thúc đẩy họ chi tiêu cho việc này. Hơn nữa, các công ty cho thuê ô tô cũng bán bớt xe khi hoạt động du lịch buộc phải dừng lại vào năm ngoái, hiện tại họ đang chật vật để bù đắp bằng cách mua xe cũ.
Laura Rosner – kinh tế gia cấp cao tại MacroPolicy Perspectives, cho hay: "Hiện tại, thị trường ô tô cũ đang rất căng thẳng. Nhu cầu tăng cao cộng với những biện pháp kích thích tài khóa đã tạo ra một cơn bão kinh hoàng. Chúng tôi đang nhận thấy điều đó được thể hiện ở mức giá."
Tuy nhiên, Jonathan Smoke đến từ Cox Automotive – công ty tư vấn cho các đại lý bán ô tô, lưu ý rằng "một số chỉ báo hàng đầu về những sự kiện đấu giá của chúng tôi cho thấy chu kỳ tăng giá có thể sẽ kết thúc."
Theo đó, các nhà kinh tế và giới chức Mỹ đang cân nhắc xem chỉ số giá tiêu dùng sẽ mất bao nhiêu lâu để quay trở lại gần mục tiêu trung bình 2% của Fed.
Goldman Sachs dự đoán lạm phát cơ bản sẽ đạt mức cao nhất là 3,6% so với cùng kỳ năm ngoái vào tháng 6 và giảm nhẹ xuống 3,5% vào cuối năm, sau đó đạt mức trung bình 2,7% vào năm 2022.
Các quan chức Fed không chỉ theo dõi số liệu về lạm phát chính mà còn những thước đo khác về biến động giá. Chỉ số chi tiêu tiêu dùng cá nhân lõi (PCE) tăng 3,1% trong tháng 4, dù PCE trung bình của Fed Dallas đã được điều chỉnh tăng 1,8%.
Ngoài ra, NHTW Mỹ cũng cân nhắc về một chỉ số về kỳ vọng lạm phát hàng quý, để đánh giá về sự chênh lệch với các mục tiêu. Lần công bố số liệu tiếp theo sẽ là tháng 7. Dẫu vậy, sự không chắc chắn vẫn khiến một số nhà kinh tế và nhà đầu tư lo ngại.
Quay trở lại với Maryland, Cherner rất lạc quan về triển vọng tương lai. Ông nói: "Tôi không cho rằng giá sẽ giảm mạnh cho đến khi cung vượt cầu."
Tham khảo Financial Times
Lục Lam
Theo Nhịp sống kinh tế