Chuyên mục  


1. Bán trong hoảng loạn

93% các chuyên gia tài chính nhận diện "bán trong hoảng loạn" là sai lầm hàng đầu trong đầu tư. Khi bạn nhìn thấy số dư tài khoản bắt đầu lao dốc hoặc nền kinh tế bắt đầu chao đảo, thật khó để tránh việc đưa ra những quyết định tồi tệ trong khi lo sợ mình sẽ mất tất cả.

Không may là bán ra trong lúc mọi thứ trở nên khó khăn hơn chính là công thức hoàn hảo dẫn đến thảm họa. Thường thì cuối cùng bạn sẽ bán ở đáy và bỏ lỡ cơ hội hưởng lợi từ đà hồi phục thường thấy sau khi thị trường điều chỉnh.

Tin tốt là bạn có thể dễ dàng tránh được sai lầm này nếu như có 1 chiến lược đầu tư vững chãi. Nếu bạn tự tin vào khoản đầu tư của mình, hãy tạm "vứt" danh mục sang một bên khi thị trường chao đảo để tránh những suy nghĩ thôi thúc bạn bán ra. Hoặc tốt hơn nữa là làm theo lời khuyên của Warren Buffett: hãy tham lam khi người khác sợ hãi.

2. Cố gắng đoán đúng thời điểm

Nhìn bên ngoài thì đặt mục tiêu mua vào khi giá chạm đáy và bán ra ở mức đỉnh là 1 chiến lược hoàn hảo. Nhưng vấn đề ở đây là hầu hết mọi người không thể dự báo chính xác khi nào giá chạm đáy hay đạt đỉnh. Và kể cả bạn chỉ bỏ lỡ một vài cơ hội thì thiệt hại cũng không hề nhỏ.

Đó là lý do tại sao 50% chuyên gia tài chính tham gia khảo sát liệt kê "cố gắng đoán đúng thời điểm" là sai lầm hàng đầu. Dẫu vậy lỗi này cũng dễ tránh. Chiến lược bình quân giá (dollar cost averaging – DCA), tức thường xuyên mua 1 lượng cổ phiếu nhất định theo 1 lịch trình đã định trước trong một khoảng thời gian tương đối dài, là 1 lựa chọn.

3. Không hiểu rõ mức độ chịu đựng rủi ro của bản thân

Rủi ro càng lớn thì tiềm năng lợi nhuận sẽ càng cao. Tuy nhiên, 45% các chuyên gia tài chính tham gia khảo sát nhận định không hiểu rõ mức độ chịu đựng rủi ro của bản thân là sai lầm mà nhiều nhà đầu tư  hay mắc phải.

Bạn sẽ phải tính toán cẩn thận mức độ rủi ro mà bản thân có thể chấp nhận được trước khi quyết định sẽ rót bao nhiêu tiền vào cổ phiếu (loại tài sản có mức độ rủi ro cao nhưng cũng mang đến cơ hội thu về mức lợi suất cao); nên lựa chọn đầu tư vào quỹ chỉ số hay chọn lựa ra vài cổ phiếu riêng lẻ để tăng xác suất đánh bại thị trường.

Mức độ chấp nhận rủi ro là thứ nên thay đổi theo thời gian. Trước khi đầu tư hãy nghiên cứu vấn đề này thật kỹ và để nó dẫn dắt chiến lược đầu tư của bạn.

4. Đặt ra những kỳ vọng viển vông

Hãy đưa ra những kỳ vọng thực sự hợp lý về số tiền mà bạn sẽ kiếm được từ đầu tư. Nếu kỳ vọng mức lợi suất 20%/năm, bạn phải bỏ ra nhiều công sức hơn rất nhiều so với mức chỉ 2%/năm.

Để tránh sai lầm này, hãy nhìn vào lịch sử đầu tư của mình và nghiên cứu thật kỹ các cổ phiếu mà bạn nhắm tới để đánh giá tiềm năng thực sự của danh mục.

5. Chấp nhận quá nhiều rủi ro để theo đuổi lợi suất

Trong khi nhiều nhà đầu tư hiểu lầm về mức độ chịu đựng rủi ro của bản thân, cũng có rất nhiều người quá mạo hiểm và đánh bạc với tương lai. Nếu đầu tư vào những tài sản có độ rủi ro quá cao hoặc đổ quá nhiều tiền vào thị trường, bạn đứng trước nguy cơ lỗ lớn nếu có bất cứ điều gì xảy ra theo chiều ngược với dự đoán của bạn.

Để tránh sai lầm này, cần đảm bảo phân bổ danh mục và đặt ra mức độ rủi ro phù hợp với độ tuổi và các mục tiêu mà bạn đề ra. Ví dụ, nếu bạn đầu tư để kiếm thêm thu nhập cho quãng đời hưu trí, hãy lấy 110 trừ đi số tuổi của bạn để quyết định xem danh mục nên có bao nhiêu phần trăm là cổ phiếu.

6. Không nhận ra sự hưng phấn quá mức của thị trường

Đây là trạng thái ngược với bán ra trong hoảng loạn, và 25% chuyên gia tài chính tham gia khảo sát cho rằng đây là sai lầm rất đắt giá.

Khi nhà đầu tư quá hào hứng vì dường như mọi thứ đều tăng giá, giá sẽ tăng liên tục mà không có giai đoạn điều chỉnh. Bạn có thể dễ dàng mắc vào bong bóng và có 1 danh mục toàn các cổ phiếu có giá quá cao so với giá trị thực.

Tuy nhiên, tin tốt là CDA cùng với 1 chiến lược đầu tư thông minh chú trọng vào nền tảng cốt lõi của doanh nghiệp sẽ giúp bạn tránh được sai lầm này.

7. Tập trung vào chi phí thay vì giá trị

Có rất nhiều nhà đầu tư tập trung quá nhiều vào giá cổ phiếu mà không nghiên cứu cẩn thận xem thực chất thì cổ phiếu đó đáng giá bao nhiêu.

Điều này thường dẫn đến niềm tin sai trái rằng những cổ phiếu penny đều là món hời dù đó là 1 công ty kinh doanh lẹt đẹt hay không công bố các số liệu tài chính minh bạch. Đây cũng là nguyên nhân khiến các nhà đầu tư thiếu kinh nghiệm đánh giá cao 1 cổ phiếu chỉ vì giá của nó đang ở mức cao.

Thực tế là cổ phiếu A có giá 5.000 USD vẫn có thể rẻ hơn cổ phiếu B có giá 10 USD nếu như trong tương lai giá của cổ phiếu A tăng gấp đôi còn cổ phiếu B giảm một nửa. Hãy nhìn vào lịch sử giá, đội ngũ lãnh đạo công ty, các lợi thế cạnh tranh và tiềm năng tăng trưởng khi đánh giá 1 công ty.

8. Không tính đến thuế khi lựa chọn cổ phiếu

Nhà đầu tư có thể bỏ lỡ cơ hội tận dụng những ưu đãi thuế nếu mắc phải sai lầm này. Và cách phòng tránh là hãy hiểu thật kỹ về luật thuế.

Tham khảo Motley Fool

Thu Hương

Theo Doanh nghiệp và Tiếp thị

Thông tin

Tổng hợp tin tự động tinmoi-247.com (r) © 2020