Từng làm việc tại Úc, Mỹ và nhiều nước châu Á, ông nhận thấy đâu là điểm khác biệt trong cách tiếp cận với giáo dục đại học của xã hội và sinh viên Việt Nam so với những khu vực khác?
Với tôi, không quan trọng là tôi đã làm việc ở đâu vì mọi nơi đều khác nhau. Dù có một số điểm tương đồng nhưng tất cả đều có lịch sử, quy trình và những kỳ vọng riêng đối với giáo dục.
Ở Việt Nam, chính phủ rất chủ động và có mục tiêu rõ ràng cho sự tăng trưởng trong lĩnh vực giáo dục. Giáo dục Việt Nam luôn mang trong mình tinh thần cầu thị, không ngại sự thay đổi để chương trình giảng dạy luôn được cải thiện. Những sự nỗ lực đó đều nhằm mục đích trang bị cho học sinh kiến thức và kỹ năng cần thiết để thúc đẩy chất lượng nguồn nhân lực.
Chúng ta đang sống trong một kỷ nguyên nơi mọi thức luôn luôn chuyển biến. Cách chúng ta tiếp nhận kiến thức, cách chúng ta tư duy, cảm nhận và tương tác với nhau sẽ buộc phải thay đổi như khi internet, điện thoại di động mới xuất hiện.
Bởi vậy, chúng ta cần phải thích ứng với môi trường đó và tôi nghĩ rằng Việt Nam đang làm rất tốt điều đó. Điều quan trọng nhất cũng là điều mà tôi thấy sinh viên Việt Nam khác biệt so với những quốc gia khác đó là tinh thần ham học hỏi, tôn trọng và trân quý lịch sử.
Làm giáo dục trong môi trường đó, ông thấy đâu là thách thức và cơ hội với bản thân mình và trường?
Không giống một số lĩnh vực kinh tế khác, khi làm giáo dục, bạn phải nhìn về dài hạn. Các tổ chức giáo dục, đặc biệt là giáo dục đại học, đều cần những nhà đầu tư dài hạn. Với khoản đầu tư ban đầu rất lớn, thường các dự án giáo dục tư thục phải mất trung bình 3 – 5 năm mới hòa vốn và có lãi. BUV xác định trở thành trường đại học hàng đầu khu vực, nên giá trị đầu tư vào nhân sự, công nghệ và cơ sở hạ tầng để xác lập và đảm bảo chất lượng đào tạo chuẩn quốc tế càng tăng hơn so với các trường quy mô cấp quốc gia.
Nhưng ở chiều ngược lại, không phải khách hàng nào cũng hiểu được bài toán chi phí này mà các trường đại học quốc tế như BUV phải đương đầu. Có lẽ thách thức lớn nhất của chúng tôi là đại học tư thục vẫn là một lĩnh vực tương đối mới mẻ ở Việt Nam. Và chúng tôi đang nỗ lực không ngừng để xây dựng niềm tin và định vị thương hiệu trên thị trường.
Trên chặng đường này, vẫn còn một số bậc phụ huynh, học sinh chưa thực sự tỏ tường về BUV, chân dung thương hiệu của chúng tôi, các giá trị nổi trội mà chúng tôi mang lại. Tất cả những vấn đề này sẽ được chúng tôi từng bước tháo gỡ từ cuối năm 2024, đầu năm 2025, mở đường bằng chiến dịch tái định vị thương hiệu của BUV để trở thành “Ngôi trường của những trái tim sư tử bản lĩnh” đích thực.
Mọi người thường cho rằng Đại học Anh Quốc Việt Nam (BUV) chỉ dành cho “con nhà giàu”. Ông nhận định như thế nào về quan điểm này?
Đương nhiên, chúng tôi không thể đầu tư mà không mang về lợi nhuận. Nhưng bạn biết đấy, chúng tôi mở cửa chào đón cả những sinh viên có khả năng tài chính kém hơn.
Có thể một số người nghĩ rằng đây là một ngôi trường quốc tế và họ ngay lập tức nghĩ: “Ồ, trường này chỉ dành cho ‘người giàu’.” Thực tế là, BUV có học bổng dành cho tất cả mọi người, chúng tôi tạo cơ hội cho cả những sinh viên thậm chí chưa từng mơ ước được tiếp cận nền giáo dục Anh Quốc.
Chúng tôi muốn thực hiện mục tiêu đó ở quy mô lớn hơn nhiều và nỗ lực nhiều hơn trong tương lai.
Ông luôn tin tưởng vào quy tắc “học phải đi đôi với hành”. Triết lý này được thể hiện ra sao tại BUV?
Thực ra với tôi học tập không chỉ là lý thuyết và thực hành. Ở BUV, chúng tôi dạy sinh viên cách khám phá. Ngoài lý thuyết, sinh viên của chúng tôi sẽ được hoạt động nhóm, cùng nhau hợp tác và áp dụng lý thuyết đó vào các vấn đề thực tế.
Nếu nhìn vào các lớp học ở đây, bạn sẽ thấy một số trong đó được trang bị bàn tròn. Theo tôi, bạn sẽ khó mà suy nghĩ độc lập và hoàn toàn tin tưởng vào những gì bạn biết, nhưng người khác sẽ đưa ra ý tưởng mới khi các bạn thảo luận, cùng chia sẻ với nhau. Những gì chúng tôi làm ở đây là giúp sinh viên học cách tạo ra kiến thức.
Chúng tôi cũng khuyến khích sinh viên đi thực tập. Trong môi trường làm việc, nhiều người trẻ có những hành động khá bồng bột vì họ tin rằng họ luôn đúng. Tuy nhiên, có thể họ đã hiểu sai về vấn đề “quyền lực”. Chúng tôi giúp sinh viên hiểu rằng đừng lên tiếng cho đến khi họ biết cách lên tiếng, tức là chương trình của chúng tôi bao gồm cả nội dung về phát triển cá nhân, cách ứng xử ở nơi làm việc và hiểu về quyền lực trong các tổ chức.
Chú thích ảnh
Với kinh nghiệm làm việc ở nhiều nơi khác nhau, ông cảm thấy cuộc sống ở Việt Nam như thế nào?
Tôi đã có những cuộc phiêu lưu ở rất nhiều nơi, Mỹ, Anh, châu Âu, Úc và khắp châu Á. Khi đến Việt Nam, ngay lập tức tôi đã “phải lòng” đất nước này và gia đình tôi cũng vậy. Có lẽ chúng tôi sẽ sống ở Việt Nam suốt đời.
Tôi sẽ kể cho bạn một vài kỷ niệm của riêng mình. Việt Nam đã đưa tôi trở về quá khứ, cùng với đó là nơi có cả công nghệ hiện đại, chính phủ tuyệt vời và nhiều điều khác nữa.
Khi còn nhỏ, tôi và bà của mình thường mang lá ra đường và đốt chúng. Và sau đó, tất cả những người hàng xóm cũng làm vậy, mọi người cùng nhau ngồi hàn thuyên với nhau mỗi tối. Đó cũng là những gì tôi thấy khi đến Hà Nội, mọi người thoải mái trò chuyện với nhau, đốt là và làm nhiều điều thú vị khác trên vỉa hè ở mỗi con phố.
Hình ảnh đó đã khiến trái tim tôi “đổ gục”!
Chú thích ảnh
Ông yêu thích điều gì ở Việt Nam và làm gì để kết nối với văn hoá người Việt?
Đừng cười tôi nhé. Tôi thích bia hơi.
Tôi có những người bạn, hiệu trưởng các trường đại học và những người đồng nghiệp ở nhiều trường đại học khác nhau, tất cả chúng tôi đều đi “nhậu” để trò chuyện, “tán gẫu” cùng nhau.
Tôi còn thích lái chiếc xe Vespa của mình đi dạo phố Hà Nội. Tôi thích những bãi biển vì rất mê lướt sóng. Nha Trang và Đà Nẵng đều là những nơi “lý tưởng”.
Điều khiến tôi ấn tượng nhất đó là hình ảnh người phụ nữ Việt Nam thướt tha trong tà áo dài với mái tóc đen, họ cầm trên tay những bông hoa, dạo bước trên những con phố và mọi thứ như một bức tranh.
Với tôi, mỗi người Việt Nam đều là một nghệ sĩ. Mọi người đều yêu thích ca hát, họ thoải mái cất tiếng hát và trong một vài sự kiện, bỗng nhiên tôi nhận thấy khía cạnh mới của một người mà bạn chưa từng biết đến khi họ cầm trên tay chiếc micro.
Xin cảm ơn ông!
An Chi