Cựu tổng thống Donald Trump và Phó tổng thống Kamala Harris - Ảnh: AFP
Ngày 5-11 tới là ngày trọng đại bầu cử Mỹ, khi người dân cả nước đi bỏ phiếu chọn ra ai sẽ dẫn dắt nền kinh tế lớn nhất thế giới trong bốn năm tới.
Tuy nhiên, lá phiếu phổ thông của cử tri không phải là chìa khóa trực tiếp dẫn đến Nhà Trắng cho hai ứng viên Donald Trump và Kamala Harris. Lá phiếu quyết định nằm trong tay các đại cử tri - thành tố đặc biệt, có một không hai của nền chính trị Mỹ.
Đại cử tri của bầu cử Mỹ là ai?
Đại cử tri là các cá nhân được lựa chọn để đại diện cho từng bang bỏ phiếu bầu tổng thống. Phiếu bầu của đại cử tri mới là lá phiếu trực tiếp bầu ra tổng thống Mỹ.
Mỗi bang ở Mỹ được phân chia số lượng đại cử tri dựa trên số lượng nghị sĩ của bang này trong quốc hội liên bang.
Cụ thể, mỗi bang được phân số đại cử tri bằng tổng số thượng nghị sĩ và dân biểu của bang đó. Trong khi số thượng nghị sĩ luôn cố định là 2 người đối với tất cả 50 bang và thủ đô Washington D.C thì số dân biểu mỗi bang lại thay đổi theo từng năm và phụ thuộc vào dân số bang.
Ví dụ, bang California (bang đông dân nhất nước Mỹ) có dân số gần 39 triệu người và được phân 52 dân biểu. Do đó, bang này được chia tổng cộng 54 phiếu đại cử tri. Trong khi đó, bang ít dân nhất là Wyoming chỉ có chưa đầy 580.000 người nên chỉ được phân 1 dân biểu và 3 phiếu đại cử tri.
Số lượng đại cử tri của mỗi bang thay đổi qua từng kỳ bầu cử, nhưng tổng số đại cử tri toàn quốc luôn cố định là 538 người. Bất kỳ ứng viên nào giành quá bán phiếu đại cử tri, tức ít nhất 270 phiếu, sẽ đắc cử tổng thống.
Lá phiếu phổ thông tác động kết quả bầu tổng thống Mỹ ra sao?
Đại cử tri bang Pennsylvania ra về sau khi bỏ phiếu bầu tổng thống ngày 14-12-2020 - Ảnh: AFP
Như đã nói ở trên, lá phiếu phổ thông của hàng trăm triệu cử tri Mỹ không trực tiếp bầu ra tổng thống. Thay vào đó, lá phiếu ấy đóng vai trò quyết định trong việc thành lập đại cử tri đoàn tại bang mà mình bỏ phiếu.
Cụ thể, hầu hết các bang ở Mỹ đều bầu cử theo nguyên tắc "người thắng lấy tất cả". Điều này nghĩa là đại cử tri không được phép tự do bầu cho ứng viên mình yêu thích. Thay vào đó, toàn bộ đại cử tri của một bang phải bầu cho ứng viên đã nhận được đa số phiếu phổ thông tại bang đó.
Ví dụ, tại cuộc bầu cử năm 2020, ông Joe Biden nhận 3,45 triệu phiếu bầu phổ thông ở bang Pennsylvania. Ông Trump nhận 3,37 triệu phiếu, kém ông Biden chỉ khoảng 80.000 trên hơn 6,82 triệu phiếu. Tuy nhiên ông Biden vẫn thu về toàn bộ 20 phiếu đại cử tri của Pennsylvania, còn ông Trump thì trắng tay.
Sau ngày bầu cử toàn quốc, đại cử tri đoàn sẽ được thành lập dựa trên kết quả bầu phổ thông và tiến hành bỏ phiếu vào tháng 12, tức hơn một tháng sau ngày bầu cử.
Đặc sản của chính trị Mỹ
Người dân Mỹ đi bỏ phiếu phổ thông ngày 3-11-2020 - Ảnh: REUTERS
Hệ thống đại cử tri được hình thành ngay từ những ngày đầu tiên của nước Mỹ, được quy định trong Hiến pháp năm 1787 của nước này.
Tuy nhiên khi ấy tên gọi "đại cử tri" chưa ra đời. Tên gọi chính thức cũng như những điều chỉnh đối với hệ thống đại cử tri được đưa ra xuyên suốt quá trình xây dựng đất nước của Mỹ nhằm thích ứng với thời cuộc.
Những người sáng lập nước Mỹ đã tạo ra hệ thống này dựa trên việc dung hòa hai hình thức bầu cử phổ biến: bầu trực tiếp qua lá phiếu phổ thông và bầu gián tiếp qua Quốc hội.
Hệ thống này đảm bảo quyền lợi và tiếng nói của các bang có dân số nhỏ, đồng thời hạn chế tập trung quá nhiều quyền lực vào tay những bang đông dân.
Nếu bầu theo hình thức phổ thông đầu phiếu, số phiếu bầu bang California sở hữu sẽ gấp 67 lần số phiếu của bang Wyoming. Tuy nhiên nhờ hệ thống đại cử tri, chênh lệch này giảm còn chỉ 18 lần.
Để không bỏ lỡ các thông tin liên quan bầu cử tổng thống Mỹ năm 2024, mời bạn đọc theo dõi trên Tuổi Trẻ Online tại đây.