Cử tri Mỹ sẽ bỏ phiếu bầu tổng thống thứ 47 vào ngày 5/11, trong cuộc đua vào Nhà Trắng được đánh giá là sít sao nhất từ trước tới nay giữa ứng viên đảng Cộng hòa Donald Trump và đối thủ đảng Dân chủ Kamala Harris.
Đây là lần thứ ba ông Trump tranh cử. Trong trường hợp đánh bại được đương kim Phó tổng thống và trở lại Nhà Trắng, Trump không chỉ gây chấn động chính trường Mỹ trong lần thứ ba tranh cử, mà những chính sách đối ngoại ông theo đuổi có thể tạo ra ảnh hưởng sâu sắc đến cả thế giới.
Trong quá trình vận động tranh cử, ngoài những ưu tiên nhằm "cứu nước Mỹ", ông Trump còn phần nào nêu lên các các vấn đề quốc tế mà ông cho là cần giải quyết, trong đó có liên quan đến NATO, Trung Quốc, Ukraine và Gaza.
Căng thẳng với NATO
Trump ám chỉ nếu tái đắc cử, ông sẽ giảm tài trợ của Mỹ cho NATO hoặc không thực hiện Điều 5 trong hiệp ước thành lập khối. Điều 5 quy định bất cứ cuộc tấn công nào nhằm vào một thành viên của khối cũng được coi là đòn tấn công nhằm vào cả liên minh và NATO sẽ phối hợp đáp trả.
Ông thường xuyên chỉ trích các thành viên NATO vì không thực hiện cam kết chi tiêu tối thiểu 2% GDP cho quốc phòng. Năm 2017, ông mô tả NATO là "tổ chức lỗi thời", khiến quan hệ giữa Mỹ với liên minh trở nên căng thẳng và nhiều quan chức NATO đã "thở phào" khi ông Joe Biden chiến thắng năm 2020 với cam kết "đưa Mỹ trở lại".
Trump không phải tổng thống Mỹ đầu tiên kêu gọi NATO tăng chi cho quốc phòng, nhưng những cảnh báo mà ông đưa ra nghiêm trọng và trực diện hơn nhiều, buộc các thành viên của khối phải hành động.
Trong số 32 thành viên NATO, 20 nước đã đạt mục tiêu chi 2% GDP cho quốc phòng và đang tập trung hỗ trợ Ukraine.
Ông Donald Trump họp báo tại trụ sở NATO, Brussels, Bỉ, ngày 12/7/2018. Ảnh: AFP
Ông Trump thậm chí còn đe dọa không bảo vệ các nước NATO chưa chi đủ cho quốc phòng, và sẽ để Nga "làm bất cứ điều gì họ muốn". "Tôi nghĩ điều này giống chiến thuật đe dọa của ông Trump để châu Âu phải chi trả phần tiền của mình", tiến sĩ Adrian Ang, nhà nghiên cứu tại Trường S. Rajaratnam về Nghiên cứu Quốc tế (RSIS), Singapore, nói.
Để đề phòng kịch bản Trump thực hiện những lời đe dọa đó, quốc hội Mỹ năm 2023 đã thông qua luật cấm tổng thống đương nhiệm đơn phương rút nước này khỏi NATO nếu không được 2/3 nghị sĩ Thượng viện chấp thuận, Constanze Stelzenmuller, giám đốc Trung tâm về Mỹ và châu Âu thuộc Viện Brookings, trụ sở Washington, lưu ý.
"Mọi người đều công nhận châu Âu phải tăng chi quốc phòng để xây dựng lại năng lực phòng thủ, do đó, nếu Trump tái đắc cử, Mỹ có thể lùi lại một bước, để NATO tự đảm bảo an ninh châu Âu, trong khi Mỹ dành ưu tiên cho khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương", tiến sĩ Ang nhận định.
Gây sức ép với Ukraine
Theo viện chính sách Chatham House, trụ sở tại Anh, Ukraine là bên có nhiều thứ phải lo lắng nhất nếu ông Trump tái đắc cử. Với quan điểm "nước Mỹ trên hết" của mình, Trump nhiều khả năng sẽ gia tăng sức ép với Ukraine để nước này sớm đi đến thỏa hiệp chấm dứt chiến sự.
Ông Trump chưa bao giờ thể hiện mong muốn tăng hỗ trợ cho Ukraine, điều mà ông cho là "tốn kém và lãng phí". Các nghị sĩ Cộng hòa trung thành với Trump từng khiến gói viện trợ hàng chục tỷ USD của Mỹ cho Ukraine bị trì hoãn suốt nhiều tháng tại quốc hội.
Ứng viên phó tổng thống đảng Cộng hòa JD Vance hồi tháng 7 cũng cho rằng "tài trợ cho một cuộc chiến bất tận" không phù hợp lợi ích của Mỹ.
Ông Trump tuyên bố sẽ chấm dứt chiến sự Ukraine - Nga trong 24 giờ, buộc Tổng thống Nga Vladimir Putin và người đồng cấp Ukraine Volodymyr Zelensky chấp nhận một lệnh ngừng bắn.
Ông Trump và ông Zelensky tại Tháp Trump ở New York ngày 27/9. Ảnh: Reuters
Trump chưa bao giờ nói rõ kế hoạch chấm dứt chiến sự nhanh chóng của mình như thế nào, nhưng giới quan sát cho rằng ông sẽ tận dụng ảnh hưởng cá nhân của mình với lãnh đạo Nga và Ukraine để vừa tìm kiếm thỏa hiệp, vừa gây sức ép. Các nhà phân tích nhận định phương án khả thi nhất mà Trump có thể đưa ra là buộc Ukraine chấp nhận "đổi đất lấy hòa bình", đình chiến theo hiện trạng Nga đang kiểm soát ở lãnh thổ nước này.
Nếu ông Zelensky không đồng ý, Mỹ sẽ cắt viện trợ quân sự, động thái được coi là đòn giáng nặng nề với Ukraine. Nếu ông Putin từ chối thương lượng, Washington sẽ tăng cường viện trợ cho Kiev.
Ổn định tình hình Trung Đông
Tại Trung Đông, ông Trump có thể giữ vai trò ổn định tình hình. Hiệp ước Abraham, được coi là thành tựu đối ngoại lớn nhất trong nhiệm kỳ đầu của ông, đã giúp bình thường hóa quan hệ giữa Israel và một số quốc gia Arab. Hiệp định dấy lên hy vọng mang đến ổn định và thịnh vượng cho khu vực, nhưng triển vọng này đã bị lu mờ bởi chiến sự Israel - Hamas.
Trong nhiệm kỳ của Tổng thống Biden, Mỹ đang mất dần vị thế tại Trung Đông. Kết quả một thăm dò thực hiện hồi đầu năm ở Trung Đông cho thấy khu vực đặt niềm tin vào Tổng thống Nga Putin và Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình hơn là Tổng thống Biden.
Giữa những biến động phức tạp ở Trung Đông hiện nay, nếu trở lại nắm quyền, Trump nhiều khả năng không thể cải thiện tình hình khu vực, bởi ông tự nhận là "tổng thống Mỹ ủng hộ Israel nhất lịch sử". Trong nhiệm kỳ đầu, ông đề xuất kế hoạch hợp pháp hóa những khu định cư Israel ở Bờ Tây, công nhận Jerusalem là thủ đô của Israel và chuyển đại sứ quán Mỹ về thành phố này, điều đã làm gia tăng đáng kể căng thẳng giữa Israel với thế giới Arab.
Jerusalem là nơi có nhiều khu vực linh thiêng của Do Thái giáo, Hồi giáo và Cơ Đốc giáo, đặc biệt là ở khu vực Đông Jerusalem. Israel chiếm khu vực trong cuộc chiến tranh Trung Đông năm 1967, coi toàn bộ Jerusalem là thủ đô không bị chia cắt. Phía Palestine cho rằng Đông Jerusalem là thủ đô của nhà nước Palestine. Nghị quyết 181 của Liên Hợp Quốc đặt Jerusalem dưới sự quản lý quốc tế, không thuộc lãnh thổ Israel.
Một biến số khó lường nữa là quan điểm cứng rắn của ông Trump với Iran. Dù Trump tuyên bố mình là tổng thống "yêu hòa bình", ông đã không ngần ngại sử dụng vũ lực nhằm vào Iran.
Năm 2020, Trump đã ra lệnh tập kích hạ sát Qasem Soleimani, tư lệnh đặc nhiệm Quds thuộc Vệ binh Cách mạng Hồi giáo Iran, tại Iraq. Trump cũng là người đã rút Mỹ khỏi thỏa thuận hạt nhân Iran và tăng cường sức ép trừng phạt với nước này. Ông gần đây còn nêu khả năng Mỹ "xóa sổ Iran".
"Tôi tin nếu đắc cử nhiệm kỳ hai, ông Trump sẽ tung ra chiến dịch gây áp lực tối đa và răn đe mạnh mẽ nhằm vào Iran", Jason Brodsky, giám đốc chính sách tại tổ chức phi lợi nhuận UANI, trụ sở Mỹ, nói.
Thúc đẩy cạnh tranh với Trung Quốc
Cạnh tranh Mỹ - Trung cũng là vấn đề được ông Trump chú trọng trong nhiệm kỳ đầu. Năm 2018, ông Trump khởi xướng cuộc chiến thương mại với Trung Quốc, áp thuế lên khoảng 300 tỷ USD hàng hóa nhập khẩu từ nước này, tìm cách đưa sản xuất trở lại Mỹ.
Cựu tổng thống ấp ủ kế hoạch lớn hơn cho nhiệm kỳ hai, áp thuế 60% với toàn bộ hàng hóa Trung Quốc và thuế suất chung 10-20% với những hàng hóa nhập khẩu từ các nước còn lại vào Mỹ.
Trung Quốc nhiều khả năng sẽ có những biện pháp đáp trả nếu Trump áp đặt thuế suất chưa từng có như vậy, khiến chiến tranh thương mại giữa hai nước sẽ tăng nhiệt đáng kể, kéo theo đó là cạnh tranh trên các lĩnh vực khác giữa hai siêu cường.
Tuy nhiên, chính sách tăng cạnh tranh với Trung Quốc của Trump nhiều khả năng sẽ khiến Bắc Kinh xích lại gần hơn với Moskva để tạo nên thế đối trọng. Trong bối cảnh Trump xa rời các đồng minh truyền thống ở châu Âu, Mỹ sẽ gặp rất nhiều khó khăn khi đối mặt với sức ép cạnh tranh về mọi mặt từ Nga - Trung.
Ông Trump gõ vào mic trong cuộc mít tinh ở Detroit, Michigan, hôm 18/10. Ảnh: AP
Quan điểm mơ hồ về biến đổi khí hậu
Ông Trump còn nổi tiếng vì khó đoán, thất thường và quan điểm của ông về biến đổi khí hậu cũng cho thấy điều đó. Ông từng cho rằng tình trạng ấm lên toàn cầu là trò lừa đảo, bác bỏ khoa học khí hậu, nhưng sau đó thừa nhận con người phải chịu phần nào trách nhiệm.
Ông Trump trong nhiệm kỳ hai có thể thu hồi các chính sách bảo vệ môi trường của ông Biden, một lần nữa rút Mỹ khỏi thỏa thuận khí hậu Paris về giới hạn phát thải khí gây hiệu ứng nhà kính. Thủ tướng Canada Justin Trudeau từng cảnh báo rằng việc ông Trump trở lại nắm quyền có thể cản trở cuộc chiến chống biến đổi khí hậu toàn cầu.
"Nhưng tất cả những gì thế giới có thể làm là chờ xem hàng trăm triệu cử tri Mỹ đưa ra lựa chọn vào tháng 11, trong một cuộc bầu cử rất khó đoán và quan trọng nhất thời gian gần đây", theo giáo sư Michael Cox của Chatham House.
Như Tâm (Theo Channel News Asia, The Conversation)