Khai trương nhà máy đúng ngày 10/10, ông Martin Kruczinna, CEO Pearl Polyurethane Systems (Pearl Group), đã phần nào thể hiện sự "nhập gia tùy tục" khi chọn ngày đẹp. Công trình không chỉ là dấu mốc mới trong hoạt động của Pearl Group, một doanh nghiệp gốc Đức có trụ sở chính tại Dubai chuyên sản xuất các sản phẩm polyurethane (PU) phục vụ nhiều ngành công nghiệp, mà còn là "bàn đạp" cho những mục tiêu đầy tham vọng phía trước.
Lễ khánh thành nhà máy Pearl Việt Nam ngày 10/10/2024. Ảnh: Pearl Group
Khánh thành nhà máy chỉ sau 18 tháng kể từ lần đầu đặt chân tới Việt Nam, ông Kruczinna khẳng định những lợi thế mà một doanh nghiệp FDI nhận được khi chọn nền kinh tế phát triển nhanh hàng đầu ASEAN để "xây tổ". Đó là lợi thế từ chính sách, nguồn nhân lực chất lượng cao tới hàng loạt hiệp định thương mại tự do song phương và đa phương mà Việt Nam đã ký kết.
"Việt Nam có môi trường kinh doanh thân thiện, lực lượng lao động lạnh nghề, chiến lược nhìn xa trông rộng của chính phủ và nhiều hiệp định thương mại tự do. Vì thế, các doanh nghiệp chọn đặt cơ sở sản xuất tại Việt nam sẽ có vị thế tốt để hòa mình vào sự phát triển năng động của khu vực", ông Kruczinna nhấn mạnh.
Việc khánh thành nhà máy đầu tiên của Pearl tại Việt Nam và Đông Nam Á trong ngày 10/10 có ý nghĩa như thế nào với hoạt động của tập đoàn?
Nhà máy tại Việt Nam là một cột mốc quan trọng đối với Pearl Group. Cơ sở sản xuất mới của chúng tôi sẽ đóng góp một phần vào chuỗi giá trị tại Việt Nam, thay thế hàng xuất khẩu của các đối thủ cạnh tranh khác, từ đó thúc đẩy nội địa hóa chuỗi giá trị.
Nhà máy không chỉ phục vụ thị trường trong nước mà còn hướng tới các thị trường trong khu vực như Indonesia, Malaysia, Philippines, thậm chí cả Ấn Độ và Australia.
Cơ sở tại Việt Nam sẽ sản xuất toàn bộ danh mục sản phẩm của Pearl Group, phục vụ cho nhiều ngành công nghiệp, từ xây dựng, giày dép, đồ gia dụng đến bao bì.
Tại sao Pearl lại chọn xây dựng nhà máy đầu tiên của mình trong khu vực tại Việt Nam chứ không phải một quốc gia nào khác? Điều gì đã đưa các ông tới Việt Nam?
Lần đầu tôi biết đến Việt Nam là từ những doanh nhân đã mở rộng sang khu vực này. Điều này khiến tôi tò mò. Nhờ sự hỗ trợ của Phòng Công nghiệp và Thương mại Đức tại Việt Nam (AHK Việt Nam), tôi đã nhanh chóng biết đến một môi trường kinh doanh thuận lợi cho các nhà đầu tư nước ngoài và thị trường tiềm năng mà Pearl có thể khai thác.
Từ lần đầu tiên tôi đến Việt Nam cho đến khi khánh thành nhà máy chỉ vỏn vẹn 18 tháng. Quãng thời gian ngắn ngủi này phần nào cho thấy các cơ hội và môi trường kinh doanh hấp dẫn mà chính phủ Việt Nam tạo dựng.
Tại sao tập đoàn chọn tỉnh Đồng Nai làm “bến đỗ”?
Bất chấp suy thoái kinh tế toàn cầu gần đây, tôi rất ấn tượng với sự phát triển sôi động của thị trường Việt Nam vốn đang hưởng lợi từ một số “cú hích” địa chính trị. Pearl kỳ vọng những động lực này sẽ thúc đẩy sự phát triển của các ứng dụng gốc polyurethane (PU) nói chung và bọt cách nhiệt nói riêng. Môi trường kinh doanh thuận lợi và lực lượng lao động có kỹ năng là yếu tố thu hút chúng tôi tới Việt Nam.
Tập đoàn lựa chọn Đồng Nai làm “cứ điểm” vì có thể tiếp cận gần với khách hàng ở Thành phố Hồ Chí Minh và kết nối nhanh chóng với cảng Cái Mép và Cát Lái. Vị trí chiến lược này không chỉ quan trọng trong việc đưa sản phẩm tới khách hàng cả trong và ngoài Đông Nam Á và mà còn tiếp nhận nguyên liệu đầu vào một cách thuận lợi.
Nhà máy tại Việt Nam đóng vai trò thế nào trong hệ sinh thái sản xuất toàn cầu của công ty? Ở chiều ngược lại, ông nghĩ nhà máy của mình sẽ đáp ứng được những mong muốn nào từ phía Việt Nam?
Dự án tại Việt Nam là nhà máy thứ 5 trong mạng lưới sản xuất của Pearl. Cơ sở này rất đặc biệt vì đây là nhà máy đầu tiên bên ngoài “sân nhà” trước đây của tập đoàn khi còn là Bayer Pearl – tiền thân của Pearl Group. Nhà máy khẳng định tham vọng trở thành doanh nghiệp dẫn đầu toàn cầu về hệ thống polyurethane của Pearl.
Với sự hiện diện tại Việt Nam, khách hàng của Pearl tại đây cũng như nhiều nước lân cận sẽ được hưởng lợi nhờ thời gian giao hàng ngắn và dịch vụ chăm sóc khách hàng thuận tiện.
Đối với thị trường Việt Nam, chuyên môn kỹ thuật và năng lực của Pearl có thể hỗ trợ khách hàng trong nước thành công trước cạnh tranh đa quốc gia và nâng cao tiêu chuẩn đối với sản phẩm của họ. Ví dụ, độ cách nhiệt sản phẩm tăng lên, một số chất tạo bọt được loại bỏ dần, hoặc tiêu chuẩn phòng cháy chữa cháy của các công ty bảo hiểm được nâng cao.
Ông Martin Kruczinna, CEO Pearl Polyurethane Systems, tại sự kiện khai trương nhà máy Pearl Việt Nam. Ảnh: Pearl Group
Khi nói đến “công nghệ Đức”, thông thường mọi người sẽ nghĩ đến những công nghệ tiên tiến hàng đầu thế giới. Nhà máy tại Việt Nam có ứng dụng những công nghệ mới như thế nào và theo ông, lao động Việt có thể tiếp nhận công nghệ, kỹ năng mới khi làm việc cho nhà máy hay không?
Pearl là doanh nghiệp đi đầu về công nghệ polyurethane. Các hệ thống PU được Pearl sản xuất đang dẫn đầu thị trường về hiệu suất. Chúng tôi không ngừng nỗ lực cải thiện hiệu suất của các sản phẩm cách nhiệt cho nhiều ngành công nghiệp. Để đưa nhà máy Pearl Đồng Nai đi vào hoạt động, chúng tôi cần xây dựng một đội ngũ lao động lành nghề tại Việt Nam. Tôi được biết nguồn nhân lực chất lượng cao là một lợi thế thu hút đầu tư của tỉnh. Đối với Pearl, phát triển và giữ chân nhân tài là chìa khóa thành công và chúng tôi sẽ viết tiếp truyền thống này tại Đồng Nai.
Ở thời điểm hiện tại, sản xuất bền vững và giảm phát thải đang là điều kiện tiên quyết. Nhà máy tại Đồng Nai có áp dụng công nghệ xanh hay không? Có gì đột phá trong công nghệ của Pearl Việt Nam?
Khoảng 1/3 lượng khí thải CO2 trên toàn cầu là do các tòa nhà tạo ra và khoảng một nửa trong số này có thể tránh được thông qua cách nhiệt phù hợp. Bọt polyurethane là phương pháp cách nhiệt hiệu quả nhất. Do đó, nếu tăng sử dụng bọt cứng polyurethane để cách nhiệt cho các tòa nhà thì sẽ góp phần đáng kể vào mục tiêu trung hòa carbon.
Nhà máy Pearl Việt Nam cũng có khả năng sản xuất “hệ thống lambda thấp”, giúp hạn chế lãng phí năng lượng nhiệt bằng cách tăng độ cách nhiệt của các tấm vách ngăn kim loại thêm 20%. Hơn nữa, nhà máy Đồng Nai sẽ sản xuất các công thức polyurethane dựa trên các chai nhựa PET nghiền nhỏ, giúp thu hẹp khoảng cách từ “rác thải” sang “vật liệu tránh lãng phí năng lượng nhiệt”.
Trong một hội thảo gần đây của Ngân hàng UOB, Việt Nam được đánh giá là cửa ngõ để các doanh nghiệp xây dựng đại bản doanh khi muốn tiến sâu hơn vào Đông Nam Á. Ông nghĩ gì về quan điểm này?
Tôi hoàn toàn ủng hộ quan điểm Việt Nam là cửa ngõ cho các doanh nghiệp muốn thâm nhập thị trường Đông Nam Á. Việt Nam có môi trường kinh doanh thân thiện, lực lượng lao động lành nghề, chiến lược nhìn xa trông rộng của chính phủ và nhiều hiệp định thương mại tự do. Vì thế, các doanh nghiệp chọn đặt cơ sở sản xuất tại Việt Nam sẽ có vị thế tốt để hòa mình vào sự phát triển năng động của khu vực.
Tôi cảm thấy quan điểm trên vẫn chưa khắc họa đủ sức hấp dẫn của thị trường Việt Nam. Khách hàng tại Việt Nam của chúng tôi cung cấp sản phẩm chất lượng cho các dự án cả trong và ngoài nước. Do đó, bên cạnh việc là cửa ngõ tiến vào ASEAN, nhu cầu nội tại của thị trường Việt Nam là động lực mạnh mẽ nhất thúc đẩy Pearl tới đất nước các bạn.
Từ góc nhìn của một doanh nghiệp FDI, ông nghĩ đâu là những điểm hấp dẫn nhất của Việt Nam?
Việt Nam mang lại giá trị rõ ràng đối với các doanh nghiệp quốc tế. Tôi ấn tượng khi thấy việc thành lập công ty tại Việt Nam khá thuận lợi nhờ cơ sở hạ tầng hoàn thiện, khả năng kết nối cao, lực lượng lao động lành nghề và mạng lưới các nhà cung cấp dịch vụ sẵn có. Tất cả các yếu tố này đều hướng đến mục tiêu phát triển chung. Không còn nghi ngờ gì nữa, tương lai của Việt Nam sẽ ngày càng tươi sáng hơn.
Cộng đồng doanh nghiệp Đức nói gì về Việt Nam? Ông đánh giá ra sao về những quan điểm đó?
Không chỉ là thị trường hấp dẫn và cửa ngõ vào Đông Nam Á, Việt Nam ngày càng được cộng đồng doanh nghiệp Đức coi là một điểm đến thay thế cho các cơ sở sản xuất đã có tại Đức và các nước châu Âu khác. Ngoài những thách thức về quy định trong Liên minh châu Âu, các yếu tố như chi phí năng lượng và lao động có tay nghề là ưu thế của Việt Nam trong mắt các nhà đầu tư Đức.
Pearl hy vọng rằng sự cạnh tranh toàn cầu của các địa điểm kinh doanh cũng sẽ làm tăng khả năng cạnh tranh của tập đoàn tại các điểm sản xuất trong tương lai. Do đó, sự gia tăng nhanh chóng của FDI tại Việt Nam có thể giúp cải thiện môi trường kinh doanh ở các nơi khác trên thế giới.
Sau khi xây dựng nhà máy đầu tiên và duy nhất ở Đông Nam Á, kế hoạch tiếp theo của công ty là gì?
Pearl Group có kế hoạch mở thêm 2 cơ sở sản xuất quốc tế khác trong nửa đầu năm 2025 sau khi mở văn phòng kinh doanh tại Đức và khánh thành nhà máy tại Việt Nam. Tập đoàn đang theo đuổi mục tiêu “Pearl x2”, tức là gấp đôi quy mô trong vòng 5 năm, tính từ 2021 đến cuối 2025. Chính vì vậy, với nền tảng vững chắc từ nhà máy Pearl tại Đồng Nai, chúng tôi tin rằng mục tiêu này hoàn toàn có thể thực hiện được ngay trong năm sau.