"Việt Nam là nước nông nghiệp nhưng năm nào cũng phải giải cứu nông sản. do cách thức sản xuất còn thiếu và yếu. Cụ thể, 'thiếu' là chỉ xử lý được 20% sản phẩm, còn 80% phải bán tươi. Còn 'yếu' là sản xuất sản phẩm đầu ra có giá trị thấp hơn nguyên liệu đầu vào, làm giá trị nông sản thấp và đời sống nông dân gặp khó khăn", anh Nguyễn Thanh Hiền mở đầu phần gọi vốn tại Shark Tank mùa 7.
Hiện nay, nhiều hãng tương ớt trên thế giới sản xuất đều phải xử lý sản phẩm qua gia nhiệt, làm chín ớt. Quá trình như vậy làm mất đi giá trị nguyên bản ớt, do đó, người dân thích sử dụng ớt tươi hơn. Xuất phát từ lý do này, Chilica ra đời với mong muốn nâng cao giá trị nông sản Việt và giải quyết đầu ra cho nông dân.
Với kinh nghiệm hơn 30 năm trong sử dụng vi sinh, Chilica áp dụng kỹ thuật này cho sản xuất ớt tươi. Doanh nghiệp sử dụng giấm gạo, lên men sản phẩm trong 12 tháng, hoàn toàn không qua gia nhiệt giúp sản phẩm giữ nguyên màu sắc, hương vị của nguyên liệu nhưng vẫn đảm bảo quy chuẩn về an toàn thực phẩm.
Đây là lợi thế cạnh tranh của sản phẩm so với các "ông lớn" về tương ớt khác trên thị trường. Lợi thế khác đến từ nguyên liệu ớt Việt Nam với màu sắc tươi, vị cay thanh khi sử dụng.
Do đó, dù chỉ mở ra đời vào tháng 6/2020, Chilica đã xuất khẩu đi 9 thị trường, bán trên Amazon. Doanh thu năm 2023 là 23 tỷ đồng, lợi nhuận 6 tỷ đồng. Đến năm 2023, doanh nghiệp đã đầu tư mở rộng nhà máy lên gấp 10 lần, có khả năng 30 tấn ớt tươi trong một ngày. Nhà máy đạt chứng nhận quốc tế và thương hiệu Chilica được bảo hộ trên 35 quốc gia.
Đến Shark Tank, Founder của Chilica kêu gọi kêu gọi 500.000 USD cho 5% cổ phần để đầu tư thêm máy móc và tăng dự trữ nguyên liệu.
Sản phẩm tương ớt lên men của Chilica. Ảnh: FB Chilica
"Đây là cơ hội để các Shark sở hữu nhà máy lên men duy nhất tại Việt Nam là thứ ba trên thế giới sản xuất tương ớt theo cách lên men không gia nhiệt. Ngoài ra, quy trình sản xuất đã ổn định 99%, xuất khẩu nước và có lãi", anh Hiền kêu gọi đầu tư từ các cá mập.
Tuy nhiên, khi nghe định giá từ nhà sáng lập doanh nghiệp, Shark Bình thốt lên "Cao quá". Còn Shark Minh đưa ra thêm câu hỏi mức định giá 200 tỷ đồng của doanh nghiệp.
Trước nghi vấn của Shark Minh, anh Hiền giải thích, trước đây nhà máy diện tích 1.000 m2 chạy hết công suất được 25 tỷ đồng. Do đó, khi nâng diện tích lên gấp 10 lần, doanh thu có thể tăng tương ứng.
Ngoài câu hỏi về định giá, các Shark cũng bày tỏ sự quan tâm về vùng nguyên liệu. Tuy nhiên, trước thắc mắc này, doanh nghiệp khẳng định: "Trong vòng 10-15 năm nữa không phải lo về nguyên liệu bởi ớt là sản phẩm luôn cần giải cứu nên chỉ cần đảm bảo đầu ra cho nông dân".
Dựa vào thông tin được startup cung cấp, 3/5 cá mập từ chối đầu tư với các lý do khác nhau. Trong khi, Shark Minh từ chối vì chưa có nhiều kinh nghiệm trong lĩnh vực này, Shark Phi Vân không đầu tư do "doanh nghiệp cơ bản ổn định, không thể giúp nhiều hơn". Bên cạnh đó, khẩu vị đầu tư của Shark Thái là hướng về những doanh nghiệp "bất ổn" mâu thuẫn với sự chắc chắn mà Chilica mang lại. Theo đó, cá mập mới cũng không đầu tư.
Trái ngược, Shark Bình đồng ý ra deal 500.000 USD cho 16% cổ phần bởi khát vọng "biến Việt Nam thành bếp ăn của thế giới". Còn Shark Hưng lại khẳng định dù có deal hay không vẫn muốn trở thành cộng sự của startup tại châu Âu. Do đó, cá mập này cho startup hai lựa chọn: 500.000 USD cho 15% cổ phần hoặc 150.000 USD cho 5% cổ phần, phần vốn còn lại đàm phán trong vòng thẩm định.
Muốn nâng định giá của các cá mập, founder của Chilica mời các Shark xuống thăm nhà máy , quyết không "nhận deal bất chấp" và từ chối vì cho rằng định giá thấp.
Sau lời thương lượng này, bộ đôi cá mập tiếp tục nâng định giá. Cụ thể, Shark Hưng đưa ra định giá 500.000 USD cho 12,5% hoặc 250.000 USD cho 5% cổ phần. Còn cá mập từ Next Tech ra deal 1 triệu USD cho 25% cổ phần. Cuối cùng, startup vẫn từ chối lời mời gọi của các Shark, thương vụ thất bại.