Chuyên mục  


Người phụ nữ là nhân viên văn phòng, ngụ TP HCM, bị đau và phát hiện thoái hóa đốt sống cổ từ 4 năm trước. Ban đầu, chị chịu đựng những cơn đau thoáng qua, tự mua thuốc uống, tình trạng ngày càng trầm trọng. Cơn đau tê lan tỏa từ vùng cổ gáy xuống cánh tay, thỉnh thoảng khiến bệnh nhân đầu phía sau đau "như búa bổ". Chưa kể, hai vai người bệnh mất cân xứng, lưng gù, đầu và vai nhô trước gây mất thẩm mỹ. Chị điều trị nhiều nơi, vẫn không khỏi, thường xuyên tái lại.

Tương tự, anh Vĩnh Tuấn, 35 tuổi, nhân viên kinh doanh, đau cổ vai gáy từ nhiều năm nay, thường bị cứng cổ và đau giữa hai xương bả vai kèm đau đầu vùng chẩm. Một năm trước, bệnh nhân được chẩn đoán thoái hóa đốt sống cổ.

Song, dù điều trị ở nhiều bệnh viện, chỉ giảm đau được một thời gian ngắn rồi tái phát. Anh chi hàng chục triệu đồng mua các gói massage trị liệu cũng chỉ đem lại cảm giác thoải mái vài ngày.

ThS.BS Calvin Q.Trịnh, Giám đốc Đơn vị Phục hồi chức năng và hình thể HMR, cho biết những bệnh nhân này bị mất cân bằng cơ thân trên và nhiều vùng cơ khác, gây biến chứng co kéo chèn ép, dẫn đến đau nhức kéo dài, thay đổi hình thái cột sống cổ và tiến triển thành thoái hóa.

Sau 5 buổi tập do bác sĩ hướng dẫn, chị Bích Phương bớt hẳn đau, hết ê, cải thiện chức năng vai gáy đáng kể mà không cần kê toa thuốc điều trị. Chị có thể đưa tay lên cao để phơi quần áo ngay sau buổi tập thứ hai. Anh Tuấn cũng chia sẻ là các cơn căng cơ, đau đớn giảm sau vài buổi tập.

Cả hai tiếp tục được điều trị cân bằng cơ thân trên để ngăn ngừa tiến triển thoát vị đĩa đệm.

Đau cổ gáy là tình trạng thường gặp ở dân văn phòng. Ảnh: HealthCentral

Bác sĩ Trịnh cho biết hiện nay, ngày càng nhiều bạn trẻ đến khám do gặp các vấn đề liên quan đau cổ, vai gáy, gù, vai xệ, lệch vẹo cột sống. Trong đó, bệnh nhân dưới 35 tuổi, làm việc tại văn phòng chiếm trên 50%. Theo khảo sát 2.000 người do Alvica Medical, Anh, công bố hôm 24/10, Gen Z (những người sinh từ năm 1997 đến năm 2012) nghỉ việc nhiều vì các cơn đau lưng, cột sống, cổ vai gáy.

"Gen Z là những người bị đau cổ, vai, gáy và đau lưng nhiều nhất khi làm việc. Họ là thế hệ đầu tiên thừa hưởng hoàn toàn các tiến bộ kỹ thuật số. Tôi cho rằng điều này có liên quan đến tình trạng đau lưng của họ", giám đốc điều hành Victoria Fransen của Alvica Medical, cho biết.

Đau cổ vai gáy là tình trạng cơ vùng này co cứng, căng mỏi gây đau, hạn chế vận động các khớp cột sống cổ hoặc vai. Nguyên nhân phổ biến là mất cân bằng cơ vùng thân trên, gọi là hội chứng chéo trên do tư thế ngồi nhiều và sử dụng máy vi tính hay smartphone thường xuyên. Đây là bệnh đặc trưng của dân văn phòng. Tuy nhiên, bệnh liên quan đến tư thế và thói quen sinh hoạt nên nhiều người không làm việc văn phòng cũng mắc phải.

Bệnh liên quan đến hệ thống cơ xương khớp, thần kinh và mạch máu vùng cổ vai gáy. Các nhóm cơ co kéo để điều chỉnh cơ thể phù hợp với thói quen, tư thế làm việc và sinh hoạt hàng ngày gây mất cân bằng, dẫn đến lệch vẹo, gù, căng mỏi đau. Người bệnh dễ mệt mỏi, khi đứng hoặc ngồi có thể khó thở, nằm thì dễ thở hơn.

Trường hợp mất cân bằng cơ nặng, bệnh nhân không thể giơ cao tay, kể cả khi chải tóc, có thể đau dọc theo cánh tay hay tê bì các ngón tay, kèm căng mỏi cơ vùng cổ vai gáy rất khó chịu. Nếu chẩn đoán và điều trị không đúng, bệnh dễ tái phát.

Đau cổ vai gáy dễ nhầm lẫn với các bệnh lý như lao cột sống, các bệnh lý tuyến giáp, u tại cột sống, u tủy sống... Để chẩn đoán, người bệnh nên đến cơ sở y tế để được khám chuyên khoa. Một số trường hợp là bệnh lý ngoại khoa cần can thiệp; một số là bệnh lý nội tiết chuyên khoa sâu; đôi khi cần can thiệp kỹ thuật của chuyên khoa tim mạch...

Theo các bác sĩ, hiện nay có những bài thuốc, bài tập, thủ thuật điều trị bằng y học cổ truyền đơn giản mà an toàn và hiệu quả như chườm nóng, bấm huyệt hay châm cứu, giác hơi... Bệnh nhân điều trị ở bệnh viện còn sử dụng cả liệu pháp sóng siêu âm, cấy chỉ, xoa bóp bấm huyệt.

Giải quyết triệt để hơn, phương pháp điều trị hiệu chỉnh cơ xương khớp, kết hợp thay đổi thói quen tư thế xấu và tập những động tác đơn giản tại nhà, bệnh nhân có thể lấy lại cân bằng cổ vai gáy. Tập khoảng 20-30 buổi là bệnh nhân có thể trở lại chiều cao bình thường, đầu không còn nhô khỏi trục cơ thể, ngực phồng đẹp không còn bị hõm, bờ vai sẽ mảnh mai không còn tròn xệ.

Với những cơn đau không kéo dài, bản thân người bệnh có thể tự điều trị bớt đau bằng cách dùng cao dán hoặc dùng hai bàn tay xoa bóp, gõ, vuốt cho vùng cổ, vai, gáy nhiều lần để giảm đau. Còn trường hợp nặng như thoát vị đĩa đệm, trượt đốt sống, vẹo cột sống..., người bệnh có thể được chỉ định phẫu thuật.

Tư thế ngồi đúng (bên trái). Ảnh: Bác sĩ cung cấp

BS.CK2 Huỳnh Tấn Vũ, Bệnh viện Đại học Y Dược TP HCM - Cơ sở 3 khuyến cáo mọi người phòng bệnh đau cổ vai gáy bằng cách ngủ, sinh hoạt đúng tư thế. Không làm việc quá lâu tại bàn giấy, đặc biệt với máy vi tính, thỉnh thoảng nên dừng lại để thực hiện các động tác vận động cột sống cổ, vai và tay.

Cần giữ cổ luôn thẳng, cố gắng đạt được tư thế 90-90-90, tránh sai tư thế khi ngồi học, đọc sách hoặc đánh máy, không cúi gập cổ quá lâu. Không nằm gối đầu cao để đọc sách hay xem tivi sẽ làm sai tư thế của cột sống cổ. Nên gối đầu thấp khi ngủ, tốt nhất gối chỉ nên cao khoảng 10 cm. Khi xem tivi nên tựa lưng vào đệm, đầu hơi ngửa ra sau thành ghế, cổ tựa vào một điểm.

Không nên bẻ khớp cổ, cánh tay, vai kêu răng rắc vì đĩa đệm đã bị thoái hóa gây mỏi cổ, khi bẻ hoặc vặn sẽ tạo đà cho đĩa đệm thoát vị ra ngoài và làm bệnh thêm trầm trọng.

Khi bị đau vai, gáy, nên nghỉ ngơi, hạn chế vận động ít ngày. Bổ sung một số khoáng chất cho cơ thể như canxi, kali và các vitamin C, B, E. Tắm nước ấm, xoa bóp giúp giãn cơ chỗ đau, tăng cường lưu thông trong cơ thể.

Thường xuyên luyện tập thể dục thể thao với các bài tập phù hợp. Vận động, nghỉ ngơi, giải lao giữa giờ làm việc, nên giải lao khi phải ngồi kéo dài, tránh căng thẳng.

Luyện tập các động tác dưỡng sinh, kéo giãn cơ thể như ưỡn cổ, cúi đầu về phía trước, ngửa đầu ra phía sau, nghiêng đầu sang trái, sang phải, xoay tròn đầu và cổ, cử động cổ lên xuống... thường xuyên sẽ phòng và làm giảm các triệu chứng của bệnh.

Mỹ Ý

*Tên nhân vật được thay đổi

Thông tin

Tổng hợp tin tự động tinmoi-247.com (r) © 2020