"Việt Nam mới chỉ có 2 nhà máy lọc hoá dầu là Nghi Sơn và Bình Sơn với tổng sản lượng xăng dầu đáp ứng được khoảng 60% nhu cầu trong nước, còn 40% phải nhập từ nước ngoài. Do đó, việc đầu tư tổ hợp lọc hóa dầu của Xuân Thiện là phù hợp với chủ trương của Chính phủ và đáp ứng nhu cầu thị trường" - Đây là luận điểm đưa ra trong đề xuất khảo sát đầu tư dự án tổ hợp lọc hoá dầu Kim Sơn có tổng công suất 9 triệu tấn dầu thô/năm của CTCP Tập đoàn Xuân Thiện (Xuân Thiện Group ) tại Ninh Bình.
Cụ thể, doanh nghiệp này muốn khảo sát khu vực đất ven biển rộng khoảng 1.500 ha và 1.000 ha mặt nước biển để đầu tư tổ hợp lọc hóa dầu công suất 9 triệu tấn dầu thô/năm (giai đoạn 2025 - 2030 công suất 3 triệu tấn/năm; giai đoạn 2030 - 2035 công suất 3 triệu tấn dầu thô/năm; giai đoạn 2035 - 2040 công suất 3 triệu tấn dầu thô/năm).
Văn phòng UBND tỉnh Ninh Bình cho biết đã giao cho các đơn vị chuyên môn nghiên cứu, xem xét về đề nghị này. Sau khi các đơn vị chuyên môn của tỉnh Ninh Bình nghiên cứu, xem xét sẽ tham mưu cho UBND tỉnh quyết định đề xuất của Xuân Thiện Group.
Trình bày về tính hợp lý của dự án, Xuân Thiện cho biết hiện đang đầu tư, xây dựng tổ hợp thép xanh ở H.Nghĩa Hưng (Nam Định), công suất 9,5 triệu tấn/năm. Nhà máy thép áp dụng công nghệ sản xuất thép xanh tiên tiến nhất thế giới và rất cần nhiên liệu LPG, LNG và Hydro để thay thế than cốc, nhằm giảm thiểu phát thải khí CO2.
Trong khi, nguồn nhiên liệu LPG từ quá trình lọc hóa dầu là rất lớn, nên mong muốn đầu tư tổ hợp lọc hóa dầu để vừa cung cấp nhiên liệu cho nhà máy thép xanh, vừa đáp ứng nhu cầu tiêu thụ xăng, dầu trong nước và xuất khẩu.
Tập đoàn cũng cam kết khoản kinh phí 300 tỷ đồng cho việc khảo sát dự án sẽ do tập đoàn tự bỏ ra; sẽ không có bất kỳ khiếu nại nào trong trường hợp dự án không được chấp thuận đầu tư.
"Siêu dự án" này không khiến nhiều người bất ngờ khi nó được đề xuất đầu tư bởi 1 doanh nghiệp tư nhân vốn nổi tiếng với những công trình, dự án tỷ đô tại Việt Nam.
Tham vọng đa ngành của Xuân Thiện
Thành lập năm 2000, Xuân Thiện Group là cơ nghiệp riêng của "đại gia" Nguyễn Văn Thiện – trưởng nam của lão doanh nhân Nguyễn Xuân Thành, nhà sáng lập Tập đoàn Xuân Thành nổi tiếng ở Ninh Bình; và là anh trai của ông Nguyễn Đức Thuỵ (anh trai bầu Thuỵ).
Thông qua nhiều công ty thành viên, Xuân Thiện Group đầu tư không chỉ vào ngành năng lượng mũi nhọn, mà còn hướng đến trở thành Tập đoàn đa ngành với nhiều lĩnh vực như: Vật liệu xây dựng; Nông nghiệp công nghệ cao; Logistics; Bất động sản; Khách sạn-nghỉ dưỡng...
Trong mảng VLXD , với sản phẩm chính là xi măng, hiện Xuân Thiện Group sở hữu một số nhà máy xi măng như nhà máy xi măng Xuân Thành Hà Nam (công suất 6 triệu tấn xi măng/năm), nhà máy xi măng Xuân Thành Quảng Nam (công suất 1,3 triệu tấn xi măng/năm), nhà máy xi măng Minh Tâm Bình Phước (công suất kế hoạch 2,5 triệu tấn xi măng/năm), Nhà máy sản xuất vôi và bột nhẹ Xuân Thiện Hoà Bình.
Tuy nhiên, Xuân Thiện Group gây tiếng vang lớn nhất ở lĩnh vực năng lượng tái tạo (điện mặt trời, điện gió) khi năm 2014, đây là doanh nghiệp Việt Nam đầu tiên đầu tiên "xuất quân" đầu tư thủy điện vào Cameroon (châu Phi).
Được biết, Xuân Thiện đã sở hữu 2 dự án tại quốc gia châu Phi này là thủy điện Yabassi và Toumbassala trên sông Wouri và Nkam với tổng công suất gần 600 MW.
Theo website, Xuân Thiện Group đang thực hiện đầu tư khai thác khoảng 20 dự án thủy điện trong và ngoài nước như thủy điện Suối Sập 1 (công suất 180MW), thủy điện Háng Đồng A (160W), thủy điện Háng Đồng A1 (160MW) tại Sơn La; thủy điện Khao Mang Thượng (180W), thuỷ điện Thác Cá tại Yên Bái; thuỷ điện Sông Lô tại Hà Giang...
Tham gia đầu tư điện mặt trời từ sớm, Tập đoàn Xuân Thiện của ông Nguyễn Văn Thiện được xem là “ông lớn” trong lĩnh vực này với các dự án hàng chục nghìn tỷ đồng. Theo thống kê, tổng công suất dự án điện mặt trời mà tập đoàn đã và đang đầu tư đạt đến hơn 3.070 MWp, sản lượng khoảng 5,5 tỷ kWh, tổng đầu tư 57.000 tỷ đồng.
2 cụm dự án điện mặt trời gồm Xuân Thiện Ninh Thuận và Xuân Thiện Đắk Lắk. Trong đó, nổi bật là cụm điện mặt trời Xuân Thiện Đắk Lắk với tổng đầu tư 50.000 tỷ đồng chia làm 2 giai đoạn. Giai đoạn 1 gồm 5 nhà máy từ Ea Súp 1 – 5, công suất 830 MWp, sản lượng 1,5 tỷ kWh, tổng đầu tư 16.500 tỷ đồng. Giai đoạn 2 gồm 10 nhà máy, công suất 1.936 MWp, sản lượng 3,5 tỷ kWh, tổng đầu tư 33.500 tỷ đồng.
Tập đoàn cũng đã triển khai, chuẩn bị đầu tư nhiều dự án với quy mô công suất lên đến hàng nghìn MW điện mặt trời khắp các tỉnh Sóc Trăng, Bạc Liêu, Bình Thuận, Ninh Thuận và Đắk Lắk với tổng công suất lên đến 3.000MW.
Vào tháng 6/2022, Xuân Thiện Group đã bán hai dự án điện mặt trời có tổng công suất 200MWac tại huyện Thuận Bắc (Ninh Thuận) cho EDP Renováveis, S.A. (EDPR). Thương vụ có tổng giá trị 284 triệu USD.
Nhà máy điện mặt trời Xuân Thiện - Ea Súp là nhà máy điện mặt trời lớn hàng đầu Đông Nam Á
Trong năm 2022, dự án "rầm rộ" nhất mà Xuân Thiện khởi công phải kể đến Tổ hợp dự án thép xanh địa bàn tỉnh Nam Định có tổng vốn đầu tư 98.900 tỷ đồng.
Tổ hợp gồm 3 thành phần: Dự án Nhà máy gang thép số 1 Xuân Thiện Nam Định (tổng vốn đầu tư 88.000 tỷ đồng); Nhà máy cán thép Xuân Thiện (vốn đầu tư 3.000 tỷ) và Nhà máy sản xuất cấu kiện bê tông đúc sẵn Xuân Thiện Nam Định (vốn đầu tư 900 tỷ đồng) tổng diện tích sử dụng trên 425ha, công suất 350.000 tấn/năm.
Tại Nam Định, tập đoàn còn sở hữu dự án cảng biển chuyên dùng Xuân Thiện Nam Định có quy mô 35.000 tỷ.
Dự án được chú ý nhất trong mảng nông nghiệp công nghệ cao của Xuân Thiện Khu liên hợp sản xuất, chăn nuôi công nghệ cao Xuân Thiện Thanh Hoá, dự án sữa dê hữu cơ Xuân Thiện Ninh Bình, Dự án nông lâm nghiệp thuộc cụm dự án điện mặt trời Xuân Thiện Ea Súp và Dự án nông nghiệp công nghệ cao Xuân Thiện CưM'gar.
Khu du lịch nghỉ dưỡng cao cấp Cù Lao Mái Nhà (Phú Yên) là dự án nổi bật của tập đoàn này trong lĩnh vực du lịch nghỉ dưỡng. Ngoài ra, Xuân Thiện còn đầu tư logistics, bất động sản và Giáo dục đào tạo với Trường đào tạo nghề Xuân Thiện.
Tại buổi làm việc với lãnh đạo tỉnh Đắk Lắk vào tháng 3/2022, ông Nguyễn Văn Thiện – Chủ tịch tập đoàn cho biết đơn vị có hơn 80 công ty thành viên trong và ngoài nước với tổng vốn điều lệ hơn 100.000 tỷ đồng, chuyên đầu tư vào lĩnh vực sản xuất năng lượng, nông nghiệp công nghệ cao, vật liệu xây dựng, tài chính ngân hàng và một số ngành dịch vụ khác. Các công ty thành viên của tập đoàn tạo ra doanh thu hàng năm 20.000 tỷ đồng.
Trong 9 đơn vị thành viên, Xuân Thiện Ninh Bình đóng vai trò hạt nhân, với quy mô vốn điều lệ lên tới 9.000 tỷ đồng (tính đến tháng 4/2022).
Nhuận Hoa
Nhịp sống thị trường