Thị trường quyết định
Phó chủ tịch UBND huyện Phụng Hiệp Lê Như Lê cho biết do nhiều năm nay giá mía gần như không tăng trong khi chí phí tăng đã làm nông dân thua lỗ và đang chuyển dịch mạnh sang cây trồng khác. Nếu như thời hoàn kim diện tích trồng mía ở đây lên đến 7.000-8.000ha thì nay chỉ còn khoảng 2.000ha, chủ yếu bán mía cho các cơ sở ép làm nước giải khát.
Để thay thế cho cây mía kém hiệu quả, địa phương cũng định hướng cho các nông hộ mở rộng diện tích trồng khóm MĐ 2 và chanh không hạt, bước đầu trồng thí điểm cho thấy 2 loại cây trồng này rất thích hợp để trồng trên nền đất trồng mía; toàn bộ sản phẩm cũng được công ty West Food và Công ty TNHH MTV The Fruit Republic (Hà Lan) tại TP.Cần Thơ bao tiêu.
Theo ông Trần Ngọc Hiếu, Chủ tịch HĐQT Công ty cổ phần mía đường Cần Thơ (Casuco) cho biết nhà máy đường Phụng Hiệp có công suất trên 2.000 tấn mía/ngày nhưng kết thúc vụ sản xuất 2020 - 2021, nhà máy chỉ ép được 86.000 tấn mía.
Niên vụ 2021 – 2022, nhà máy đường Phụng Hiệp chỉ ép được hơn 70.000 tấn mía. Như vậy, thời gian hoạt động của nhà máy chưa đầy 1 tháng/1 năm, còn lại 11 tháng/năm thì phải "ngồi chơi, xơi nước" nhưng phải tốn nhiều chi phí để duy trì nhà máy nên hoạt động kém hiệu quả, thua lỗ triền miên.
Nhằm để khuyến khích nông dân trồng mía trở lại, Công ty Cổ phần Mía đường Cần Thơ (Casuco) đã công bố chính sách đầu tư sản xuất và tiêu thụ mía nguyên liệu trong 3 vụ liên tiếp, kéo dài từ năm 2023 đến năm 2026. Theo đó, khi hộ dân trồng mía có nhu cầu sẽ được công ty đầu tư bằng tiền hoặc vật tư để cải tạo đất, giống mía và mua phân bón và thế chấp bằng sản lượng mía giao cho nhà máy. Giá trị đầu tư quy đổi bằng tiền cho mía trồng lại không quá 37 triệu đồng/ha và trồng lưu gốc 25 triệu đồng/ha. Đến vụ, công ty sẽ thu mua toàn bộ sản lượng mía theo hợp đồng đã ký với giá bảo hiểm 1.000 đồng/kg mía sạch 10CSS tại ruộng. Nếu giá mía thị trường cao hơn giá bảo hiểm, Công ty sẽ điều chỉnh giá thu mua theo giá thị trường.
Tuy nhiên, theo phản ánh của nhiều hộ nông dân trồng mía ở huyện Phụng Hiệp thì với chi phí hiện nay giá thành sản xuất 1 kg mía đã trên 1.000 đồng. Do đó mức giá bảo hiểm của nhà máy đưa ra 1.000đồng/kg chưa đủ hấp dẫn người trồng mía.
Tương tự như ở vùng mía nguyên liệu Hậu Giang, các vùng mía nguyên liệu ở tỉnh Sóc Trăng, Trà Vinh cũng đang ngày càng "teo tóp" để nhường đất cho cầy trồng khác.
"Dự kiến tại Đại hội đồng cổ đông được tổ chức vào cuối tháng 3 này, chúng tôi sẽ trình đại hội đồng cổ đông phương án tiếp tục duy trì sản xuất và chịu lỗ hoặc đóng cửa nhà máy", đại diện Casuco cho hay.
Trao đổi với các cơ quan truyền thông về định hướng sản xuất trong năm 2023, ông Nghiêm Xuân Thành, Bí thư Tỉnh ủy Hậu Giang cho rằng, với việc gia nhập sâu rộng kinh tế thế giới thì các hoạt động sản xuất, kinh doanh phải tuân thủ theo quy luật thị trường chứ không thể dùng mệnh lệnh hành chính để can thiệp.
"Riêng lĩnh vực sản xuất mía đường, mặc dù đây là cây trồng có thế mạnh của địa phương trước đây, nhưng hiện nay nếu cây mía có hiệu quả kinh tế thấp so với cây trồng khác thì chúng ta không thể bắt nông dân phải giữ diện tích trồng mía", ông Thành nhấn mạnh.
Nhiều nông hộ đã quyết định bỏ mía chuyển sang cây trồng khác. Ảnh HP
Đường nhập lậu nhiều hơn đường sản xuất trong nước
Theo thông tin từ các địa phương có đường biên giới giáp Campuchia như An Giang, Đồng Tháp, Long An…trong những ngày qua lực lượng biên phòng đã liên tiếp phát hiện, xử lý nhiều vụ buôn lậu đường cát số lượng lớn qua biên giới. Dự báo vào những tháng nước nỗi buôn lậu qua biên giới sẽ càng phức tạp hơn.
Theo Hiệp hội Mía đường Việt Nam (VSSA), sau khi bị áp thuế phòng vệ thương mại cao, đường Thái Lan đã tìm cách lẫn tránh bằng việc nhập khẩu vào các quốc gia cùng khối ASEAN trước khi vào Việt Nam.
Đáng quan tâm đường Thái Lan sau khi nhập khẩu vào Camphuchia, Lào chỉ có một số lượng rất ít đi theo đường nhập khẩu chính ngạch, còn lại gần như nhập lậu qua đường mòn, lối mở để vào Việt Nam.
Theo các cơ quan chức năng lượng đường nhập lậu vào Việt Nam có thể tính được bằng cách lấy tổng đường nhập khẩu từ Thái Lan vào Campuchia và Lào trừ đi lượng đường đã được xuất chính ngạch từ Campuchia và Lào vào Việt Nam. Với cách tính toán như trên, ước mỗi tháng có 63.000 tấn đường cát nhập lậu vào Việt Nam, ước tính cả năm có trên 756.000 tấn đường cát nhập lậu vào Việt Nam. Trong khi đó đường sản xuất trong nước năm 2022-2023 chưa đến 750.000 tấn, như vậy có thể thấy đường lậu đã vượt mặt đường sản xuất trong nước và đang thao túng thị trường đường nội địa.
"Đường lậu không phải chịu bất kỳ loại thuế nào, nên giá bán thấp hơn đường sản xuất trong nước là đương nhiên. Đường nhập lậu chưa được ngăn chặn cũng là nguyên nhân chính khiến cho hàng loạt nhà máy đường trong nước phải đóng cửa.
VSSA kiến nghị cơ quan chức năng, tăng cường chỉ đạo các lực lượng tại các tỉnh biên giới Tây Nam (giáp giới với Campuchia và Lào) đẩy mạnh kiểm tra, kiểm soát các tuyến biên giới, kịp thời phát hiện, đấu tranh đối với các đối tượng buôn lậu, nhằm bảo vệ ngành sản xuất mía đường", đơn cầu cứu khẩn cấp gửi đến các cơ quan chức năng, phản ánh tình trạng đường nhập lậu hoành hành trở lại từ đầu năm 2022 đến nay của VSSA cho biết.
Theo An Hòa
Nhà đầu tư