Tỷ lệ giải ngân vốn đầu tư công của tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu tính hết quý 3/2023 mới đạt 56,63% kế hoạch vốn.
Để tháo gỡ những khó khăn, tập trung giải ngân vốn đầu tư công cho đạt kế hoạch các địa phương trên địa bàn tỉnh đang phải dồn lực, "chạy đua" để tập trung triển khai đồng bộ các giải pháp nhằm tháo gỡ khó khăn, vướng mắc.
Nhiều khó khăn
Theo báo cáo của Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu, tính đến hết quý 3/2023, trong 8 đơn vị hành chính cấp huyện, thành phố, thị xã trên địa bàn tỉnh thì đã có 4 địa phương có tỷ lệ giải ngân vốn đầu tư công thấp hơn tỷ lệ chung của tỉnh, đó là: thành phố Vũng Tàu 48,39%, huyện Côn Đảo 47,49%, thị xã Phú Mỹ 46,61%, huyện Đất Đỏ 45,24%.
Thành phố Vũng Tàu là địa phương có số dự án đầu tư công nhiều nhất của tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu trong năm 2023. Vốn ngân sách của tỉnh có 41 dự án, với số vốn là hơn 1.379 tỷ đồng. Nguồn vốn ngân sách của Ủy ban Nhân dân thành phố Vũng Tàu là 82 dự án, với kế hoạch vốn hơn 800 tỷ, so với năm 2022, tăng khoảng 13% về vốn đầu tư công.
Hết quý 3, tỷ lệ giải ngân vốn đầu tư công của thành phố Vũng Tàu mới đạt được 48,39%. Với số vốn đầu tư công lớn và số dự án nhiều, đây là thách thức không nhỏ đối với chính quyền địa phương.
Để đảm bảo giải ngân vốn đầu tư công theo như cam kết với tỉnh, Ủy ban Nhân dân thành phố Vũng Tàu đã đặt quyết tâm đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư công ngay từ đầu năm. Tuy nhiên, vướng mắc nhiều nhất hiện nay tại thành phố Vũng Tàu là công tác đền bù giải phóng mặt bằng của các dự án.
[9 tháng năm 2023, Long An giải ngân vốn đầu tư công đạt gần 68%]
Nguyên nhân là do trong quá trình triển khai thực hiện còn gặp phải những khó khăn, vướng mắc như hệ thống văn bản pháp luật liên quan đến công tác giải phóng mặt bằng chưa đồng bộ, nhiều quy định mới thay thế chưa phù hợp, chưa kịp thời, đơn giá bồi thường, hỗ trợ còn chậm điều chỉnh, chưa phù hợp với tình hình thực tế; trong đó, chủ yếu là có sự so sánh về chính sách và giá đền bù giữa các dự án do Nhà nước thu hồi đất và dự án do các doanh nghiệp thỏa thuận hoặc do thay đổi về chính sách bồi thường tại các thời điểm cũng làm nảy sinh nhiều phức tạp.
Bên cạnh đó, việc giải phóng mặt bằng các dự án tái định cư để tạo quỹ đất sạch để bố trí tái định cư, giao đất ở cho các hộ dân gặp vướng mắc, nên khó khăn trong công tác vận động, chưa tạo được sự đồng thuận bàn giao mặt bằng của các hộ dân bị thu hồi đất.
Còn tại huyện Đất Đỏ - địa phương đang có tỷ lệ giải ngân vốn đầu tư công thấp nhất của tỉnh tính đến hết quý 3 mới đạt 45,24% kế hoạch. Năm nay, huyện Đất Đỏ làm chủ đầu tư 85 dự án đầu tư công với tổng vốn hơn 880 tỷ đồng.
Trong số này, ngân sách tỉnh đầu tư 6 dự án, với tổng mức hơn 412 tỷ đồng, còn lại là vốn ngân sách huyện. Trong số này có, 8 dự án thuộc diện thanh toán khối lượng, 40 dự án nhóm chuyển tiếp, 18 dự án khởi công mới và 2 dự án chuẩn bị thủ tục đầu tư.
Chiếm hơn 60% dự án đầu tư công năm 2023 tại Đất Đỏ la dự án giao thông; còn lại là các dự án xây mới, cải tạo công sở, trường học; kênh mương thủy lợi. Do đó, khó khăn lớn nhất của các dự án vẫn là công tác bồi thường giải phóng mặt bằng để thực hiện dự án.
Dồn lực giải ngân kịp tiến độ
Trước áp lực về thời gian, các địa phương đã và đang có những giải pháp "nước rút", dồn lực nhằm hoàn thành kế hoạch đề ra. Vì đây còn là một trong những nội dung quan trọng nhằm thúc đẩy tăng trưởng kinh tế cho địa phương.
Ông Hoàng Vũ Thảnh, Chủ tịch Ủy ban Nhân dân thành phố Vũng Tàu, cho biết hiện nay thời gian để hoàn thành kế hoạch giải ngân vốn đầu tư công năm 2023 của thành phố Vũng Tàu không còn nhiều, việc tuyên truyền, vận động người dân bàn giảo mặt bằng để triển khai thực hiện dự án đã và đang được Ủy ban Nhân dân thành phố đặc biệt chú trọng.
Các đơn vị liên quan đã triển khai tuyên truyền, vận động người dân để họ đồng thuận bàn giao mặt bằng làm sao cho chủ đầu tư có mặt bằng sớm nhất để triển khai thực hiện các dự án cho kịp tiến độ.
Xác định giải phóng mặt bằng là khâu then chốt để đẩy nhanh tiến độ giải ngân vốn đầu tư công, các phòng ban chức năng của thành phố Vũng Tàu đã phối hợp triển khai các giải pháp để thực hiện hiệu quả công tác này.
Tùy vào chức năng nhiệm vụ cụ thể mà các phòng, ban bố trí nhân viên trực tiếp xuống địa bàn hỗ trợ các phường, xã trong xét nguồn gốc đất phục vụ công tác công tác bồi thường giải phóng mặt bằng, hạn chế việc phải trả hồ sơ do chưa đầy đủ theo quy định.
Đối với những hồ sơ vướng mắc, phức tạp các phòng, ban liên quan phải chủ động báo cáo Ủy ban Nhân dân thành phố để được hỗ trợ giải quyết, làm cơ sở thực hiện các bước tiếp theo, đẩy nhanh tiến độ thực hiện các dự án.
Trong quá trình thực hiện, Ủy ban Nhân dân thành phố Vũng Tàu cũng yêu cầu các đơn vị đo đạc bản đồ địa chính cần kiểm tra đầy đủ về hồ sơ đất, chủ sử dụng đất, tránh thực hiện không đúng quy trình, thủ tục dẫn đến những sai sót, mất thời gian điều chỉnh, từ đó làm gián đoạn, làm chậm tiến độ thực hiện dự án và làm phát sinh những khiếu kiện.
Xác định thời gian để hoàn thành kế hoạch không còn nhiều, để đảm bảo tiến độ triển khai giải ngân vốn đầu tư công, Ủy ban Nhân dân huyện Đất Đỏ cũng đã và đang xây dựng và triển khai đồng bộ, quyết liệt nhiều giải pháp; trong đó, huyện đã đặc biệt chú trọng công tác vận động, tuyên truyền những trường hợp có đất nằm trong vùng dự án bàn giao mặt bằng.
Huyện đã huy động sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, sự phối hợp chặt chẽ giữa các cấp chính quyền, cơ quan chức năng với mặt trận, hội đoàn thể địa phương.
Bà Đỗ Thị Hồng, Chủ tịch Ủy ban Nhân dân huyện Đất Đỏ, cho biết việc thực hiện các dự án khó khăn về công tác bồi thường giải phóng mặt bằng, Ủy ban Nhân dân huyện đã chỉ đạo các ban, ngành liên quan vận dụng linh hoạt các quy định của pháp luật để thực hiện làm sao để có lợi cho người dân.
Bên cạnh đó, địa phương sẽ tăng cường công tác lãnh đạo, chỉ đạo điều hành, kịp thời tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc trong quá trình triển khai thực hiện công tác đầu tư xây dựng cơ bản. Thực hiện tốt công tác giám sát đầu tư nhằm góp phần nâng cao vai trò nhận thức cộng đồng trong việc tham gia các chương trình, dự án đầu tư trên địa bàn nhằm phát huy tính dân chủ ở cơ sở, tạo sự đồng thuận trong nhân dân.
Để bứt tốc hơn nữa, đảm bảo tiến độ giải ngân vốn đầu tư công năm 2023, cũng là đáp ứng tiêu chí đạt huyện nông thôn mới nâng cao vào cuối năm 2023, huyện Đất Đỏ đang nỗ lực thúc đẩy, tập trung chỉ đạo giải quyết vướng mắc trong công tác đền bù giải phóng mặt bằng các dự án đang gặp khó khăn để bàn giao mặt bằng cho chủ đầu tư triển khai thực hiện đúng tiến độ.
Theo báo cáo của Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu, tổng vốn đầu tư công năm 2023 của tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu là hơn 16.830 tỷ đồng.
Lũy kế thanh toán vốn từ đầu năm đến hết quý 3/2023 là hơn 9.162 tỷ đồng, đạt 56,63% kế hoạch vốn. Kế hoạch năm 2023 tỉnh bố trí vốn khởi công mới 18 dự án, đến hết tháng 9 có 16 dự án đã khởi công xây dựng; 1 dự án đang tổ chức đấu thầu, dự kiến khởi công trong tháng 10/2023 và 1 dự án đang hoàn thiện các thủ tục đầu tư để đấu thầu.
Ông Lê Ngọc Linh, Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu, nhận định tỷ lệ giải ngân vốn đầu tư công của tỉnh còn thấp, do vướng mắc về bồi thường, giải phóng mặt bằng (người đứng đầu ở địa phương và các cơ quan có liên quan chưa tập trung xử lý dứt điểm các vướng mắc về giải phóng mặt bằng của các dự án); thủ tục chuyển đổi mục đích sử dụng đất rừng chưa thực hiện xong; công tác phối hợp giữa chủ đầu tư và chính quyền địa phương chưa chặt chẽ theo tiến độ và kế hoạch triển khai dự án dẫn đến không xử lý kịp thời các vướng mắc phát sinh.
Là một địa phương có tỷ lệ giải ngân vốn đầu tư công tính đến hết quý 3/2023, đạt tỷ lệ 81,35%; trong đó, riêng nguồn ngân sách cấp huyện, xã đã giải ngân gần 431 tỷ đồng, đạt hơn 91%, vốn ngân sách tỉnh hơn 135 tỷ đồng, đạt gần 62%, ông Nguyễn Tấn Bản, Chủ tịch Ủy ban Nhân dân huyện Châu Đức, chia sẻ ngay từ đầu năm địa phương đã huy động cả hệ thống chính trị vào cuộc, phân ra các nhóm công việc cụ thể như: giải phóng mặt bằng, hoàn tất thủ tục đầu tư xây dựng cơ bản để khởi công, triển khai thi công, hoàn tất thủ tục thanh quyết toán, kiểm toán để phân công và theo dõi, đôn đốc thực hiện.
Từ cuối năm trước, huyện tiến hành rà soát, đánh giá toàn bộ các công trình trong năm tới, kể cả các công trình chuyển tiếp để tiến hành phân bổ, điều chỉnh, điều hòa nguồn vốn các công trình, không giải ngân sang các công trình không có khả thi hoàn thành.
Còn ông Lê Ngọc Linh, Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh, cũng cho biết để thúc đẩy giải ngân vốn đầu tư công, trong thời gian tới, các địa phương cần tập trung đẩy nhanh tiến độ giải phóng mặt bằng, tiến độ thi công, tháo gỡ các khó khăn vướng mắc về đất đai, tài nguyên, bãi đổ thải.
Đồng thời, các đơn vị phải đẩy nhanh giải ngân vốn đầu tư công đã phân bổ đối với các nhóm dự án có tỷ lệ giải ngân thấp.
"Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh đã thực hiện công tác tham mưu trong việc phân cấp, phân quyền, cơ chế phân công, phối hợp rõ ràng, cụ thể về thẩm quyền, trách nhiệm giữa các cơ quan, đơn vị trong việc hoàn thiện thủ tục đầu tư dự án. Cùng đó, tiếp tục đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính, ứng dụng công nghệ thông tin trong việc xử lý thủ tục về đầu tư công như thẩm định dự án đầu tư, triển khai kiểm soát chi vốn đầu tư bằng chứng từ điện tử, chữ ký số để thúc đẩy việc giải ngân vốn đầu tư công trên địa bàn tỉnh," ông Linh thông tin thêm./.