Chuyên mục  


"Hy vọng năm tới có lô sinh phẩm huyết tương tự sản xuất đầu tiên, thoát cảnh nhập khẩu hoàn toàn như trước nay", Thứ trưởng Y tế Đỗ Xuân Tuyên nói tại lễ khởi công xây dựng nhà máy sản xuất dược phẩm Bivid giai đoạn 1, ngày 6/1.

Theo ông Tuyên, đây là dự án đánh dấu một cột mốc quan trọng, tiếp nối các thành tựu gần đây của ngành dược Việt Nam. Điều này góp phần giảm phụ thuộc vào dược phẩm nhập khẩu, hướng tới tự chủ sản xuất và cung ứng thuốc, vaccine, sinh phẩm theo chủ trương của Chính phủ, Bộ Y tế.

Nhu cầu sử dụng huyết tương, các sản phẩm phân đoạn huyết tương cho điều trị tại Việt Nam khá lớn. Thông qua các chương trình hiến máu tình nguyện, nước ta có khoảng hai triệu đơn vị máu. Máu được tách chiết thành nhiều chế phẩm, sử dụng nhiều nhất là hồng cầu, tiểu cầu. Phần huyết tương tách ra thường không sử dụng hết, nếu bỏ sẽ rất lãng phí. Các nước phát triển thường tận dụng nguồn này, sản xuất thành các chế phẩm, các yếu tố đông máu để phục vụ một số người bệnh cần truyền.

Do chưa có nhà máy sản xuất, Việt Nam phải chi một lượng lớn ngoại tệ hàng năm để nhập khẩu sản phẩm phân đoạn huyết tương về điều trị. Điều này khiến người bệnh phải chi trả sản phẩm với giá thành cao, cũng như tăng gánh nặng cho bảo hiểm y tế.

Các đại biểu tham dự lễ khởi công xây dựng nhà máy sản xuất huyết tương đầu tiên Việt Nam, ngày 6/1. Ảnh: Thanh Thúy

Ông Ngô Đức Bình, Tổng giám đốc Công ty TNHH Bình Việt Đức - chủ đầu tư dự án, cho biết trước đây công ty từng tiên phong trong thu gom huyết tương đạt tiêu chuẩn châu Âu tại các bệnh viện lớn, đưa sản phẩm thô ra nước ngoài gia công rồi nhập thành phẩm về lại để điều trị cho người bệnh. Với sự đầu tư xây dựng lần này, nhà máy sẽ có công suất phân đoạn 600.000 lít huyết tương mỗi năm, không chỉ đáp ứng nhu cầu điều trị cho 250 triệu người trong nước, nâng cao năng lực tự chủ của hệ thống y tế Việt Nam mà còn hướng tới xuất khẩu sang thị trường quốc tế.

Dự kiến, nhà máy hoàn thành và đi vào hoạt động vào tháng 2/2026, trên khu đất có diện tích 82.000 m2, ứng dụng công nghệ hiện đại và tự động hóa. Công ty Glatt và Công ty Exyte từ Đức - có kinh nghiệm hàng đầu thế giới, tham gia hợp tác thiết kế và triển khai dự án. Hiện, không nhiều nơi trên thế giới có nhà máy sản xuất huyết tương, bởi lĩnh vực này đòi hỏi công nghệ rất cao.

"Hy vọng khi nhà máy hoạt động, giá sinh phẩm huyết tương giảm 2/3 so với nhập khẩu thành phẩm nước ngoài", ông Bình nói.

Phối cảnh nhà máy sản xuất huyết tương. Ảnh: Nhà máy cung cấp

Lê Phương

Thông tin

Tổng hợp tin tự động tinmoi-247.com (r) © 2020