Chuyên mục  


Ngày 3/7, bác sĩ Bệnh viện Đa khoa tỉnh Phú Thọ cho biết xét nghiệm, cấy máu và cấy dịch não tủy ghi nhận bệnh nhân viêm màng não do nhiễm liên cầu khuẩn lợn. Sau hơn 20 ngày điều trị, sức khỏe người bệnh ổn định.

Bác sĩ cho rằng khả năng người bệnh ăn thịt lợn, lòng lợn nhiễm liên cầu khuẩn nhưng chế biến chưa đảm bảo yêu cầu, chưa được nấu chín hoặc dùng chung dụng cụ thái đồ sống với chín.

Bác sĩ chọc dịch não tủy cho người bệnh làm xét nghiệm. Ảnh: Bệnh viện cung cấp

Liên cầu khuẩn lợn là loại vi khuẩn gây bệnh cho người và lợn. Người bị lây nhiễm do tiếp xúc lợn bệnh, ăn tiết canh hoặc thịt lợn ốm, chết, thịt chưa được nấu chín.

Viêm màng não do liên cầu khuẩn lợn rất nguy hiểm, nhiều biến chứng nặng nề. Trong đó, mất thính lực là biến chứng thường gặp, ảnh hưởng nhiều chất lượng cuộc sống.

Bệnh viêm màng não khởi phát các triệu chứng như sốt cao kèm rét run; đau đầu, chóng mặt; buồn nôn và nôn; đau mỏi cơ. Bệnh gây biến chứng nặng nề như co cứng cơ (đặc biệt cứng vùng gáy), rối loạn ý thức (mê sảng, lơ mơ), kích thích, thậm chí hôn mê, run đầu chi. Một số người mất thính lực, phát ban ngoài da như chấm xuất huyết, có thể hoại tử ngón tay và ngón chân.

Để phòng tránh, bác sĩ khuyến cáo không ăn lợn bệnh, thịt lợn sống, tiết canh, nội tạng chưa nấu chín, thịt lợn ốm chết. Khi tiếp xúc với lợn ốm, chăm sóc, nuôi hoặc giết mổ, tiêu hủy, phải có phương tiện bảo hộ. Chọn thực phẩm tươi sống, không nhiễm bệnh, đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm. Khi chế biến cần đảm bảo nấu chín, sử dụng riêng các dụng cụ chế biến thực phẩm sống - chín như dao, thớt, kéo, bát, đĩa.

Không xử lý thịt lợn sống bằng tay trần, nhất là khi có vết thương ở tay. Giết mổ lợn hoặc chế biến thịt lợn sống phải vệ sinh tay sạch bằng dung dịch sát khuẩn. Không tiếp xúc với lợn ốm, lợn bệnh để tránh những ảnh hưởng sức khỏe.

Thùy An

Thông tin

Tổng hợp tin tự động tinmoi-247.com (r) © 2020