Chuyên mục  


Ngày 2/7, con trai chị Loan, ngụ quận 8, đến bệnh viện khám do nổi mụn mủ khắp tai, mặt và vùng cổ, mặt đỏ rát. Gia đình chị sống tại tầng 14 chung cư. Bé trai thấy kiến bay vào nhà nên bắt giết, sau đó lấy bông gòn nhét hai lỗ tai vì sợ kiến chui vào khi ngủ dưới sàn nhà. Sáng hôm sau, mặt con nổi đỏ chi chít, chị nghĩ là dị ứng, mua thuốc uống không bớt. Chị tưởng con bị giời leo, đến tối phát hiện kiến ba khoang bay vào nhà mới biết dính độc kiến.

"Bé giết kiến ba khoang, không rửa tay mà lấy bông gòn nhét vào tai nên dịch độc từ tay tiếp xúc với vùng tai gây mụn mủ", chị Loan giải thích, thêm rằng con có thói quen sờ lên mặt khi ngủ nên vùng mặt, cổ cũng bị dính độc kiến, nổi chi chít mụn mủ.

Kiến ba khoang tấn công khiến tai, mặt, cổ bé trai chi chít mụn đỏ. Ảnh: Lan Anh

Chị Thu, sống ở chung cư Thanh Đa, quận Bình Thạnh, kể buổi tối ngồi làm việc có cảm giác "con gì bò ở cổ" nên lấy tay hất ra. Khoảng 5 phút sau, vùng da cổ nóng, ngứa, rát. Nửa ngày sau, da nổi mụn nước, ngứa rát rất khó chịu, đến bệnh viện khám chị mới biết dính kiến ba khoang.

Ngồi chờ khám cạnh chị Thu, chị Khoa, ngụ quận 7, mặt sưng đỏ, nhất là hai mắt, không thể mở mắt bên trái. Chị sống ở nhà phố, phòng có rất nhiều kiến, ban đầu chỉ rát quanh da, sáng ngủ dậy sưng nhiều hơn.

Ths.BS Phạm Thị Uyển Nhi, Phó trưởng điều hành Phòng Kế hoạch tổng hợp, Bệnh viện Da liễu TP HCM, cho biết mùa mưa có nhiệt độ và độ ẩm thích hợp cho kiến ba khoang sinh sản. Người dân tiếp xúc với dịch do kiến ba khoang tiết ra sẽ bị kích ứng da, xuất hiện những vết mụn nước, rộp trên bề mặt da. Tình trạng này lan rộng nếu chăm sóc vết thương không đúng cách hoặc cào gãi.

Bệnh nhân đến khám sớm, được bác sĩ xử lý kịp thời, không để lại biến chứng. Tuy nhiên, một số người vào viện khi tình trạng đã quá nặng do áp dụng những phương pháp dân gian, tự điều trị không đúng cách gây bội nhiễm. Cũng có nhiều bệnh nhân điều trị ở những cơ sở không uy tín, chẩn đoán sai thành bệnh zona... làm bệnh nặng thêm.

"Bệnh zona và viêm da tiếp xúc do kiến ba khoang có những đặc điểm giống nhau, song khác biệt về bệnh cảnh, yếu tố nguy cơ tiếp xúc cũng như biểu hiện bệnh", bác sĩ Uyển Nhi nói.

Bác sĩ Bệnh viện Da liễu TP HCM khám bệnh nhân bị kiến ba khoang tấn công. Ảnh: Lan Anh

Khi bị kiến ba khoang tấn công, điều đầu tiên là rửa sạch vùng dịch do kiến gây ra. Lưu ý rửa nhẹ nhàng, không chà xát mạnh, nhằm làm trôi đi dịch độc của kiến. Chà xát mạnh sẽ làm lây lan dịch tiết của kiến ba khoang, khiến bệnh nặng thêm.

Hạn chế cào gãi, chà xát, làm vỡ những mụn nước. Khi da xuất hiện các triệu chứng, nên đến bệnh viện hoặc bác sĩ chuyên khoa da liễu khám để uống thuốc và sử dụng thuốc bôi đặc hiệu nhằm làm giảm khó chịu. Điều trị đúng cách sẽ kiểm soát được bệnh tốt hơn, giảm biến chứng.

Không chữa trị đúng cách, ví dụ đắp lá, đắp thuốc, những loại chất không rõ loại trên bề mặt da... có thể làm tình trạng da nặng hơn, dẫn đến nhiễm trùng, vết thương lan rộng. Điều này có thể gây biến chứng tăng sắc tố sau viêm hoặc vùng da sau bệnh bị sậm màu lại và giảm sắc tố, mất sắc tố do tổn thương sâu. Một số trường hợp gây sẹo lõm, sẹo lồi ở vùng bị kiến ba khoang tấn công.

Bác sĩ khuyến cáo đặt lưới phòng chống côn trùng ở những vùng nhiều cây cối. Nên giảm bớt ánh đèn trong nhà để hạn chế thu hút kiến ba khoang, bởi chúng có tập tính thích ánh đèn. Vệ sinh sạch sẽ nhà cửa, đặc biệt là những nơi dễ ẩn náu của kiến như khe cửa, vị trí ẩm thấp trong nhà. Vệ sinh cơ thể sạch sẽ, hạn chế phơi áo quần ban đêm.

Lê Phương

Thông tin

Tổng hợp tin tự động tinmoi-247.com (r) © 2020