Chuyên mục  


Đại sứ Trung Quốc tại Việt Nam Hùng Ba ngày 4/7 trả lời phỏng vấn về chuyến công tác của Thủ tướng Phạm Minh Chính dự Hội nghị các nhà tiên phong lần thứ 15 của Diễn đàn Kinh tế Thế giới (WEF) tại thành phố Đại Liên và làm việc tại Trung Quốc, cũng như một số vấn đề liên quan tới hợp tác song phương.

- Ông đánh giá thế nào về ý nghĩa, kết quả chuyến công tác và các cuộc tiếp xúc giữa Thủ tướng Phạm Minh Chính với lãnh đạo cấp cao Trung Quốc?

Thủ tướng Phạm Minh Chính có chuyến công tác theo lời mời của WEF và chính phủ Trung Quốc, thể hiện sự ủng hộ của phía Việt Nam đối với các sự kiện quốc tế do Trung Quốc đăng cai.

Thủ tướng Phạm Minh Chính đã hội đàm với Thủ tướng Trung Quốc Lý Cường, hội kiến Chủ tịch Tập Cận Bình và Chủ tịch Chính hiệp toàn quốc Vương Hộ Ninh. Đây là các cuộc tiếp xúc quan trọng giữa lãnh đạo hai nước.

Ý nghĩa quan trọng của chuyến đi lần này nằm ở việc thực hiện nhận thức chung quan trọng của lãnh đạo cao nhất của hai đảng và các lãnh đạo cấp cao của hai nước, nhất là các nội dung trong các văn kiện chung và tuyên bố chung. Những văn kiện đó cũng là thành quả của các chuyến thăm cấp cao.

Đại sứ Trung Quốc tại Việt Nam Hùng Ba trong cuộc phỏng vấn ngày 4/7. Ảnh: Giang Huy

Trong cuộc hội đàm, hai Thủ tướng điểm lại hoạt động hợp tác giữa Việt Nam và Trung Quốc trên tất cả lĩnh vực, đánh giá tích cực về những thành quả đã đạt được về xây dựng cộng đồng chia sẻ tương lai, đồng thời vạch ra lộ trình hợp tác toàn diện trong thời gian tới.

Chuyến thăm lần này một mặt giữ gìn và tăng cường đà phát triển tích cực hiện có của mỗi nước, mặt khác đi sâu trao đổi về hợp tác trên tất cả lĩnh vực.

- Đại sứ đánh giá thế nào về thông điệp Thủ tướng Phạm Minh Chính đưa ra trong các bài phát biểu tại hội nghị ở Đại Liên và đóng góp của Việt Nam cho WEF?

Chuyến công tác của Thủ tướng Phạm Minh Chính cho thấy chính phủ Trung Quốc và WEF coi trọng Việt Nam, đồng thời chứng minh vai trò và sức ảnh hưởng của Việt Nam đối với nền kinh tế thế giới.

Phát biểu trước hơn 1.700 đại biểu quốc tế đến từ hơn 100 quốc gia và vùng lãnh thổ, thuộc giới chính trị và thương mại, Thủ tướng Phạm Minh Chính đã chia sẻ toàn diện về các thành tựu phát triển của Việt Nam, trong đó lĩnh vực kinh tế - xã hội, cũng như công cuộc đổi mới và quy hoạch phát triển trong thời gian tới. Bài phát biểu đã thể hiện thành tựu của Việt Nam, cũng như hoan nghênh doanh nghiệp các nước đến Việt Nam làm ăn, hợp tác.

Thủ tướng cũng đánh giá cao thành tựu phát triển của Trung Quốc, nhất là vai trò đối với sự tăng trưởng kinh tế của thế giới. Điều này thể hiện một số điểm trong tầm nhìn chung của Việt Nam và Trung Quốc đối với nhiều vấn đề mang tính toàn cầu. Bài phát biểu cũng nhấn mạnh các đề xướng, sáng kiến của Trung Quốc về giải quyết các vấn đề mang tính toàn cầu.

Thủ tướng Phạm Minh Chính đối thoại với lãnh đạo các tập đoàn lớn của WEF. Ảnh: TTXVN

Trung Quốc đánh giá rất cao thành tựu mà nhân dân Việt Nam đã giành được thời gian qua, vượt qua khó khăn của đại dịch Covid-19 và thúc đẩy kinh tế - xã hội phát triển một cách lành mạnh.

Từ đầu năm tới nay, nền kinh tế Việt Nam đang trên đà phát triển rất tốt, các bên đều đánh giá mức tăng GDP của Việt Nam năm nay sẽ vượt qua 6%.

Quy mô nền kinh tế Việt Nam đã vào top 40, kim ngạch xuất nhập khẩu vào top 20 thế giới. Chúng tôi luôn luôn mong muốn nền kinh tế Việt Nam phát triển ổn định, lành mạnh, đóng vai trò quan trọng tại khu vực và trên toàn cầu.

- Hai nước sẽ có những cơ hội hợp tác và lợi thế nào khi đẩy mạnh kết nối hạ tầng chiến lược giao thông, đặc biệt là đường sắt?

Kết nối hạ tầng giao thông đóng vai trò quan trọng đối với sự phát triển của một vùng. Nâng cao khả năng logistic là yếu tố then chốt đối với phát triển nền kinh tế.

Việt Nam và Trung Quốc nhất trí ưu tiên phát triển và kết nối hạ tầng giao thông, nhất là các hệ thống đường sắt qua biên giới. Tăng cường kết nối hạ tầng giao thông phù hợp với yêu cầu của cả hai bên, cũng như với yêu cầu phát triển của Việt Nam thời gian tới.

Trung Quốc trong vài thập kỷ qua đạt nhiều thành tích trong lĩnh vực hạ tầng giao thông, đặc biệt là hệ thống đường sắt. Tổng chiều dài đường sắt cao tốc của Trung Quốc là hơn 45.000 km, tổng chiều dài đường bộ cao tốc là hơn 180.000 km.

Trung Quốc đã hợp tác với nhiều nước trên lĩnh vực đường sắt, trong đó có Indonesia, Lào, Thái Lan và Malaysia. Chúng tôi rất coi trọng tăng cường hợp tác với Việt Nam trong lĩnh vực này, nhất là xây dựng các tuyến đường sắt ở miền bắc Việt Nam và vùng biên giới giữa hai nước.

Trung Quốc đã hỗ trợ Việt Nam hoàn thành quy hoạch đường sắt Lào Cai - Hà Nội - Hải Phòng. Sau khi Việt Nam hoàn tất công việc chuẩn bị, Trung Quốc sẵn sàng triển khai nghiên cứu khả thi đối với dự án.

Phía Trung Quốc cũng bày tỏ sẵn sàng giúp Việt Nam xây dựng quy hoạch hai tuyến đường sắt Đồng Đăng - Hà Nội và Móng Cái - Hạ Long - Hải Phòng thông qua nguồn vốn vay ưu đãi.

Các dự án trên trong thời gian tới sẽ phát huy vai trò quan trọng cho sự phát triển kinh tế, kết nối Việt Nam với các nước châu Âu - Tây Á qua tuyến đường sắt liên vận. Việt Nam sẽ trở thành cửa ngõ để Trung Quốc kết nối với các nước ASEAN, đồng thời là đầu mối quan trọng kết nối ASEAN với châu Âu và Trung Á.

Đây là những nội dung hợp tác mang tính chiến lược, biểu hiện sinh động cho cộng đồng chia sẻ tương lai giữa Việt Nam và Trung Quốc. Chúng ta có khả năng thực hiện các dự án chiến lược này nhờ đang ở trong thời đại hòa bình và phát triển.

- Trong lĩnh vực thương mại, hai bên có tiềm năng hợp tác thế nào về xuất khẩu nông sản và mô hình khu kinh tế qua biên giới?

Trung Quốc rất coi trọng và tích cực tạo điều kiện cho hợp tác với Việt Nam trong lĩnh vực xuất nhập khẩu nông sản, hoạt động có ảnh hưởng rất lớn và rộng rãi do liên quan đến sinh kế, cuộc sống hàng ngày và sản xuất của nông dân.

Năm 2023, lượng nông sản Việt Nam xuất sang Trung Quốc là 12,1 tỷ USD, trong đó riêng sầu riêng đạt hơn 2,1 tỷ USD. Hai nước đã ký nghị định thư về kiểm dịch một số loại nông sản, trong đó có hoa quả và rau tươi.

Hai bên đã đạt thỏa thuận về xuất khẩu dừa tươi Việt Nam sang Trung Quốc và chúng tôi sẽ tiếp tục thúc đẩy nhập khẩu sầu riêng đông lạnh. Chúng tôi hy vọng xuất nhập khẩu nông sản của hai nước năm sau sẽ tiếp tục phát triển lên một tầm cao mới.

Khu kinh tế qua biên giới là vấn đề rất quan trọng mà hai bên đang tiếp tục thúc đẩy. Phát triển khu hợp tác qua biên giới giúp kết hợp và phát huy tối đa thế mạnh của Việt Nam và Trung Quốc, cho phép chúng ta bắt tay khai thác thị trường của nhau và thế giới.

Ngoài ra, khu hợp tác kinh tế này sẽ thu hút đầu tư, hợp tác và chuyển giao công nghệ tiên tiến không những từ Trung Quốc mà còn từ nước thứ ba.

- Trung Quốc có thể hợp tác với Việt Nam ra sao trong phát triển năng lượng xanh, điện sạch?

Lĩnh vực năng lượng xanh, năng lượng sạch là trọng tâm mà hai bên sẽ tiếp tục thúc đẩy.

Các tổ hợp năng lượng xanh cung cấp khoảng 1,47 tỷ kW, chiếm hơn 50% tổng công suất phát điện của Trung Quốc. Hơn 60% thiết bị điện gió và 70% phụ kiện, linh kiện thiết bị năng lượng mặt trời đến từ Trung Quốc.

Hạ tầng điện rất quan trọng đối với sự phát triển của Việt Nam trong thời gian tới. Việt Nam đặt mục tiêu tăng trưởng 6% và tập trung phát triển các ngành khoa học công nghệ cao như chip, do đó đáp ứng yêu cầu về nguồn cung điện là tiền đề rất quan trọng.

Việt Nam năm ngoái đối mặt một số vấn đề về nguồn cung điện. Hiện nay, nguồn cung điện tại Việt Nam đang ở trạng thái cân bằng, do đó đầu tư và hợp tác ở lĩnh vực này rất quan trọng.

Doanh nghiệp Trung Quốc sẵn sàng tham gia các dự án cải tạo, nâng cấp để giảm tiêu hao năng lượng đối với các hạ tầng hiện có, trong đó có nhiệt điện, để giúp Việt Nam tiếp tục phát triển xanh, phát triển sạch.

Chúng tôi cũng hy vọng Việt Nam tạo điều kiện cho doanh nghiệp Trung Quốc tham gia vào lĩnh vực kinh tế số cũng như hoạt động triển khai công nghệ 5G.

- Hai bên sẽ có biện pháp cụ thể nào để tăng cường hợp tác du lịch?

Hợp tác du lịch giữa hai nước có nhiều dấu hiệu tích cực. Trong 5 tháng đầu năm, lượng khách Trung Quốc sang Việt Nam đạt 1,85 triệu, tương đương con số trong cả năm 2023. Khách Trung Quốc chiếm tỷ lệ cao nhất tại thị trường du lịch Việt Nam và hai bên cũng đã khôi phục nhiều chuyến bay thẳng.

Tôi mong Việt Nam tiếp tục tạo ra môi trường và thị trường du lịch an toàn cho du khách quốc tế, trong đó có Trung Quốc. Sẽ ngày càng có nhiều du khách đến Việt Nam hơn nữa.

Một dấu hiệu tích cực khác là hiện khách Việt Nam tới Trung Quốc cũng rất nhiều, đặc biệt là những người trẻ tuổi. Chúng tôi mong du khách Việt Nam sang Trung Quốc nhiều hơn, nhất là giới trẻ, để tìm hiểu và cảm nhận đất nước Trung Quốc.

- Đại sứ có kỳ vọng gì về quan hệ Việt Nam - Trung Quốc nhân dịp hai nước kỷ niệm 75 năm thiết lập quan hệ ngoại giao vào 2025?

Việt Nam và Trung Quốc sẽ kỷ niệm 75 năm thiết lập quan hệ ngoại giao vào ngày 18/1/2025. Trong hai năm qua, quan hệ Việt Nam và Trung Quốc đã ở một tầm cao mới, hợp tác trên các lĩnh vực của hai bên đã bước vào một giai đoạn quan trọng mới.

Quan hệ giữa hai nước đang trên đà phát triển rất tốt, các hoạt động giao lưu và tiếp xúc song phương sẽ ngày càng mật thiết hơn. Việt Nam và Trung Quốc sẽ tăng cường trao đổi về xây dựng đảng và quản lý đất nước, cũng như về công tác thúc đẩy đổi mới, cải cách mở cửa và hướng tới các quy hoạch trung, dài hạn.

Mục tiêu Việt Nam đặt ra là trước năm 2030 trở thành quốc gia có thu nhập trung bình cao với ngành công nghiệp hiện đại, do đó hợp tác song phương trên các lĩnh vực năng lượng xanh, năng lượng sạch, kinh tế số sẽ được tiếp tục thúc đẩy và phát triển.

Nhìn chung trong hai năm qua, sự hiểu biết và tình cảm của nhân dân hai nước được ngày càng tăng cường. Hai bên tạo được nhận thức chung quan trọng là tăng cường niềm tin đối với tình hữu nghị truyền thống Việt - Trung, cũng như thành tựu phát triển của mỗi nước và tăng cường tuyên truyền về điều này.

Nguyễn Tiến

Thông tin

Tổng hợp tin tự động tinmoi-247.com (r) © 2020