Chuyên mục  


"Người mắc viêm gan có thể điều trị bằng thuốc để ngăn chặn bệnh tiến triển, ngừa lây nhiễm và giảm nguy cơ phát triển thành ung thư gan", TS.BS Nguyễn Văn Vĩnh Châu, Phó giám đốc Sở Y tế, Chủ tịch Liên chi hội truyền nhiễm TP HCM, nói tại hội nghị về bệnh truyền nhiễm quốc tế APAC-IRIDS 2024, ngày 19/6.

Tổ chức Y tế thế giới ước tính khoảng 7,8 triệu người Việt đang sống chung với viêm gan B và gần một triệu người sống chung với viêm gan C. Đây là lý do hàng đầu dẫn đến ung thư gan. Tại Việt Nam, ung thư gan dẫn đầu về số người tử vong với hơn 23.000 trường hợp mỗi năm, theo Cơ quan Nghiên cứu Ung thư Quốc tế (Globocan).

Số ca ung thư gan cũng tăng nhanh những năm qua. Từ năm 2018, ung thư gan vượt qua ung thư phổi, xếp thứ nhất ở cả số mắc mới lẫn tỷ lệ tử vong tại Việt Nam. Loại ung thư này có tiên lượng xấu, thời gian sống thấp, góp phần khiến tỷ suất tử vong do ung thư ở nước ta thuộc nhóm cao toàn cầu.

Theo bác sĩ Châu, điều đáng lo ngại là nhiều người Việt không biết mình bị nhiễm bệnh viêm gan, dẫn đến không tìm cách điều trị. Bệnh thường diễn tiến âm thầm, không triệu chứng rõ ràng. Đến lúc có biểu hiện bệnh, vào viện xét nghiệm thì đã ở giai đoạn trễ. Theo thống kê, khoảng 10-20% người Việt mắc viêm gan B được chẩn đoán và chỉ khoảng 30% trong số đó được điều trị.

TS.BS Nguyễn Văn Vĩnh Châu phát biểu tại hội nghị về bệnh truyền nhiễm quốc tế APAC-IRIDS 2024. Ảnh: Quách Thanh

Lãnh đạo Sở Y tế TP HCM cho rằng chương trình loại trừ viêm gan cần chuyển từ mô hình xét nghiệm HBsAg (dựa trên chỉ định lâm sàng) sang mô hình y tế công cộng xét nghiệm thường quy trên diện rộng tại cộng đồng ở Việt Nam. Việc này giúp phát hiện bệnh sớm, ngay từ khi chưa có triệu chứng, dẫn đến hiệu quả điều trị tối ưu hơn. Ngoài ra, chi phí chữa bệnh ở giai đoạn sớm sẽ thấp hơn rất nhiều so với chi phí điều trị bệnh giai đoạn cuối, nhất là khi chúng phát triển thành ung thư.

"Về lâu dài, cần các phương án tìm kiếm nguồn lực, sự hỗ trợ của các tổ chức quốc tế, đồng thời tiếp tục kiến nghị Bảo hiểm Xã hội Việt Nam xem xét hỗ trợ kinh phí sàng lọc", bác sĩ Châu nói.

Giáo sư Lu Sheng Nan, Phó giám đốc Bệnh viện Kaohsiung Chang Gung Memorial (Đài Loan - Trung Quốc), cho rằng yếu tố quan trọng giúp nơi này làm tốt việc diệt trừ viêm gan C là các chính sách đẩy mạnh tầm soát sớm, cam kết nỗ lực thực hiện từ các bên liên quan, sự chi trả của bảo hiểm y tế. Khi bắt đầu chương trình loại trừ viêm gan, Đài Loan kết nối các chuyên gia phân tích những vấn đề liên quan dịch tễ học, xây dựng chính sách phù hợp.

Các chuyên gia khuyến cáo mọi người nên tiêm phòng viêm gan B. Người viêm gan phải điều trị triệt để, ngăn chặn tiến triển xơ gan và ung thư gan. Trong gia đình, một người mắc viêm gan, những người còn lại cần đến viện kiểm tra, theo dõi. Khám sức khỏe định kỳ hoặc khi có có dấu hiệu bất thường cần đi đến các cơ sở y tế chuyên khoa được khám và xét nghiệm cần thiết. Chế độ dinh dưỡng hợp lý, đảm bảo an toàn thực phẩm và duy trì lối sống lành mạnh, tinh thần thoải mái, lạc quan, tập thể dục thường xuyên.

Lê Phương

Thông tin

Tổng hợp tin tự động tinmoi-247.com (r) © 2020