Chuyên mục  


benh-k-17188520242791917019358.jpg

Số lượt bệnh nhân điều trị K tại Trung tâm ung bướu Bệnh viện Chợ Rẫy tăng dần theo từng năm. Năm 2023 nơi đây tiếp nhận khoảng 400 - 500 lượt khám ngoại trú/ngày, chủ yếu ở tỉnh - Ảnh: XUÂN MAI

Ngoài ra, một số người dân có tâm lý không tin tưởng y tế cơ sở ở các tỉnh thành khác, nên hễ có bệnh là lên thẳng tuyến trên cho chắc.

Người dân chê y tế cơ sở

Bệnh viện Ung bướu TP.HCM cho biết mỗi ngày hai cơ sở tiếp nhận khoảng 4.200 - 4.800 bệnh nhân đến khám. Ở cơ sở 2 mới thành lập hơn năm nay, hiện có 900 - 950 bệnh nhân nội trú và khoảng 1.000 - 1.200 bệnh nhân ngoại trú điều trị bằng hóa trị hoặc xạ trị trong ngày.

Trong số những bệnh nhân đến khám và điều trị, có đến 84% bệnh nhân đến từ các tỉnh thành khác, trong khi trước đây tỉ lệ này chỉ khoảng 75%. Số lượng bệnh nhân có địa chỉ tại TP.HCM đến bệnh viện khám không biến động nhiều, chỉ khoảng 700 - 750 bệnh nhân mỗi ngày.

Còn tại Hà Nội, hiện Bệnh viện K đã có ba cơ sở khám, điều trị ung thư cho người dân; mỗi năm khám và điều trị hơn 400.000 người bệnh. Theo các bác sĩ, vấn đề quá tải ở tuyến cuối có phần do người dân không mặn mà với y tế cơ sở. Thậm chí, nhiều bệnh viện tỉnh dù có thể điều trị, song tâm lý muốn chữa bệnh ở tuyến cuối cho "an tâm" nên dù xa xôi, tốn kém, nhiều người vẫn đổ về Hà Nội hay TP.HCM điều trị.

Có mặt tại Bệnh viện K cơ sở Tân Triều từ 6h sáng, bà Hoa (quê Phú Thọ) phải xuống Hà Nội từ đêm trước, thuê nhà trọ gần bệnh viện rồi sáng sớm xếp hàng, lấy số. Bà Hoa cho hay tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh, bà được chẩn đoán mắc u trung thất. Bệnh viện tỉnh nhà nói có thể mổ tại đây, nhưng bà nhất quyết xin chuyển tuyến xuống Bệnh viện K để điều trị.

"Tôi nghĩ rằng cứ xuống tuyến cuối cho chắc. K chứ đâu phải chuyện đùa, xuống đây bác sĩ có chuyên môn hơn, trang thiết bị cũng tốt hơn. Dù sao vẫn an tâm hơn nằm bệnh viện dưới quê", bà Hoa nói.

Tương tự, bà Kim Ngọc (59 tuổi) cũng chọn lên tuyến trên điều trị sau khi chẩn đoán K vú, thay vì bệnh viện ở quê An Giang. Bà Ngọc nói bệnh viện ở tỉnh sau khi kiểm tra cho rằng bà bị giãn tuyến vú, cho thuốc về uống vẫn không khỏi. Đón xe lên Chợ Rẫy, bà được chuyển sang Bệnh viện Ung bướu cơ sở 2. Sau khi thử dịch thì kết luận bà mắc K vú, may mắn mới là giai đoạn đầu, chưa di căn.

Gần một tháng trước ngày phẫu thuật cắt toàn bộ ngực trái, bà Ngọc và người thân đi xe lên xuống bệnh viện bốn lần, thuê trọ ngắn ngày để làm các xét nghiệm, thủ tục cần thiết. Bà chia sẻ trước đó bệnh viện ở quê tư vấn bà có thể chọn phẫu thuật tại An Giang, Cần Thơ hoặc TP.HCM.

"Mấy bệnh viện ở quê mổ được nhưng tự tôi nghĩ kỹ thuật không bằng tuyến trên, bởi vậy lên Sài Gòn cho chắc, an toàn. Ở dưới miền Tây tôi thấy nhiều người cũng vậy, toàn lên thành phố giống như cái gốc điều trị. Bữa giờ đi lên xuống tốn tiền, mất thời gian, mệt lắm nhưng phải ráng thôi", bà Ngọc chia sẻ. Nằm lại bệnh viện ba ngày sau phẫu thuật, bà được hẹn một tuần sau quay lại tái khám. "Bác sĩ nói cỡ một, hai tháng nữa có thể sẽ hóa trị vài lần để diệt tế bào đó", bà cho hay.

Không chỉ bà Hoa, bà Ngọc, nhiều bệnh nhân K cũng chung quan điểm "hễ có bệnh là lên tuyến trên". Đây cũng là một trong những nguyên nhân khiến bệnh viện tuyến cuối đã quá tải lại càng quá tải hơn.

benh-k-1-1718852077785491641692.jpg

Bệnh nhân mắc K được bác sĩ Trung tâm ung bướu Bệnh viện Chợ Rẫy tư vấn phương pháp điều trị - Ảnh: XUÂN MAI

Giảm thời gian chờ khám, mổ

Để giảm tải việc người dân chờ đợi lâu, Bệnh viện K (Hà Nội) khuyến khích người bệnh đặt lịch khám, hẹn giờ khám qua ứng dụng tư vấn, khám bệnh từ xa; tăng số lượng bàn khám tại cơ sở Tân Triều; cải tạo và mở cửa trở lại cơ sở Quán Sứ. Đồng thời, bổ sung nhân lực làm sớm từ 5h sáng.

Tại khu vực trị xạ, cán bộ y tế cũng làm việc xuyên trưa, tăng ca từ 5h sáng đến 22h đêm. Với nhân lực, máy móc có hạn, các bệnh viện cố gắng thực hiện nhiều giải pháp để đáp ứng nhu cầu ngày càng tăng cao.

Trong khi đó, Bệnh viện Ung bướu TP.HCM cũng triển khai nhiều giải pháp giảm thời gian chờ đợi cho bệnh nhân như tiếp nhận và khám bệnh sớm từ 5h sáng, tăng số ca xạ trị bắt đầu từ 5h sáng và kết thúc khoảng 22h, tổ chức phẫu thuật ngoài giờ hành chánh và ngày thứ bảy.

Đối với bệnh nhân có bệnh lý ác tính, thời gian chờ mổ ngắn hơn người có bệnh lành tính. Bệnh viện cũng áp dụng công nghệ thông tin để hẹn lịch mổ, tạo điều kiện thuận lợi cho người bệnh.

Trăn trở vì bệnh nhân K lựa chọn đến tuyến cuối thay vì điều trị tại địa phương, bác sĩ Hà Ngọc Cường (Bệnh viện Đa khoa tỉnh Phú Thọ) chia sẻ sự cảm thông với tâm lý người bệnh. Nhưng ông cho rằng nếu không thay đổi tâm lý ấy, với tình trạng bệnh nhân gia tăng như hiện nay sẽ trở thành gánh nặng cho cả bệnh viện và người bệnh.

"Thay vì được điều trị gần nhà, giảm chi phí đi lại, có thêm sự chăm sóc của người thân thì nhiều người bệnh phải "chuyển hộ khẩu" ra Hà Nội. Thêm chi phí di chuyển, ăn ở và cả người thân đi theo chăm sóc cũng phải gác lại công việc. Khó khăn lại càng thêm khó khăn", bác sĩ Cường nói.

Để hạn chế được tình trạng này, theo bác sĩ Cường, những bệnh viện tuyến cơ sở cần nâng cao năng lực, cải thiện chất lượng khám chữa bệnh để người dân ngày càng tin tưởng hơn.

Tỉ lệ mắc K tăng, do đâu?

TS.BS Nguyễn Văn Lợi, phó trưởng khoa ngoại lồng ngực Bệnh viện K, lý giải có rất nhiều nguyên nhân khiến số người mắc và tử vong vì K ở Việt Nam tăng nhanh. Cụ thể, K là bệnh lý gây nên bởi nhiều yếu tố: nhóm yếu tố thay đổi được (như hành vi lối sống, môi trường...) và nhóm yếu tố không thay đổi được (tuổi, gene...).

Thói quen ít vận động và chế độ ăn uống không hợp lý làm tăng nguy cơ. Chẳng hạn ăn nhiều mỡ động vật, ít chất xơ, sử dụng các thực phẩm mốc (gạo, lạc...), hay thực phẩm chế biến sẵn như thịt hun khói, cá muối đóng vai trò 35% nguyên nhân gây K (như K vú, thực quản, đại trực tràng).

"Ngoài ra, vấn đề về ô nhiễm không khí và môi trường cũng là những yếu tố gây K", bác sĩ Lợi chia sẻ. Hiện nay, Việt Nam đang đối mặt với già hóa dân số nói chung, tuổi thọ trung bình của người Việt hiện nay đã tăng (73,6 tuổi). Tuổi càng cao, thời gian tiếp xúc các yếu tố nguy cơ càng dài thì tỉ lệ mắc K càng cao. Bên cạnh đó, dân số Việt Nam cũng không ngừng tăng lên, đã đạt mốc hơn 100 triệu dân. Dân số tăng cũng là yếu tố dẫn tới tăng số người mắc và tử vong do K.

Quan trọng phải kể đến các yếu tố về hành vi lối sống là hút thuốc lá (là nguyên nhân của 30% các loại K, gây ra 20 loại K khác nhau và 90% nguyên nhân của K phổi); lạm dụng rượu bia là nguyên nhân gây ra các loại K như K miệng, họng; K gan, vú, đại trực tràng...

Bác sĩ Lợi cũng cho rằng nhận thức của người dân hiện đã tốt hơn về chủ động khám sức khỏe định kỳ, trong đó có sàng lọc K nên sẽ phát hiện nhiều trường hợp hơn.

Tại Bệnh viện Ung bướu TP.HCM, TS.BS Diệp Bảo Tuấn - phụ trách điều hành bệnh viện - cho biết số bệnh nhân đến khám và điều trị bệnh lý K ngày càng tăng. Trong đó, nhiều nhất là vú chiếm 19%, tuyến giáp chiếm 17%, các bệnh khác chiếm phần còn lại.

Còn theo TS.BS Trần Tuấn Anh - giám đốc Trung tâm ung bướu Bệnh viện Chợ Rẫy (TP.HCM), năm 2023 nơi đây tiếp nhận trung bình 400 - 500 lượt khám ngoại trú/ngày, chủ yếu người ở tỉnh. Số lượng bệnh nhân K đến điều trị tại trung tâm tăng dần theo từng năm với khoảng 15% - 20%, nhiều nhất là K vú, phổi, vùng đầu cổ, tiêu hóa, gan... Tùy tình trạng bệnh, số lượng bệnh nhân K tại Bệnh viện Chợ Rẫy chiếm khoảng 50% - 70% so với Bệnh viện Ung bướu TP.HCM.

**************

Có khoảng 40% các ca bệnh K có thể phòng tránh được. Việc phát hiện sớm sẽ giúp khả năng trị khỏi cao và tăng thời gian sống lên nhiều lần cho người bệnh so với trước kia.

>> Kỳ tới: Để không còn nhắc K là… thấy sợ

Thông tin

Tổng hợp tin tự động tinmoi-247.com (r) © 2020