Tổ côn trùng thuộc khoa phòng chống bệnh truyền nhiễm cấp tính (HCDC) làm mồi người bắt muỗi khảo sát muỗi sốt rét tại Cần Giờ - Ảnh: Thạc sĩ Mai Xuân Phán cung cấp
Trên đời có công việc này sao? Bắt muỗi để làm gì? Ai là người làm công việc này và làm sao để bắt được muỗi? Rất nhiều câu hỏi được bạn đọc thắc mắc.
Theo tìm hiểu của Tuổi Trẻ Online, bắt muỗi đêm là một trong các nhiệm vụ của y tế dự phòng nhằm khảo sát đánh giá quy mô và tính chất của côn trùng (muỗi) tại một số khu vực nguy cơ. Đây là cơ sở đưa ra các cảnh báo để người dân cũng như các cơ quan chuyên môn có giải pháp phòng ngừa sốt rét và sốt xuất huyết.
Tại TP.HCM hiện có ba đơn vị thực hiện việc nhiệm vụ đặc biệt này, gồm Trung tâm Kiểm soát bệnh tật TP.HCM (HCDC), Viện Pasteur TP.HCM và Viện Sốt rét - Ký sinh trùng - Côn trùng (Bộ Y tế).
Người làm mồi và người đi bắt muỗi đêm được dân trong nghề gọi cho "sang" là khảo sát muỗi, đòi hỏi phải đi đến tận các khu vực nguy cơ gây ra bệnh sốt rét và sốt xuất huyết.
Thạc sĩ Mai Xuân Phán - phó khoa phòng chống bệnh truyền nhiễm cấp tính (HCDC) - cho biết tại TP.HCM hiện có hai điểm "nóng" về sốt xuất huyết cần được theo dõi giám sát muỗi theo định kỳ hằng tháng, gồm Nhà Bè và Cần Giờ.
Việc này nhằm mục đích đánh giá sự biến động của quần thể muỗi, từ đó cảnh báo cho người dân và cơ quan chuyên môn chủ động có giải pháp diệt muỗi.
"Việc này rất quan trọng, bởi đây là bước đầu tiên để xác định nguy cơ của dịch, nếu bỏ qua việc này nguy cơ bùng dịch sẽ tiềm ẩn" - ông Phán chia sẻ.
Theo ông, tổ côn trùng của HCDC hiện có 7 người, tuổi đời từ 21-44 tuổi. Mỗi lần đi bắt muỗi thường chia hai nhóm xuất phát từ 16h chiều đến rạng sáng hôm sau. Địa điểm bắt muỗi có thể ở trong nhà, ngoài vườn, chuồng gia súc (chồng heo) và ở các bìa rừng - nơi dễ phát sinh muỗi.
Ông Phán kể rằng mỗi nhóm khi thực hiện nhiệm vụ đều cắt cử người làm mồi, người soi đèn, người mang dụng cụ thí nghiệm. Mồi người, theo cách lý giải của ông là chính nhân viên y tế sẽ "tự nguyện" đến các khu vực nêu trên, kéo ống quần, ống tay ngồi im lặng trong khoảng thời gian từ 30 phút đến khoảng vài tiếng.
Khi nhiệt độ thân nhiệt của người, cộng với mùi cơ thể phát ra sẽ thu hút muỗi bay đến hút máu. Và tùy vào kinh nghiệm của từng người, chỉ cần muỗi cong đít chuẩn bị chích là có thể dùng ống nghiệm hoặc máy hút chuyên dụng bắt lại.
Tùy theo điều kiện thời tiết, ông Phán cho biết có hôm ngồi hoài không có "em muỗi" nào thuộc nhóm cần bắt "ghé thăm". Tuy vậy, cũng có hôm "trúng mánh" bắt được từ 50-100 con muỗi.
"Nguyên tắc bắt buộc là muỗi phải còn sống và nguyên vẹn. Các loại muỗi này sau khi bắt về sẽ được đưa vào phòng thí nghiệm phân tích và có thể công bố kết quả trong ngày" - ông Phán nói.
Gắn bó với nghề bắt muỗi đêm suốt 13 năm nay, ông Phán cảm nhận rõ sự rủi ro đến với mình và đồng nghiệp. Đó là người làm mồi bắt muỗi thường đối diện với nguy cơ bị sốt rét và sốt xuất huyết và hầu như ai khi đi làm công việc này đều phải sử dụng thuốc phòng ngừa. Bởi vậy hôm nào có người mệt hoặc bị cắn nhiều quá sẽ được ưu tiên ngồi nghỉ để người khác vào thay, nếu cứ tiếp tục ngồi cho muỗi cắn sẽ rất nhanh phát bệnh.
Không chỉ thế, trong quá trình làm nghề, không ít lần ông cùng các đồng nghiệp dở khóc dở cười khi bị người dân dò xét "nhắc nhở", có khi họ hiểu nhầm là kẻ xấu rồi "méc" chính quyền. "Ngồi một chỗ đau mỏi, bị muỗi cắn đã đành, không ít lần chúng tôi còn bị công an địa phương đến làm việc vì ngồi lấp ló bắt muỗi trong đêm như thế này" - ông Phán nói.
Theo tìm hiểu, trong thông tư quy định quản lý và sử dụng kinh phí sự nghiệp thực hiện chương trình mục tiêu - dân số giai đoạn 2016-2020 của Bộ Tài chính năm 2018 có nội dung bố trí kinh phí cho hoạt động phòng chống sốt rét.
Tuy vậy thông tư này chưa có mục chi trả công người làm mồi và người đi bắt muỗi đêm. Việc HĐND TP.HCM thông qua chi hỗ trợ người làm mồi và người đi bắt muỗi đêm 130.000 đồng/người/đêm, theo đánh giá của ngành y tế TP.HCM là điều cần thiết.
Cán bộ tổ côn trùng bắt muỗi đêm trong nhà - Ảnh: Thạc sĩ Mai Xuân Phán cung cấp
Một con muỗi bị "tóm gọn" khi chuẩn bị chích hút máu của nhân viên làm mồi - Ảnh: Thạc sĩ Mai Xuân Phán cung cấp