Tại Khoa Nội Thần kinh, Bệnh viện Quân y 175, bệnh nhân cho biết từng bị đột quỵ hai lần, song không uống thuốc theo đơn, tự ý dừng thuốc và không tái khám. Nghe người quen mách, bà chi hàng chục triệu đồng mua thuốc "xách tay" từ nước ngoài để phòng bệnh. Gần đây, bà liên tục đau đầu, mệt mỏi nên đi viện kiểm tra.
Bác sĩ Hoàng Tiến Trọng Nghĩa, Trưởng khoa, cho biết các thuốc bệnh nhân uống thực chất là thực phẩm chức năng không có tác dụng điều trị, giá rất cao. Khi thăm khám, tình trạng bệnh nhân tái phát nặng hơn, cơ thể suy kiệt, chỉ định nhập viện lần ba.
"Việc tự ý sử dụng thuốc có thể làm mất cân bằng các cơ chế bảo vệ của cơ thể, dẫn đến các biến chứng nặng nề", bác sĩ nói.
Trường hợp khác, bệnh nhân 68 tuổi, tiền sử tăng huyết áp, đái tháo đường. Trước đó, bà chứng kiến bạn bè trong nhóm dưỡng sinh rủ nhau mua thuốc tiêm phòng đột quỵ. Nghĩ mình có nguy cơ cao, bà mua hai hộp, nhờ người tiêm. Ngoài ra, người phụ nữ bổ sung thêm nhiều loại thuốc bổ não, thuốc phòng chống đột quỵ khác, giá 500.000 nghìn đến vài triệu một lọ.
Sau nửa tháng uống, bà thường xuyên mệt mỏi, chóng mặt, có lần đau bụng, nôn mửa, phải nhập viện cấp cứu. Tại bệnh viện, bà được bác sĩ chẩn đoán sốc phản vệ, xét nghiệm nhiều chỉ số sức khỏe tăng cao bất thường.
Bác sĩ Nguyễn Xuân Diệu, Khoa Nội Thần kinh, Bệnh viện Quân y 175 đang thăm khám cho bệnh nhân. Ảnh: Bác sĩ cung cấp
PGS.TS.BS Nguyễn Huy Thắng, Phó chủ tịch Hội Đột quỵ Việt Nam, Trưởng Khoa Bệnh lý mạch máu não Bệnh viện Nhân dân 115, cho biết trên bản đồ đột quỵ thế giới, Việt Nam thuộc nhóm màu đỏ đậm nhất - tức nhóm những quốc gia có nguy cơ đột quỵ cao nhất, tỷ lệ ước tính vượt 218/100.000 dân. Theo tỷ lệ này, với dân số 100 triệu, số ca đột quỵ tại Việt Nam khoảng trên 200.000 mỗi năm. Việt Nam thuộc nhóm những quốc gia có nguy cơ đột quỵ cao nhất thế giới, song số nơi điều trị còn quá ít.
Theo các chuyên gia, bệnh đột quỵ ngày càng phổ biến và trẻ hóa khiến nhiều người tin rằng việc tiêm hoặc uống các loại thuốc có thể giúp phòng ngừa. Hiện chưa có số liệu thống kê tình trạng này song tỷ lệ ngày càng tăng, để lại nhiều hậu quả nặng nề.
Song, "đột quỵ là một bệnh lý phức tạp, không thể phòng ngừa bằng một vài loại thuốc mà cần sự thay đổi toàn diện từ lối sống đến việc kiểm soát các yếu tố nguy cơ như huyết áp cao, tiểu đường và mỡ máu cao", bác sĩ Nghĩa nói.
Lý giải nguyên nhân người dân mua thuốc phòng đột quỵ, bác sĩ Nghĩa cho rằng đa số còn thiếu kiến thức chính thống về bệnh. Họ không tuân thủ dùng thuốc, không đo huyết áp tại nhà hàng ngày, không biết huyết áp cần đạt được là bao nhiêu, vẫn hút thuốc lá, dùng thực phẩm không tốt... Sự lan truyền của thông tin thiếu kiểm chứng trên mạng xã hội cũng là cơ hội để nhiều cơ sở trục lợi, kiếm tiền. Với tâm lý lo lắng, người dân dễ bị lôi kéo vào các quảng cáo không có cơ sở khoa học hoặc những lời khuyên từ người không có chuyên môn.
Thực tế, không có loại thuốc nào có thể phòng ngừa đột quỵ một cách hoàn toàn, nhất là đối với những người không có nguy cơ cao. Các loại thuốc phòng đột quỵ lan tràn tự phát hiện nay thường là các thực phẩm chức năng nhập khẩu không rõ nguồn gốc hoặc những loại "thuốc" tự bào chế, không có tác dụng trong điều trị hay dự phòng.
Bác sĩ Nguyễn Xuân Diệu, Khoa Nội Thần kinh, Bệnh viện Quân y 175, cho biết hầu hết thuốc phòng đột quỵ thường có những tác dụng phụ nghiêm trọng nếu tự ý sử dụng, như xuất huyết nội tạng, đặc biệt là xuất huyết não. Nhiều trường hợp sốc phản vệ hoặc dị ứng do người dùng tiêm, uống thuốc không đúng liều lượng hoặc không rõ nguồn gốc. Tự ý dùng thuốc có thể tác động tiêu cực đến hệ tuần hoàn và các cơ quan khác, gây biến chứng nặng nề.
Hiện, thuốc phòng đột quỵ chỉ dành cho người bệnh đột quỵ hoặc có nguy cơ rất cao của đột quỵ, do bác sĩ chuyên khoa thần kinh chỉ định. "Tuy nhiên, sử dụng thuốc cần phải được theo dõi chặt chẽ, tránh những tác dụng phụ không mong muốn", bác sĩ nói.
Bản đồ tỷ lệ đột quỵ ước tính trên 100.000 dân của các quốc gia trên thế giới, Việt Nam nằm trong số những nước có màu đỏ đậm nhất. Ảnh: NEJM
Bác sĩ khuyên phòng ngừa đột quỵ không thể chỉ dựa vào thuốc. Người dân nên duy trì lối sống lành mạnh, bao gồm việc ăn uống hợp lý, tập thể dục thường xuyên, kiểm soát các bệnh lý nền như huyết áp, tiểu đường và mỡ máu.
Người đã từng bị đột quỵ cần tuân thủ chỉ định thăm khám, điều trị, không ngưng thuốc hay bỏ thuốc giữa chừng. Không sử dụng thực phẩm chức năng thay thế thuốc điều trị. Người bệnh cần có chế độ dinh dưỡng giàu vitamin, khoáng chất, hạn chế ăn quá nhiều chất béo, kiểm soát cân nặng, ngăn tình trạng béo phì.
Đối với người trung niên và cao tuổi, cần giữ ấm cơ thể khi đi ngủ và mỗi khi ra khỏi phòng, kể cả đi bộ buổi sáng, tránh để cơ thể lạnh đột ngột. Tự theo dõi huyết áp mỗi ngày, kiểm soát sức khỏe, tránh tình trạng quên, ngưng thuốc khiến bệnh trầm trọng.
Người trẻ cần xây dựng lối sống lành mạnh, đi ngủ và thức dậy đúng giờ, tập thể dục, uống nhiều nước vào sáng sớm lúc ngủ dậy. Ăn nhiều rau xanh, hoa quả, đậu nành, nhiều cá, ít thịt. Sử dụng vừa phải lượng muối, mỡ trong món ăn, bỏ thuốc lá, hạn chế rượu bia...
Người dân cần nâng cao nhận thức và tìm hiểu kỹ lưỡng trước khi dùng bất kỳ loại thuốc nào để tránh những hậu quả không mong muốn.
Thùy An