Thông tin từ Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế) cho biết mặc dù thời tiết mùa thu được coi là giai đoạn dễ chịu nhất trong năm nhưng đây lại là thời điểm thuận lợi cho các loại vi khuẩn, virus gây bệnh phát triển. Trong nhóm các bệnh về hô hấp dễ bùng phát, đáng lưu ý có bệnh cúm.
Hà Nội đang trong những ngày thu tuyệt đẹp. Thế nhưng thời tiết giao mùa từ hạ sang thu với không khí lúc ẩm, lúc hanh khô là điều kiện thuận lợi cho virus cảm cúm phát triển, lây lan và bùng phát.
Bệnh cúm thường bị nhầm lẫn với cảm lạnh thông thường, nhưng các triệu chứng cúm phát triển đột ngột hơn.
Làm thế nào để biết mình đã bị cúm?
Bệnh cúm lây qua đường hô hấp. Khi một người bị cúm ho hoặc hắt hơi, sẽ làm bắn những giọt nước bọt mang virus xâm nhập vào không khí. Bạn có thể bị cúm nếu bạn hít những giọt này qua mũi hoặc miệng, hoặc nếu bạn chạm vào các vật như tay nắm cửa hoặc bàn phím bị nhiễm virus và sau đó chạm vào mũi, mắt hoặc miệng của mình.
Các triệu chứng của cúm có thể từ nhẹ đến nặng. Sau khi bị nhiễm virus cúm, người bệnh sẽ có các triệu chứng như sốt cao 39-40độ C kèm theo rét run, cơ bắp đau nhức, đặc biệt là ở lưng, cánh tay và chân; nghẹt mũi; viêm họng; ho; ớn lạnh và đổ mồ hôi; mệt mỏi; đau đầu…
Virus cúm liên tục thay đổi, vì vậy nếu bạn đã từng mắc bệnh cúm trong quá khứ, bạn vẫn có thể bị cúm lại. Bệnh cúm mùa tiến triển thường lành tính, nhưng cũng có thể biến chứng nặng và nguy hiểm. Các biến chứng thường gặp của cúm như: Nhiễm trùng xoang và tai, viêm phổi, viêm phế quản, làm bùng phát bệnh hen suyễn, viêm mô tim- não hoặc cơ, nhiễm trùng huyết- một phản ứng đe dọa đến tính mạng hoặc tình trạng xấu đi như bệnh tim…
Dù đã từng mắc bệnh cúm trong quá khứ, bạn vẫn có thể bị cúm lại.
Nếu bạn là người khỏe mạnh, mắc cúm có thể không cần phải đi khám. Chỉ cần dùng thuốc điều trị các triệu chứng bằng những thuốc không kê đơn. Người bệnh có thể hồi phục trong vòng 5-7 ngày. Tuy nhiên, ở những đối tượng có nguy cơ cao mắc cúm và/hoặc các biến chứng của cúm, đó là: Trẻ em dưới 5 tuổi, phụ nữ có thai, người già trên 65 tuổi, mắc bệnh mãn tính, có hệ miễn dịch suy yếu, có chỉ số khối cơ thể từ 40 trở lên… khi mắc cúm cần phải đi khám để được dùng thuốc trị cúm (khi cần thiết) kịp thời.
Bị cúm thì uống thuốc gì?
Thuốc điều trị triệu chứng
Khi mắc cúm người bệnh nên nghỉ ngơi, cách ly, hạn chế giao tiếp để tránh lây lan cho người khác. Dùng thuốc hạ sốt khi sốt trên 38,5 độ C. Thuốc thường dùng là paracetamol. Cần dùng đúng liều lượng trong hướng dẫn sử dụng, cách 4-6 giờ mới được dùng liều kế tiếp. Không tự ý tăng liều thuốc vì sẽ gây tổn thương gan (đây cũng là một tác dụng phụ có hại của thuốc cần lưu ý). Paracetamol không chỉ hạ sốt mà còn làm giảm các triệu chứng nhức đầu, đau mình mẩy, đau nhức cơ bắp… (một số triệu chứng của cúm).
Kết hợp với thuốc trị triệu chứng, người bệnh cần đảm bảo chế độ dinh dưỡng hợp lý (ăn thức ăn dễ tiêu và uống nhiều nước, ăn hoa quả, bổ sung các vitamin...
Rau củ góp phần tăng đề kháng, giúp hệ miễn dịch mạnh khỏe, giảm thiểu bệnh cúm.
Thuốc chống virus
Các thuốc chống virus được dùng sớm, trong vòng hai ngày (48 giờ) kể từ khi bắt đầu có triệu chứng. Chúng có thể làm giảm triệu chứng và rút ngắn thời gian bạn bị bệnh.
Thuốc kháng virus được dùng trong các trường hợp nhiễm cúm có biến chứng, cúm nặng hoặc ở những người có yếu tố nguy cơ bị biến chứng do cúm như người cao tuổi, trẻ nhỏ, phụ nữ có thai, người có các bệnh lý mạn tính như tiểu đường, bệnh tim mạch, suy thận, béo phì... Đối với các trường hợp này cần nhập viện điều trị. Hai thuốc chống cúm hiện nay hay dùng là tamiflu và relenza.
Phòng cúm theo cách đơn giản và hiệu quả
Cách tốt nhất để phòng ngừa cúm là tiêm vaccin hàng năm. Vaccin ngừa cúm sẽ bảo vệ chống lại ba hoặc bốn loại virus cúm phổ biến nhất trong năm đó. Từ 6 tháng trở lên có thể tiêm phòng cúm mùa. Tuy nhiên, việc chủng ngừa để phòng ngừa bệnh cúm đặc biệt quan trọng đối với những người có nguy cơ cao như: Nhân viên y tế, trẻ từ 6 tháng đến 8 tuổi và người trên 65 tuổi. Việc tiêm phòng có những lợi ích quan trọng như có thể giảm bớt bệnh cúm, cũng như ngăn ngừa các trường hợp nhập viện do cúm…
Cảm cúm cảm lạnh ở trẻ - 7 câu hỏi thường gặp
Đối với người bị bệnh mãn tính (bệnh phổi mạn tính, bệnh tim bẩm sinh, suy tim, tiểu đường, suy giảm miễn dịch...), việc tiêm vaccin ngừa cúm lại càng đặc biệt quan trọng (trừ khi bác sĩ có lời khuyên khác), vì những đối tượng này dễ gặp biến chứng của cúm. Ví dụ, một người mắc bệnh hen suyễn có thể gặp các triệu chứng xấu đi hoặc cơn hen suyễn trong khi bị cúm vì nhiễm trùng có thể làm tăng viêm trong phổi. Những người mắc bệnh mãn tính thường dễ bị viêm phổi, viêm phế quản, nhiễm trùng xoang hoặc nhiễm trùng tai. Những biến chứng này có thể đủ nghiêm trọng để yêu cầu nhập viện và đôi khi có thể dẫn đến tử vong.
Ngoài việc chủng ngừa, cần thực hành các hành vi vệ sinh tốt có thể ngăn ngừa vi trùng cúm lây lan như:
Rửa tay bằng xà phòng: Sử dụng xà phòng và nước, chà trong ít nhất 20 giây. Khi không có xà bông, hãy dùng chất sát trùng tay có chất cồn.
Tránh các khu vực đông đúc: Cúm lây lan dễ dàng hơn ở những nơi đông người như trường học, văn phòng, trên các phương tiện giao thông công cộng… Nếu bạn bị bệnh, hãy ở nhà trong ít nhất 24 giờ sau khi hết sốt.
Tránh chạm vào mắt, mũi và miệng để tránh vi trùng xâm nhập vào cơ thể.
Làm sạch và khử trùng các bề mặt và đồ vật như bàn phím, tay nắm cửa và điện thoại có thể bị nhiễm virus cúm…