Chuyên mục  


benh-glocom-17271058560051706126399.png

Việc tự ý mua thuốc nhỏ mắt khi không có chỉ định dẫn đến nhiều người dùng thuốc corticoid kéo dài, rất có nguy cơ gây bệnh glôcôm - Ảnh minh họa

Bệnh glôcôm (thường gọi là bệnh thiên đầu thống) được dùng để gọi một nhóm bệnh có những đặc điểm chung là nhãn áp tăng quá mức chịu đựng của mắt, lõm, teo đĩa thần kinh.

Thị lực suy giảm do mắc bệnh glôcôm

Bệnh viện Mắt tỉnh Phú Thọ cho biết từ đầu năm đến nay ghi nhận nhiều ca mắc glôcôm. Trong số đó có nhiều bệnh nhân trẻ nhưng khi đến khám phải có người dẫn đường bởi thị lực đã bị suy giảm hoàn toàn do mắc bệnh glôcôm. 

Sau thăm khám và khai thác tiền sử, các bác sĩ ghi nhận có rất nhiều ca mắc bệnh glôcôm có liên quan tới tiền sử sử dụng corticoid tra mắt trong thời gian dài.

Điển hình trường hợp chị N.T.H. (48 tuổi, Thanh Sơn, Phú Thọ) được các bác sĩ Bệnh viện Mắt tỉnh Phú Thọ chẩn đoán mắc glôcôm góc mở, thị lực giảm còn 2/10.

Chị H. cho biết trước từng bị đau mắt đỏ đi khám và được bác sĩ kê thuốc về tra mắt và đã khỏi. Tuy nhiên sau đợt đó, mỗi khi mắt ngứa, cộm hay đỏ chị đều mang lọ thuốc đã dùng trước đó ra để mua về tự tra và thấy đỡ. 

"Gần đây, thỉnh thoảng thấy nhìn mờ nhưng thoáng qua lại hết nên vẫn không để ý, vẫn nghĩ do mình thiếu ngủ và hiện nay hai mắt tôi nhìn kém hơn trước rất nhiều" - chị cho biết.

Theo ThS Mai Thúy Hà, trưởng khoa glôcôm - dịch kính - võng mạc, trường hợp của bệnh nhân trên là trường hợp không hiếm gặp ở người bệnh mắc glôcôm khi đến khám và điều trị tại bệnh viện. Điều này cho thấy việc người dân tự ý mua và sử dụng thuốc nhỏ mắt hiện nay rất đáng báo động.

Thuốc nhỏ mắt có nhiều loại khác nhau như kháng sinh, corticoid, giảm đau, bổ mắt… và được chỉ định khác nhau cho từng người bệnh khác nhau. 

Tuy nhiên, người dân thường tự ý mua thuốc khi không có chỉ định, dẫn đến nhiều người dùng thuốc corticoid kéo dài, rất có nguy cơ gây bệnh glôcôm.

benh-glocom-2-17271059602461436947942.jpg

Khi thấy mắt có biểu hiện bất thường, thị lực suy giảm cần đến ngay các cơ sở chuyên khoa mắt để được thăm khám - Ảnh minh họa

Biết triệu chứng bệnh để khám và điều trị sớm

Theo các bác sĩ, người có nguy cơ cao mắc bệnh glôcôm như những người trên 35 tuổi (tuổi càng cao, khả năng bị glôcôm càng lớn); những người ruột thịt của bệnh nhân glôcôm; bệnh nhân có tiền sử dùng corticoid kéo dài (tra mắt hoặc toàn thân); 

Bệnh nhân có bệnh toàn thân (đái tháo đường, cao huyết áp...); những người có nhãn cầu nhỏ như bị viễn thị nặng, giác mạc nhỏ, tiền phòng nông hoặc những người dễ xúc cảm, hay lo âu là cơ địa thuận lợi để xuất hiện cơn glôcôm.

Bệnh thường khởi phát đột ngột với biểu hiện mắt đột ngột đau nhức dữ dội từng cơn, lan lên nửa đầu cùng bên, bệnh nhân nhìn đèn thấy có quầng xanh đỏ như cầu vồng, thường buồn nôn hoặc nôn, đau bụng, vã mồ hôi, mắt đỏ lên và nhìn mờ ở nhiều mức độ, có thể chỉ mờ như nhìn qua màn sương nhưng cũng có thể giảm thị lực trầm trọng xuống đến mức chỉ còn đếm ngón tay hoặc nhìn thấy bóng bàn tay; sờ tay vào mắt thấy nhãn cầu căng cứng như hòn bi. 

Đôi khi bệnh nhân thấy sợ ánh sáng, chảy nước mắt nhưng không tiết rỉ mắt, mi mắt sưng nề, mắt đỏ theo kiểu cương tụ rìa, giác mạc phù nề mờ đục.

Tuy nhiên có những trường hợp bị mắc bệnh glôcôm xuất hiện âm thầm, tiến triển chậm trong thời gian dài nên bệnh nhân không nhận thấy thị lực của mình đang giảm đi cho đến khi bệnh đã ở giai đoạn tiến triển với tổn hại nặng tới thị lực.

Chuyên gia khuyến cáo, khi có những triệu chứng như trên, người bệnh nên đến ngay các bệnh viện chuyên khoa mắt hoặc các cơ sở y tế gần nhất để được khám mắt, đo nhãn áp và xử trí kịp thời.

Nên theo dõi và tái khám thường xuyên, tuân thủ phác đồ điều trị của thầy thuốc khi đã mắc bệnh glôcôm... để ngăn chặn bệnh không tiếp tục gây tổn thương đầu dây thần kinh thị giác, hạn chế tối đa tổn hại về thực thể và chức năng thị giác.

Ngoài ra, với các đối tượng có nguy cơ cao mắc glôcôm cần khám mắt định kỳ ít nhất 6 tháng/lần để kịp thời phát hiện các bệnh và điều trị các bệnh về mắt, trong đó có glôcôm.

Thông tin

Tổng hợp tin tự động tinmoi-247.com (r) © 2020