Chuyên mục  


Trong một hội thảo mới đây, PGS.TS Nguyễn Sinh Hiền, Giám đốc Bệnh viện Tim, Chủ tịch Hội tim mạch Hà Nội lo ngại người trẻ mắc bệnh tim mạch ngày càng trẻ hóa, trong đó nhiều bệnh nhân nhồi máu cơ tim cấp trước tuổi 40. Bệnh tim mạch luôn được ví như "kẻ giết người số 1 thế giới" vì đây là nguyên nhân hàng đầu gây tử vong cho nhân loại, nhiều hơn cả bệnh ung thư. Mỗi năm nước ta có hơn 200.000 người tử vong vì bệnh tim mạch, gấp đôi số chết do ung thư, nhiều bệnh nhân chưa đến 20 tuổi, ông Hiền nói.

Tương tự, các bệnh khác thường thấy ở người cao tuổi liên quan quá trình trao đổi chất như cao huyết áp, men gan/mỡ máu tăng, gout, gan nhiễm mỡ, béo phì, đột quỵ, ung thư xuất hiện sớm hơn hàng chục năm ở những người thuộc thế hệ Millennial (sinh từ năm 1980 đến năm 1995). Những rối loạn chuyển hóa không chỉ khiến người trẻ mang bệnh mà còn đẩy nhanh quá trình lão hóa, khiến họ già hơn tuổi.

Đơn cử, tỷ lệ người trẻ mắc bệnh suy thận mạn tăng 5-10% trong khoảng 5 năm nay. Thống kê của Viện Tim mạch Việt Nam, hơn một phần tư người trưởng thành bị tăng huyết áp và ngày càng tăng nhanh. Từ năm 2000 đến nay, số người trên 25 tuổi bị cao huyết áp tăng 47%, nam nhiều hơn nữ.

Nghiên cứu tại 10 trung tâm đột quỵ trên toàn quốc với hơn 2.500 bệnh nhân cho thấy 7,6% là người trẻ dưới 45 tuổi, tỷ lệ đột quỵ ở người trẻ tuổi trung bình tăng khoảng 2% mỗi năm, trong đó nam nhiều gấp 4 lần nữ, theo PGS.TS Nguyễn Văn Chi, Chủ tịch Hội đột quỵ Hà Nội. Nhiều người trẻ bị đột quỵ là do các yếu tố nguy cơ gần giống ở người trung niên và cao tuổi, nhất là mắc các bệnh lý nền sớm. Trong đó, điển hình là những bệnh như tăng huyết áp, tiểu đường, thừa cân, béo phì, tim mạch, cao cholesterol trong máu, dị dạng mạch máu, u não...

Người trẻ thường bận rộn với công việc nên lười tập luyện hơn so với những người trung niên, người cao tuổi. Ảnh: Giang Huy

Nguyên nhân của tình trạng này là lối sống người Việt trẻ đang thay đổi theo hướng tiêu cực nên nguy cơ mắc bệnh cao hơn, theo PGS.TS Đỗ Văn Dũng, nguyên Trưởng khoa Y tế công cộng, Đại học Y Dược TP HCM.

Ông Dũng phân tích trước đây người dân có thói quen đi bộ, đạp xe thì việc di chuyển hiện nay của giới trẻ chủ yếu chuyển là ô tô, xe máy. Công việc trong nhà cũng được thay thế bằng máy móc hiện đại hơn như máy giặt, hút bụi, rửa chén... Học sinh, sinh viên ít hoạt động thể chất, sau đó lại bị cuốn vào guồng quay công việc, xu hướng ngồi một chỗ xem tivi, điện thoại, máy tính..., tất cả tạo thành lối sống thụ động.

Đặc biệt, chế độ ăn uống thiếu khoa học, ít tự nấu ăn và thường xuyên ăn ngoài, chuộng thức ăn nhanh, thực phẩm nhiều dầu mỡ, chế biến sẵn, nhiều đường, muối và chất phụ gia... làm tăng khả năng rối loạn chuyển hóa mỡ máu, cao huyết áp, tiểu đường.

PGS.TS Nguyễn Anh Tuấn, Chủ nhiệm khoa Phẫu thuật ống Tiêu hóa, Bệnh viện Trung ương Quân đội 108 cũng cảnh báo tỷ lệ mắc béo phì ở người trẻ tăng nhanh đến từ chế độ ăn uống và lối sống kém khoa học trên. Trong đó, béo phì ở người trẻ tuổi có thể gây ra những hậu quả nghiêm trọng về thể chất, từ việc tăng nguy cơ mắc các bệnh tim mạch đến sự phát triển của bệnh tiểu đường, ung thư... Khi béo phì, người trẻ dễ mắc các vấn đề tâm lý như stress, tự ti, lòng tự trọng thấp, lâu dần cô lập với xã hội và khả năng mắc các chứng rối loạn sức khỏe tâm thần cao hơn.

Mặt khác, PGS.TS Nguyễn Duy Thịnh, Viện Công nghệ Sinh học và Thực phẩm, Đại học Bách khoa Hà Nội, cho rằng nguy hiểm nhất là thái độ chủ quan, sống thiếu khoa học ở người trẻ, dù biết điều này không tốt cho sức khỏe. Trong đó, nhiều người không khám sức khỏe định kỳ, hoặc cho rằng có sức khỏe nên ăn uống sinh hoạt "vô tội vạ", đến lúc nhập viện cấp cứu mới biết bản thân có bệnh.

"Guồng quay công việc cuộc sống hối hả cuốn mọi người, sau đó lại dùng chính tiền bạc đó để mua lại sức khỏe, thậm chí trả giá bằng cả tính mạng", PGS Thịnh nói.

Như trường hợp cô gái mới 20 tuổi bỗng dưng mệt mỏi, da xanh xao, sút cân, rồi bàng hoàng khi được bác sĩ chẩn đoán men gan cao gấp 12 lần bình thường, suy thận, phải lọc máu cấp cứu tại Bệnh viện Bạch Mai. Bác sĩ điều trị cho biết cô thường xuyên thức khuya, hầu như ngày nào cũng uống rượu, sinh hoạt thất thường.

Hoặc nam bệnh nhân 24 tuổi, cao 1,83 m, nặng 170 kg do thói quen ăn uống và sinh hoạt. Đi khám, bác sĩ chẩn đoán tiền đái tháo đường, cao huyết áp, rối loạn chuyển hóa, hô hấp, giấc ngủ, gan nhiễm mỡ, thoái hóa khớp và một số bệnh liên quan rối loạn tình dục. Anh còn không thể cúi xuống vì bị thoái hóa đốt sống lưng.

"Nhìn bệnh án cứ tưởng một người trung niên, thực chất lại là chàng trai ở tuổi lẽ ra phải khỏe mạnh nhất, bị ví như cục mỡ di động", người bệnh nói.

Stress, áp lực cuộc sống khiến sức khỏe tinh thần sa sút. Ảnh: Theo Fenews

Để phòng bệnh và ngăn lão hóa sớm, các chuyên gia khuyến cáo người trẻ cần thay đổi lối sống, tăng cường hoạt động thể chất, ăn uống phù hợp, sử dụng thực phẩm có nguồn gốc, xuất xứ rõ ràng. Tránh những yếu tố độc hại, gây ung thư chắc chắn như khói thuốc lá, không khí ô nhiễm, hóa chất...

Duy trì thói quen thức ngủ đúng giờ hàng ngày, đảm bảo môi trường yên tĩnh. Hạn chế sử dụng thiết bị điện tử ít nhất 30 phút trước khi đi ngủ, đọc sách, nghe nhạc nhẹ, tắm nước ấm, tập thể dục đều đặn.

Người trẻ cũng cần thăm khám sức khỏe định kỳ, từ đó được chẩn đoán hoặc tư vấn và phòng bệnh đúng cách hơn. Người có tiền sử viêm đại tràng, dạ dày mạn tính, trong gia đình có người thân từng mắc ung thư đường tiêu hóa (thực quản, dạ dày, đại trực tràng), hoặc có triệu chứng sụt cân không rõ lý do, táo bón, đầy bụng, đi tiểu và đại tiện ra máu, ói ra máu... nên đi khám ngay để tầm soát, phát hiện và điều trị kịp thời.

Người từng bị đột quỵ cần tuân thủ chỉ định thăm khám, điều trị, không ngưng hay bỏ thuốc giữa chừng. Không sử dụng thực phẩm chức năng thay thế thuốc điều trị.

Thùy An - Mỹ Ý

*Tên nhân vật được thay đổi

Thông tin

Tổng hợp tin tự động tinmoi-247.com (r) © 2020