Bưu tá Bưu điện trung tâm Sài Gòn (quận 1, TP.HCM) “chạy đua” với hàng trăm đơn hàng mỗi ngày vào dịp gần Tết - Ảnh: A.L.
Không chỉ đối mặt với áp lực thời gian, họ còn phải nghĩ ra những cách thức giao hàng sáng tạo để đảm bảo dịch vụ trong mùa cao điểm Tết. Đằng sau những chuyến hàng tất bật là câu chuyện mưu sinh đầy nỗ lực của những người giao hàng trên đường phố.
Báo cáo của Google, Temasek & Bain ghi nhận có hơn 61 triệu người Việt mua sắm online năm 2024 chủ yếu tại các đô thị lớn như Hà Nội, TP.HCM, Đà Nẵng. Với hơn một nửa dân số mua hàng online, hàng triệu cá nhân kinh doanh mà không cần mở cửa hàng... thúc đẩy thị trường chuyển phát nhanh, vận chuyển tại Việt Nam phát triển mạnh, nhất là vào dịp Tết.
Thị trường quà Tết không chỉ đơn thuần là bán sản phẩm mà đi kèm dịch là vụ đóng gói, vận chuyển chuyên nghiệp. Lượng mua sắm ngày Tết tăng cao, cộng với nhu cầu vận chuyển nhanh, đảm bảo giúp dịch vụ ngành logistics "hốt đậm" ngày Tết.
Đơn tăng, shipper "chật" phố
Những ngày cận Tết 2025, hình ảnh shipper tất bật giao hàng tại các TP lớn đã trở thành khung cảnh quen thuộc, phản ánh nhu cầu mua sắm trực tuyến và vận chuyển hàng Tết tăng cao chưa từng thấy.
Theo dự báo của nền tảng phân tích Metric, tổng doanh số trên năm sàn thương mại điện tử hàng đầu (Shopee, Lazada, TikTok Shop, Tiki, Sendo) sẽ đạt gần 81.000 tỉ đồng trong quý 4-2024, với 870 triệu sản phẩm được bán ra. Mức tăng trưởng trong các tháng 10, 11, 12 lần lượt đạt 10%, 20% và 35% so với cùng kỳ năm trước.
Anh Nguyễn Thanh Nam, shipper gốc Quảng Ngãi đang làm việc tại TP.HCM từ sau đợt dịch COVID-19, cho biết lượng đơn hàng từ đầu tháng chạp đã tăng gấp ba lần ngày thường với hơn 400 đơn mỗi ngày. "Sáng 5h tôi phải ra khỏi nhà, khuya gần 11h đêm mới về tới nhà vì lượng hàng Tết tăng gấp ba ngày thường. Giao hàng tất bật ngoài đường, nếu không sẽ không hoàn thiện đơn cần giao trong một ngày. Tuy vất vả nhưng thu nhập tăng", anh Nam chia sẻ.
Để đối phó với áp lực công việc, nhiều shipper đã nghĩ ra các giải pháp sáng tạo. Điển hình như anh Nguyễn Phi Hùng ở quận Bình Thạnh đã áp dụng phương thức giao hàng mới bằng cách gom các đơn cùng địa chỉ và mời khách đến nhận một lần.
"Dịp Tết giao hàng kiểu từng người một thì không biết bao giờ. Mỗi nơi hàng chục đơn, giao xong nơi này tôi gom chục đơn giao nơi khác. Khách nhận chỉ cần đọc ba số cuối điện thoại là xong. Mỗi ngày trừ hết chi phí, thu nhập khoảng 700.000 - 800.000 đồng", anh Hùng nói.
Đối với các đơn hàng doanh nghiệp quy mô lớn, như trường hợp giao 5.000 suất quà đến hàng trăm địa điểm trên toàn quốc, các công ty logistics chuyên nghiệp đang nắm lợi thế với khả năng đáp ứng và mức giá cạnh tranh.
Cước phí được tính theo khu vực, từ 20.000 đồng cho giao hàng nội thành dưới 3kg, tăng lên 30.000 đồng cho các huyện xã và dao động 40.000 - 50.000 đồng/kg cho giao hàng liên tỉnh. Một số hợp đồng vận chuyển lớn có thể đạt giá trị gần tỉ đồng.
Tại Bưu điện trung tâm Sài Gòn, ông Trương Thành Long - trưởng phòng kinh doanh - cho biết lượng khách giao dịch đã tăng 20% so với ngày thường. Để đáp ứng nhu cầu, bưu điện sẽ hoạt động đến hết 28 tháng chạp.
Các dịch vụ được sử dụng nhiều nhất là gửi quà Tết, thư chúc mừng và lịch làm quà tặng doanh nghiệp. Đặc biệt dịch vụ gửi quốc tế các mặt hàng đặc sản và đồ khô truyền thống sang các thị trường như Mỹ, Hàn Quốc và Đài Loan cũng ghi nhận sự tăng trưởng đáng kể.
Sự tăng trưởng mạnh mẽ này một phần do Tết Ất Tỵ đến sớm (29-1-2025), khiến nhu cầu mua sắm tập trung vào cuối tháng 11 và tháng 12-2024, dẫn đến doanh số trên các sàn thương mại điện tử tăng đột biến trong giai đoạn này.
Shipper tất bật hơn với các đơn hàng cho những ngày lễ Tết - Ảnh: T.T.D.
Cơ hội lớn nhưng cũng "rất chua"
Thị trường thương mại điện tử Việt Nam đang ghi nhận bước phát triển mạnh mẽ với mức tăng trưởng gần 20% về doanh thu từ các giao dịch B2C trong năm 2024. Theo báo cáo của Bộ Công Thương, thị trường này dự kiến đạt mốc 25 tỉ USD trong năm 2025. Song hành với tiềm năng to lớn này là cuộc cạnh tranh khốc liệt giữa các doanh nghiệp dịch vụ vận chuyển, đặc biệt trong giai đoạn cao điểm Tết Nguyên đán.
Ông Phan Đình Quân, giám đốc Công ty TNHH EZ Shipping (Hà Nội), nhận định xu hướng mua sắm online tăng mạnh trong những năm gần đây đã tạo ra cơ hội vàng cho các doanh nghiệp vận chuyển. Tuy nhiên cơ hội này cũng đi kèm với những thách thức không nhỏ. Thực tế cho thấy vào dịp Tết, lượng đơn hàng có thể lên đến hàng triệu, dẫn đến tình trạng hàng hóa dồn ứ, gây áp lực lớn lên việc đảm bảo chất lượng dịch vụ.
Để đối phó với tình trạng này, ông Quân đề xuất giải pháp "không tham" - tức là doanh nghiệp cần căn cứ vào năng lực nhân sự để quyết định số lượng đơn nhận, thậm chí tạm ngừng nhận đơn ở một số khu vực xa.
Đồng thời các đơn vị cần tăng cường xử lý đơn hàng cả ngày lẫn đêm để giải quyết "núi" hàng hiện có trước khi nhận thêm đơn mới. Đối với các đơn hàng gửi sát Tết, doanh nghiệp cần thông báo rõ về khả năng phải lưu kho và giao sau Tết.
Từ góc độ người trực tiếp giao hàng, anh Nguyễn Văn Đức - nhân viên Viettel Post tại TP.HCM - chia sẻ về áp lực trong môi trường cạnh tranh gay gắt. Với số lượng đơn hàng có thể đạt 2-3 triệu mỗi ngày trong dịp Tết, việc ứng dụng công nghệ trong quản lý và vận hành trở nên cấp thiết.
Các giải pháp công nghệ như hệ thống chia chọn thông minh, định tuyến đường thông minh giúp tăng hiệu suất gấp đôi và giảm tỉ lệ sót đơn hàng. Mặc dù áp lực công việc tăng cao nhưng thu nhập của nhân viên giao hàng cũng tăng khoảng 50% so với ngày thường.
Theo góc nhìn chuyên môn từ giảng viên ngành logistics và quản lý chuỗi cung ứng (Trường ĐH Hàng hải Việt Nam), trong bối cảnh thị trường vận chuyển ngày càng đa dạng, người tiêu dùng cần cân nhắc kỹ lưỡng khi lựa chọn đơn vị vận chuyển.
Các yếu tố cần xem xét bao gồm chi phí vận chuyển, tốc độ giao hàng, thái độ phục vụ của nhân viên, chính sách hỗ trợ giao hàng nhiều lần và phí thu hộ. Việc lựa chọn cẩn thận sẽ giúp giảm thiểu các rủi ro như giao hàng trễ, nhầm lẫn, thất lạc hoặc hư hỏng trong quá trình vận chuyển, đặc biệt trong thời điểm nhạy cảm như dịp Tết.
"Ám ảnh" tìm shipper giao hàng cận Tết
Đối lập với niềm vui "nổ" đơn của chủ cửa hàng là sự hồi hộp lo lắng vì không biết khi nào shipper sẽ đến lấy và giao cho khách. Đó là "ám ảnh" chung mà nhiều đơn vị kinh doanh chia sẻ.
Bán hàng thực phẩm làm sẵn của năm, chị Nguyễn Thị Mai (quận 1, TP.HCM) cho biết mặc dù biết các đơn vị vận chuyển gặp tình trạng quá tải trong dịp cuối năm nhưng không thể từ chối không bán, không chuyển hàng cho khách.
"Mà nếu bán thì trông ngóng shipper muốn... dài cổ. Đó là chưa kể có xác nhận có shipper rồi mà đơn vị giao hàng không thể lấy đúng giờ do quá tải, giao trễ có khách trả lại. Mình mất tiền phí, hàng hỏng... tính ra không có lời mà áp lực", chị Mai giãi bày.
Dịch vụ gửi quà Tết ra nước ngoài kín đơn, doanh thu ổn
Dịch vụ chuyển phát nhanh quà Tết đi nước ngoài đang chứng kiến sự tăng giá đáng kể từ cuối tháng 10-2024. Nhiều khách hàng đã chủ động gửi sớm quà Tết truyền thống cho người thân ở nước ngoài, tuy nhiên vẫn phải đối mặt với việc tăng cước phí và thời gian giao hàng kéo dài hơn thông thường.
Điển hình như trường hợp chị Diễm Hương ở quận Gò Vấp, TP.HCM gửi bánh kẹo, mứt Tết cho người thân tại Mỹ. So với ngày thường, cước phí cho thùng hàng 7kg đã tăng từ 3,5 triệu đồng lên gần 5 triệu đồng, trong khi thời gian giao hàng kéo dài từ một tuần lên 15-20 ngày.
Theo giải thích từ ông N.V.T. - đại diện một công ty chuyển phát nhanh tại quận Tân Bình, việc tăng giá trong mùa cao điểm xuất phát từ nhiều yếu tố như tình hình chính trị bất ổn, chi phí bảo hiểm đơn hàng và làm bill tăng. Tuy nhiên ông cũng cho biết doanh thu trong giai đoạn này khá tốt, bù đắp được những tháng trầm lắng trong năm. Dù giá cao, nhiều khách hàng vẫn ưu tiên chọn các dịch vụ uy tín để đảm bảo quà Tết đến tay người nhận an toàn.