Cấy điện ốc tai điện tử cho bệnh nhân tại Bệnh viện Tai mũi họng TP.HCM - Ảnh: BVCC
Ngày 16-12, Bệnh viện Tai mũi họng TP.HCM đã tổ chức hội nghị khoa học kỹ thuật: "Phát triển kỹ thuật chuyên sâu tai mũi họng" tại TP.HCM.
Theo ông Lê Trần Quang Minh - giám đốc Bệnh viện Tai mũi họng TP.HCM, sau 23 năm triển khai kỹ thuật cấy ốc tai điện tử, bệnh viện đã phẫu thuật được cho hơn 670 ca.
Bệnh nhân nhỏ tuổi nhất được cấy ốc tai điện tử tại bệnh viện là 14 tháng tuổi và bệnh nhân lớn tuổi nhất là 61 tuổi.
Đa số, bệnh nhân được thực hiện kỹ thuật này đều giao tiếp tốt sau 2-3 năm được phẫu thuật, tức là bệnh nhân đều nghe, nói được.
"Nghe kém là một trong những khiếm khuyết về mặt giác quan thường gặp nhất, ảnh hưởng rất nhiều tới khả năng hòa nhập cuộc sống của bệnh nhân.
Đặc biệt ở trẻ em, những trẻ em nghe kém ở mức độ nặng, nếu không được hỗ trợ sức nghe đầy đủ, ngôn ngữ và trí tuệ sẽ không phát triển, trở thành gánh nặng lớn cho gia đình và xã hội", ông Minh cho hay.
Theo ông, có rất nhiều thiết bị hỗ trợ công tác phục hồi chức năng nghe kém cho cả người lớn và trẻ em. Tùy thuộc mức độ nghe kém, dạng nghe kém sẽ có những thiết bị hỗ trợ nghe khác nhau như máy trợ thính, thiết bị cấy ghép đường xương, máy trợ thính đường xương, ốc tai điện tử...
Ông Minh nhấn mạnh cấy điện ốc tai điện tử đã giúp cho người lớn tham gia lao động lại được, còn ở trẻ em đã có những thay đổi hẳn trong tương lai. Trẻ có thể tự học tập, làm việc, nuôi sống bản thân, không còn là gánh nặng của gia đình, xã hội.
Cấy điện ốc tai cũng có một tỉ lệ bị biến chứng, nhưng nếu được thực hiện ở các bệnh viện lớn với các phẫu thuật viên nhiều kinh nghiệm thì tỉ lệ này là rất thấp.