Nghiên cứu trên Circulation, tạp chí hàng đầu của Hiệp hội Tim mạch Mỹ, báo cáo số ca tử vong do tim tại nước này xảy ra vào 25 và 26/12 nhiều hơn bất kỳ ngày nào trong năm.
Nghiên cứu khác của Tạp chí Y khoa Anh, thực hiện tại Thụy Điển, cũng chỉ ra rằng tổng số ca đau tim trong kỳ nghỉ đông đã tăng 15%. Các chuyên gia đặc biệt lưu ý ca bệnh tăng 37% vào ngày 24/12 (đêm Giáng sinh), đạt đỉnh lúc 22h, xảy ra thường xuyên hơn ở những người trên 75 tuổi, người mắc bệnh tiểu đường và bệnh tim mạch trước đó.
"Không ai muốn nghĩ đến bi kịch trong khoảng thời gian vui vẻ của năm, khi chúng ta quây quần bên gia đình và bạn bè. Tuy nhiên, các con số này thật đáng lo ngại", bác sĩ lâm sàng Johanna Contreras, Hiệp hội Tim mạch Mỹ, cho biết.
Theo ông, thời tiết mùa đông làm tăng nguy cơ đau tim, do lưu lượng máu bị hạn chế, các động mạch có thể co lại ở nhiệt độ lạnh. Những ngày nghỉ lễ cũng khiến nhiều người căng thẳng vì họp mặt gia đình và ăn uống quá mức. Theo Contreras, một trong những yếu tố quan trọng nhất dẫn đến đau tim hoặc đột quỵ là mọi người bỏ qua các dấu hiệu cảnh báo, triệu chứng quan trọng.
Sự phấn khích xung quanh những ngày nghỉ lễ có thể khiến mọi người ngó lơ biểu hiện đau tim hoặc cao huyết áp. Trong những ngày này, người bệnh ít có xu hướng đến bệnh viện.
Minh họa một người có biểu hiện đau tim. Ảnh: Freepik
Tất cả yếu tố này kết hợp với nhau gây ra hiện tượng "hội chứng tim mạch kỳ nghỉ". Hàng năm, trong kỳ nghỉ lễ, hàng triệu người đột ngột thay đổi thói quen ăn uống. Đối với nhiều người, đồ ăn mùa lễ hội và các buổi họp mặt giao lưu là phần không thể thiếu ở thời điểm cuối năm. Tuy nhiên, quan điểm cho rằng đây là thời gian để buông thả sẽ gây hại về lâu dài, đặc biệt đối với những người có sẵn các vấn đề tim mạch.
Hội chứng tim mạch kỳ nghỉ lễ thường liên quan đến việc tiêu thụ rượu, gây ra nhịp tim không đều, còn gọi là rung tâm nhĩ. Căng thẳng, mất nước, ăn quá nhiều thực phẩm giàu chất béo hoặc mặn cũng gây chứng loạn nhịp tim ở một số người, làm tăng nguy cơ như đau tim, đột quỵ.
Thực tế, thuật ngữ "hội chứng tim mạch kỳ nghỉ" được tiến sĩ Philip Ettinger đặt ra vào năm 1978, sau khi ông tìm thấy mối liên hệ giữa chứng loạn nhịp tim và thói quen uống rượu say, đặc biệt là những ngày cuối tuần và ngày lễ.
Ca tử vong đầu tiên được báo cáo trong một nghiên cứu năm 2004 trên tạp chí Circulation. Trong đó, các nhà nghiên cứu xác định suốt kỳ nghỉ đông, tỷ lệ tử vong do tim tăng khoảng 4,65%.
Để giảm nguy cơ đau tim và mắc các bệnh tim mạch trong kỳ nghỉ lễ, chuyên gia khuyến nghị nhận biết sớm các triệu chứng đau tim, ăn uống điều độ trong kỳ nghỉ, dành thời gian chăm sóc bản thân, vận động thường xuyên, tuân thủ lịch uống thuốc nếu có bệnh nền.
Thục Linh (Theo Spotlight News, News Room)