Thời gian đi ngủ trung bình của người Mỹ là 23h39, song chuyên gia dinh dưỡng Kate Booker cho rằng mọi người nên ngủ sớm hơn nhiều. Theo bà, giấc ngủ chất lượng nhất bắt đầu từ 22h trở đi.
"Thời gian ngủ lúc 22h là tối ưu, vì bạn sẽ dành nhiều thời gian cho giấc ngủ sâu trong nửa đầu của buổi đêm. Sau đó, các chu kỳ ngủ diễn ra ngắn hơn, lúc này bạn tiến vào giấc ngủ REM (rabbit eye movement - giai đoạn mơ)", tiến sĩ Booker nói.
Giấc ngủ sâu, còn được gọi là giấc ngủ sóng chậm (SWS) kéo dài khoảng 20 đến 40 phút, diễn ra trước giấc ngủ REM. Các chuyên gia nhận định đây là giai đoạn rất quan trọng cho sự phục hồi và phát triển của cơ thể, giúp tăng cường hệ miễn dịch và tái tạo tế bào, củng cố cơ bắp và xương, làm chậm hoạt động của não và giảm huyết áp.
Giấc ngủ sâu có xu hướng đến sớm hơn vào ban đêm. Booker cho biết thời gian nghỉ ngơi tốt nhất là từ 22h đến 2h sáng; do đó, ngủ sớm có thể khiến chất lượng giấc ngủ cao hơn.
"80% hormone tăng trưởng của con người được sản xuất trong khoảng thời gian từ 22h đến 2h sáng. Đây là loại hormone giúp tăng cường khả năng miễn dịch, sửa chữa collagen, đốt mỡ và tái tạo các mô. Chúng ta cần tận dụng tối đa điều này cho sức khỏe", Booker nói.
Minh họa một người đang ngủ. Ảnh: Pexel
Ngoài việc chống lão hóa, nghiên cứu gần đây chỉ ra rằng ngủ sâu, ngủ sớm còn có thể ngăn ngừa bệnh Alzheimer. Các chuyên gia phát hiện nhóm bệnh nhân giảm 1% thời lượng ngủ sâu mỗi năm có nguy cơ mắc chứng mất trí nhớ cao hơn 27% so với những người ngủ sâu đầy đủ.
Chất lượng giấc ngủ cũng liên quan đến sức khỏe tim mạch. Các chuyên gia khuyến nghị người lớn nên ngủ đủ 7 đến 9 tiếng mỗi đêm.
Nghiên cứu gần đây cho thấy việc đi ngủ trước 1h sáng có thể làm giảm nguy cơ phát triển các tình trạng tâm thần như trầm cảm và lo âu. Ngoài ra, ngủ sớm hơn vào ban đêm sẽ điều chỉnh chu kỳ giấc ngủ phù hợp với nhịp sinh học tự nhiên, dựa trên bóng tối và ánh sáng.
Thời gian cơ thể đạt được trạng thái nghỉ ngơi được gọi là "thời gian ngủ". Các chuyên gia ước đoán thời lượng ngủ lý tưởng của mỗi người khác nhau, tuy nhiên tất cả đều đồng ý rằng việc ngủ quá nhanh hoặc quá chậm đều có thể gây trạng thái lo âu.
Để có giấc ngủ ngon hơn, các chuyên gia khuyên mọi người sử dụng rèm cản sáng và máy lọc không khí trong phòng ngủ, hạn chế thời gian sử dụng thiết bị thông minh và bổ sung magie glycinate. Các biện pháp bổ sung bao gồm tập thể dục buổi tối, ăn chế độ giàu trái cây và rau xanh.
Thục Linh (Theo NY Post)