Chuyên mục  


gian-du-gay-hai-cho-suc-khoe-mach-mau--17146168083811561977418.jpeg

Sự tức giận gây ảnh hưởng xấu đến sức khỏe mạch máu - Ảnh: Discover Magazine

Theo CNN, một nghiên cứu đăng trên tạp chí của Hiệp hội Tim mạch Hoa Kỳ cho thấy những cơn giận dữ gây ảnh hưởng xấu đến sức khỏe mạch máu.

Mối liên hệ giữa giận dữ và sức khỏe

Trong thử nghiệm ngẫu nhiên, 280 người tham gia được giao nhiệm vụ nhớ lại cảm giác tức giận, buồn bã, lo lắng hoặc trung lập trong 8 phút. Trước và vài lần sau khi thực hiện nhiệm vụ, các nhà nghiên cứu đã đo sức khỏe mạch máu của từng người.

Tác giả chính của nghiên cứu, tiến sĩ Daichi Shimbo, giáo sư y khoa tại khoa tim mạch Đại học Columbia (Mỹ), chia sẻ: "Trước đây đã có một số nghiên cứu cho thấy mối liên hệ giữa cảm giác tức giận, lo lắng và buồn bã với nguy cơ mắc bệnh tim trong tương lai".

Ông Shimbo cho biết so với cảm giác trung lập, khi người tham gia nghiên cứu nhớ lại cảm giác buồn bã và lo lắng, họ không thể hiện sự thay đổi đáng kể trên thang đo. Tuy nhiên, sự tức giận thì có.

"Có vẻ như những tác động bất lợi của sự tức giận lên sức khỏe và bệnh tật là do những tác động mà nó gây ra cho sức khỏe mạch máu", ông giải thích.

Tiến sĩ Joe Ebinger, phó giáo sư tim mạch và giám đốc phân tích lâm sàng của Viện Tim Smidt ở thành phố Los Angeles, nói thêm mặc dù không phải là nghiên cứu đầu tiên chỉ ra mối liên hệ giữa cảm xúc và tác động lên tim mạch, nghiên cứu này đã lý giải rõ hơn về cách thức hoạt động của mối liên hệ.

"Nghiên cứu đã thực sự chỉ ra những thay đổi trong mạch máu, xảy ra một cách sâu sắc để đáp ứng với những cảm xúc mà chúng ta đang cảm nhận", ông chia sẻ.

Tức giận ảnh hưởng thế nào đến mạch máu?

Tiến sĩ Shimbo cho biết các nhà nghiên cứu đã quan sát thấy ba cách chính mà sự tức giận ảnh hưởng đến sức khỏe mạch máu.

Đầu tiên, tức giận khiến các mạch máu khó giãn ra hơn để đáp ứng với tình trạng thiếu máu cục bộ, hoặc bị hạn chế. Sự tức giận cũng ảnh hưởng đến dấu ấn tế bào của các tổn thương và khả năng tự sửa chữa của chúng.

Ông cho biết sau nhiệm vụ trong 8 phút nhằm khơi dậy sự tức giận, các tác động lên mạch máu được quan sát thấy kéo dài trong tối đa 40 phút. Điều này nghe không tệ lắm, nhưng Shimbo nhấn mạnh chúng ta cần lo ngại về hiệu ứng tích lũy sau mỗi lần giận dữ.

"Chúng tôi suy đoán, nếu bạn liên tục tức giận, bạn đang làm suy yếu mạch máu của mình mãn tính. Chúng tôi không nghiên cứu điều này, nhưng đoán rằng những lần tức giận có thể tạo ra tác động bất lợi mãn tính đối với mạch máu", ông nói thêm.

Xử lý cơn giận ra sao?

Tiến sĩ Ebinger nói tức giận là một cảm xúc của con người, bạn không thể và không nên tránh né cảm xúc này. Còn theo tiến sĩ Brett Ford - phó giáo sư tâm lý học tại Đại học Toronto Scarborough, cách tiếp cận tốt nhất là học cách xử lý cảm giác tức giận mà không để nó "mưng mủ".

Hãy tự hỏi: "Điều gì có thể cản trở năng lượng hoặc suy nghĩ của bạn? Bạn đang bảo vệ bản thân khỏi điều gì? Bạn đang cần gì mà không được đáp ứng?" - Deborah Asway, người cố vấn sức khỏe tâm thần lâm sàng khuyến nghị. "Và khi bạn nhận thức được những điều này, bạn sẽ kiểm soát được cơn giận. Cơn giận sẽ không còn kiểm soát bạn nữa", cô nói.

Bên cạnh đó, tiến sĩ Shimbo nói rằng nghiên cứu mới nhất về việc sự tức giận ảnh hưởng đến cơ thể như thế nào có thể khuyến khích những người liên tục giận dữ hãy tìm kiếm các liệu pháp hành vi. Có thể có nhiều cách, chẳng hạn như tập thể dục hoặc dùng thuốc, để điều trị những tác động bất lợi của sự tức giận lên mạch máu.

"Tất cả chúng ta đều sẽ trải qua sự tức giận nhưng hãy tìm cách để vừa kiểm soát, vừa giảm thiểu sự tức giận, thay vì phủ nhận nó", ông Ebinger nói thêm.

Thông tin

Tổng hợp tin tự động tinmoi-247.com (r) © 2020