Cận cảnh một dĩa cơm sườn, chả, trứng ốp la của quán cơm tấm bãi rác có giá 85.000 đồng - Ảnh: TÔ CƯỜNG
Chắc hẳn người dân sống lâu năm ở TP.HCM, đặc biệt là dân ghiền cơm tấm đã không còn xa lạ gì với cái tên cơm tấm bãi rác trứ danh quận 4.
Không bảng hiệu, nằm khuất sau lưng chợ Xóm Chiếu nhưng càng về khuya, quán càng đông khách. Gia đình bà Bảy đã bán ở đây ngót nghét gần 30 năm, từ bao giờ đã trở thành một trong những "ông hoàng" cơm tấm đêm tại đất này.
Minh oan cho cái tên cơm tấm bãi rác
Với những độc giả chưa biết đến danh tiếng của cơm bãi rác, xưa kia quán nằm ngay trước cổng chợ Xóm Chiếu, ngay sát điểm tập kết rác của bà con tiểu thương chợ nên lâu dần đã có cái tên "yêu thương" các quan khách đặt cho là cơm tấm bãi rác.
Tuy vậy, kể từ khi chuyển ra sau chợ nhiều năm trước, khách ghé quán đã không còn phải chịu cảnh vừa ăn vừa ngửi mùi từ bãi rác bên cạnh, quán của bà Bảy giờ đây có tên chính thức là cơm tấm 73 vì nằm trước số nhà 73 Lê Văn Linh (phường 13, quận 4).
Nhìn "giao diện" quán như thế này, chắc chắn thực khách bình thường cũng ngại vào ăn - Ảnh: TÔ CƯỜNG
Tuổi Trẻ Online ghé cơm tấm bãi rác khét tiếng sau một cơn mưa đầu mùa, lại đúng vào "cao điểm" tập kết rác lúc tan tầm nhưng khi ngồi ăn không hề ngửi thấy mùi hôi như trong tưởng tượng.
Quán nằm trên vỉa hè rộng, được quét dọn gọn gàng, tủ đựng đồ ăn cũng đã có màng kính che chứ không còn chưng ra hết trên bàn như trước dịch COVID-19.
Họa chăng chỉ có một ít mùi hôi đặc trưng của một khu chợ thoang thoảng hay mùi thịt sống từ hàng thịt ngay trước quán, vẫn chưa xứng với cái tên hãi hùng mà cư dân ở đây đặt cho.
Tất nhiên, nếu chỉ có mỗi cái danh "bãi rác" thì quán không thể nổi tiếng như vậy, hương vị của quán cũng là một thương hiệu khiến cho nơi đây không bao giờ vắng khách.
Những món ăn đa dạng tại tiệm: từ sườn non, sườn cây, tai heo, trứng, ba chỉ quay, gà rán, xúc xích, mực nhồi… cho đến rau luộc, đồ xào vô cùng phong phú - Ảnh: TÔ CƯỜNG
Theo lời bà Bảy thì những món ăn này gia đình bà nêm nếm theo công thức riêng "chuẩn cơm nhà làm", tuy đắt khách nhưng thức ăn không bao giờ làm quá nhiều vì sợ để lâu mất đi hương vị.
Thực đơn của quán có rất nhiều món đa dạng từ sườn non, sườn cây, tai heo, trứng, ba chỉ quay, gà rán, xúc xích...
Trong đó, theo lời các thực khách tại đây thì ngon nhất là món cơm sườn bì chả trứng truyền thống và mực nhồi thịt.
Theo ghi nhận của phóng viên, hạt cơm ở đây nấu bằng hạt tấm vỡ, quả trứng ốp la chiên với tiêu chí quả nào cũng phải có lòng đỏ vẫn còn lỏng.
Miếng sườn thì được ướp theo công thức riêng chứ không dùng xốt BBQ bán sẵn, khiến hương vị cũng tách biệt so với những quán cơm còn lại.
Miếng sườn và nước mắm chính là con "át chủ bài" khiến cho tiệm cơm bãi rác có được vị thế như ngày nay - Ảnh: TÔ CƯỜNG
Cấu trúc của thịt mềm mềm, dễ xắn, không bị quá ngọt, đúng như lời bà chủ nói, thịt chỉ mới nướng, vị cháy vẫn thoang thoảng, thớ thịt vẫn còn độ ẩm và miếng thịt không hề bị cứng lại.
Món nước mắm của cơm tấm bãi rác cũng không keo keo như những quán cơm tấm thường thấy mà hơi lỏng, vị mắm xen lẫn với vị chua ngọt của cà chua hoặc dứa khá đặc trưng.
Nhìn chung, đây là một dĩa cơm tấm Sài Gòn kinh điển, hầu hết những yếu tố cần đáp ứng của món ăn trứ danh này đều "chuẩn chỉnh". Tuy vậy, phần cơm lại khá ít, khi trộn với mỡ hành, lòng đỏ trứng dễ bị ngán, đồ ăn thì lại rất nhiều.
Dĩa cơm mực nhồi thịt của tiệm, có giá 110.000 đồng - Ảnh: TÔ CƯỜNG
Theo chị Nguyễn Hoàng Quỳnh Chi (23 tuổi), người lần đầu trải nghiệm quán cơm tấm bãi rác:
"Mình hơi thất vọng về dĩa cơm mực được đánh giá là ngon nhất quán, tuy con mực nhồi rất nhiều thịt bên trong nhưng phần mực ở ngoài lại hơi khô, thịt nhồi cũng mất đi độ ẩm, cảm tưởng như đã để hơi lâu".
Chủ quán với biệt danh chợ búa - bà Bảy "lưỡi lam"
Điểm gây tranh cãi nhất về quán cơm của bà Bảy chắc chắn là về mức giá "trên trời" của quán.
Hai dĩa cơm kể trên có giá tổng cộng 195.000 đồng, trong đó dĩa mực nhồi thịt có giá 110.000 đồng, dĩa cơm sườn chả trứng ốp la thì 85.000 đồng, đấy là còn chưa gọi thêm trà đá, khăn hay cơm thêm mà giá gấp đôi, thậm chí gấp ba những hàng ăn khác.
Chân dung bà Bảy "lưỡi lam", đã bán cơm cùng gia đình gần 30 năm ở đất Sài thành - Ảnh: TÔ CƯỜNG
Được biết, mỗi món ăn bày sau quầy đều đã có một mức giá riêng, tuy vậy quán lại không có thực đơn báo giá cụ thể, những lúc đông khách khó hỏi giá từng món vậy nên đã xảy ra nhiều trường hợp khách vãng lai đến quán rồi "té ngửa" khi tính tiền.
Theo lời kể của anh Nguyễn Hoàng Minh (25 tuổi), lần đầu tiên anh được bố mẹ dẫn đi ăn ở đây thì anh vẫn còn học cấp 1, từ cái hồi tô phở đặc biệt chỉ tầm 20.000 - 30.000 đồng thì dĩa cơm lúc đó đã có giá tầm 60.000 đồng trở lên.
Chính vì mức giá này, chủ quán cũng sắm cho mình cái biệt danh bà Bảy "lưỡi lam", khét tiếng vì quán vỉa hè mà "chém" giá nhà hàng.
Khi mà mạng xã hội như Facebook, TikTok ngày càng phát triển thì danh tiếng của quán cũng được nhiều người biết tới hơn, đồng thời những tranh cãi về quán cơm tấm bãi rác cũng nổ ra qua từng năm tháng không dứt.
Có khách hàng ra sức bênh vực quán ăn họ đã gắn bó nhiều năm, giá có cao cũng là thương hiệu quán gây dựng.
Cũng có người dùng nhận định rằng quán thay đổi nhiều về giá cả, chất lượng, khiến cho những thực khách trung thành cũng vơi đi dần, nhường chỗ cho những khách mới muốn đến trải nghiệm vì biết đến quán qua TikTok, Facebook.
"Cứ lợi dụng viral (trào lưu) rồi mặc sức lên giá, những "tấm chiếu mới" thì cứ mù quáng nghe theo tóp tóp (từ dùng để mỉa mai TikTok) ùn ùn kéo tới bỏ tiền ra ăn món không xứng đáng với giá tiền.
Những anh em trong hội nhóm ghiền cơm tấm thì đã sớm bỏ qua cơm tấm bãi rác vì giá cả và chất lượng không tương xứng, khách đến chỉ ăn cái hư danh" - một người dùng nhận định gay gắt dưới phần bình luận của một video review quán trên YouTube.
Tranh cãi là vậy, quán ăn có cái tên kỳ lạ - cơm tấm bãi rác - vẫn là một địa điểm thường hay lui tới của nhiều cư dân TP.HCM.
Càng về khuya, khách ghé tiệm càng đông, không khí sống động tại đây không khỏi khiến những người ghé thăm TP.HCM trầm trồ vì một nét văn hóa ẩm thực độc đáo của người dân tại nơi được mệnh danh là thành phố không ngủ.