Chuyên mục  


Chiều 16/5, nêu quan điểm luận tội tại phiên phúc thẩm vụ án Việt Á, đại diện VKS đề nghị bác toàn bộ kháng cáo của 11 bị cáo.

Bốn tháng trước, tại phiên tòa sơ thẩm 4 tháng trước, cựu bộ trưởng Y tế Nguyễn Thanh Long bị tuyên 18 năm tù về tội Nhận hối lộ donhận 2,25 triệu USD của Chủ tịch Công ty Cổ phần Công nghệ Việt Á Phan Quốc Việt và tạo điều kiện cho công ty này được lưu hành, bán kit test Covid-19 với giá cao. Cựu bộ trưởng thừa nhận số tiền song phủ nhận "đề nghị, gợi ý".

Tại phiên phúc thẩm, ông Long xin giảm nhẹ hình phạt do đã thành khẩn khai nhận hành vi phạm tội, có nhiều cống hiến trong ngành y, nhiều đề tài nghiên cứu, đào tạo nhiều sinh viên ngành y. Tuy nhiên, VKS không đồng ý với việc này.

Ngoài ông Long, VKS cũng đề nghị HĐXX bác kháng cáo xin giảm hình phạt 29 năm tù của Phan Quốc Việt và 9 bị cáo còn lại do không có căn cứ để xem xét.

Cựu bộ trưởng Y tế Nguyễn Thanh Long đến tòa sáng 16/5. Ảnh: Ngọc Thành

Về phần dân sự, VKS đề nghị tiếp tục phong tỏa, kê biên 52 sổ tiết kiệm trị giá 412 tỷ đồng của bà Đàm Thị Trinh (mẹ Phan Quốc Việt) và hai sổ tiết kiệm 20 tỷ đồng của bà Hồ Thị Thanh Thủy (vợ Phan Quốc Việt). Theo VKS, các sổ tiết kiệm này có nguồn gốc từ tiền bị cáo Việt bán kit test xét nghiệm, hưởng lợi bất chính mà có nên phải tiếp tục phong tỏa để phục vụ thi hành án.

VKS tiếp tục đề nghị bác kháng cáo của đại diện Công ty Việt Á, trong đó có mong muốn gỡ phong tỏa các tài khoản và tài sản của công ty. Trước việc Việt Á đề nghị tòa phúc thẩm tuyên buộc 80 khách hàng còn nợ 788 tỷ đồng phải trả cho doanh nghiệp, VKS cho rằng nội dung này không thuộc nội dung giải quyết của vụ án hình sự. Việt Á có quyền khởi kiện dân sự để yêu cầu khách hàng trả nợ.

Người duy nhất được VKS đề nghị chấp nhận kháng cáo là bà Nguyễn Kiều Oanh (vợ bị cáo Trịnh Thanh Hùng - cựu vụ phó). Bà Oanh được đề nghị hủy bỏ phong tỏa 8 sổ tiết kiệm có giá trị hơn 3 tỷ đồng. Lý do, bị cáo Hùng đã hoàn thành nghĩa vụ khắc phục 100% hậu quả, tổng hơn 8 tỷ đồng.

Sau khi VKS trình bày quan điểm luận tội trên, chiều nay, phiên phúc thẩm tiếp tục phần tranh tụng.

Bị cáo Phan Quốc Việt đến tòa sáng 16/5. Ảnh: Ngọc Thành

Theo án sơ thẩm, thời điểm Covid-19 bùng phát mạnh, nắm bắt chủ trương của Chính phủ về nghiên cứu sinh phẩm phục vụ phòng chống dịch, Việt tìm cách để Việt Á được thực hiện đề tài cùng Học viện Quân y. Việt sau đó biến sản phẩm nghiên cứu do Nhà nước sở hữu thành của công ty.

Việt đã hối lộ một số quan chức bộ ngành, địa phương, tổng 82 tỷ đồng, để Việt Á được Bộ Y tế cấp phép lưu hành, hiệp thương kit test với giá 470.000 đồng (gấp 3 lần quy định). Tính đến trước khi vụ án bị phát giác, Việt Á được nhà nước thanh toán gần 6 triệu kit test, tổng hơn 2.250 tỷ đồng. Từ đó, hơn 1.235 tỷ đồng chênh lệch giữa giá bán và giá sản xuất bị cơ quan điều tra xác định là "hưởng lợi bất chính".

HĐXX cho rằng "một phần nguyên nhân gây ra sai phạm của các bị cáo" do trong khi cả hệ thống phải chống dịch bằng mọi cách thì sinh phẩm, vật tư y tế lại không có nên lâm vào thế "vỡ trận". Thời điểm này, dịch bệnh bùng phát cực kỳ nguy hiểm ở Việt Nam và trên thế giới khiến người dân hoang mang lo sợ.

Tuy nhiên, sai phạm của các bị cáo đã xâm phạm uy tín của cơ quan, tổ chức, làm mất niềm tin trong nhân dân, gây thiệt hại nghiêm trọng cho ngân sách Nhà nước. Hành vi của một số bị cáo là suy thoái tư tưởng, băng hoại đạo đức.

Khi lượng hình, tòa đã cân nhắc đến các tình tiết giảm nhẹ và có chính sách khoan hồng đặc biệt cho các bị cáo "phạm tội khi tham gia chống dịch nhưng không hưởng lợi hoặc hưởng lợi rất ít".

Viết Tuân

Thông tin

Tổng hợp tin tự động tinmoi-247.com (r) © 2020