Chuyên mục  


Thông tin được Ths.BS Hồng Khánh Sơn, Bệnh viện Phục hồi chức năng - Điều trị bệnh nghề nghiệp TP HCM, chia sẻ tại đại hội Hội Thầy thuốc trẻ TP HCM, chiều 27/12. Nghiên cứu thực hiện trên 768 học sinh 15-17 tuổi trường THPT Tạ Quang Bửu, quận 8, trong thời gian từ tháng 3 đến tháng 12/2023.

Vẹo cột sống là chứng rối loạn cột sống phổ biến nhất ở trẻ em và tăng dần theo độ tuổi. Bệnh có thể gây biến dạng cột sống, để lại các biến chứng rất nghiêm trọng và đe dọa sức khỏe, tính mạng người bệnh. Hơn nữa, đây là bệnh lý diễn biến âm thầm, thường kéo dài nhiều năm, đến khi được phát hiện thì góc vẹo đã lớn khiến cho việc phục hồi gặp nhiều hạn chế.

Qua đánh giá lâm sàng, nhóm nghiên cứu ghi nhận 6,4% học sinh nghi ngờ vẹo cột sống. Qua chẩn đoán trên phim Xquang, tỷ lệ này còn 3,5%. Trước đó, khảo sát của Trung tâm Kiểm soát Bệnh tật TP HCM dựa trên báo cáo khám sức khỏe năm học 2019-2020 ghi nhận hơn 2,6% học sinh vẹo cột sống.

Theo bác sĩ Sơn, kết quả phân tích ghi nhận có mối liên quan giữa tình trạng cong vẹo cuộc sống với độ tuổi, phong cách đeo cặp sách khi đi học và việc thường xuyên ngồi học lệch sang bên. Cụ thể, nhóm học sinh 17 tuổi có tỷ lệ mắc vẹo cột sống gấp hơn 5,7% nhóm 15 tuổi.

Nhóm học sinh đeo ba lô ở một vai, hoặc đeo chéo có tỷ lệ mắc bệnh cao gấp hơn 3,2 lần nhóm đeo ba lô hai vai. Những học sinh ít khi ngồi học lệch sang bên giảm 40%, nhóm không ngồi học lệch bên giảm 88% tỷ lệ mắc bệnh so với nhóm thường xuyên ngồi học lệch sang bên.

"Việc đeo túi đeo lệch vai và ngồi học không đúng tư thế đều là các thói quen không lành mạnh dẫn đến tăng tỷ lệ vẹo cột sống ở học sinh, cần được gia đình và trường học quan tâm và giáo dục sức khỏe", bác sĩ nói.

Bác sĩ Bệnh viện Phục hồi chức năng - Điều trị bệnh nghề nghiệp TP HCM khám cột sống cho học sinh. Ảnh: Bệnh viện cung cấp

Khi độ cong cột sống còn nhẹ, bệnh nhân có thể mang nẹp, phục hồi chức năng. Nếu vẹo cột sống quá nặng, các phương pháp bảo tồn gần như không còn tác dụng, đòi hỏi phải phẫu thuật với nhiều rủi ro. Bệnh nặng, đã biến dạng các đốt sống thì không thể hoàn trả lại hình dạng ban đầu.

Để phòng ngừa, học sinh cần thường xuyên tập luyện thể dục thể thao để tăng sự dẻo dai, bền bỉ. Trẻ nhỏ, trẻ trong độ tuổi dậy thì cần bổ sung đầy đủ chất dinh dưỡng, chế độ ăn uống phù hợp chứa protein, chất khoáng, vitamin D, canxi.

Trẻ trong độ tuổi đến trường cần sử dụng bàn ghế ngồi học phù hợp với chiều cao của cơ thể. Luôn điều chỉnh tư thế phù hợp khi học bài. Sử dụng các loại cặp có hai quai để đeo đều hai bên vai khi đi học, tránh tình trạng sử dụng cặp một quai dễ khiến cột sống bị sai lệch vị trí.

Thăm khám định kỳ cơ xương khớp, cột sống thắt lưng. Khi gặp các dấu hiệu cong vẹo cột sống, cần đến thăm khám tại các cơ sở y tế chuyên khoa để điều trị sớm, tránh hậu quả đáng tiếc.

Lê Phương

Thông tin

Tổng hợp tin tự động tinmoi-247.com (r) © 2020