* Bài viết có tiết lộ nội dung phim
The Lion King (1994) là một trong những bộ phim kinh điển của Disney, từng là tuổi thơ của bao thế hệ trẻ em trên toàn thế giới. Trong khi đó, phiên bản remake năm 2019 với công nghệ CGI mới đã mang về cho hãng gần 1,7 tỷ USD. Vì thế mà nhiều người lo lắng Mufasa: The Lion King (Tựa Việt: Mufasa: Vua Sư Tử) khó mà xứng đáng với di sản khổng lồ ấy. Song, tác phẩm của đạo diễn Barry Jenkins đã mang đến một câu chuyện hấp dẫn, cảm xúc và mãn nhãn, xứng tầm với thương hiệu The Lion King.
Taka - Hoàng tử mất ngôi đến phản diện của tuổi thơ bao người
Mufasa: The Lion King bắt đầu khi Mufasa (Aaron Pierre) vẫn còn là một chú sư tử con, cùng cha mẹ mơ ước về vùng đất Pride Lands màu mỡ trong truyền thuyết. Một cơn lũ ập đến khiến cậu bị lạc mất gia đình. Gia đình vua sư tử Obasi (Lennie James) và Eshe (Thandiwe Newton) nhận nuôi Mufasa nhưng chỉ cho phép cậu sống cùng các con cái. Chú sư tử con cũng có người anh em nuôi là Taka (Kelvin Harrison Jr.).
Theo thời gian, Mufasa lớn lên cùng Taka và được Eshe dạy cho những kỹ năng săn mồi. Trong khi đó, Taka lại bị cách giáo dục độc hại của Obasi khiến cho ngày càng hèn nhát, đố kỵ. Biến cố xảy ra khi đàn của họ bị nhóm sư tử khát máu do Kiros (Mads Mikkelsen) tấn công. Mufasa và Taka buộc phải trốn chạy đến vùng đất mới. Những mâu thuẫn giữa họ cũng bắt đầu từ đây.
Tuy nhiên, rõ ràng câu chuyện của Taka khiến khán giả hiểu rõ được câu nói: Không phải ai sinh ra cũng đã là phản diện mà do dòng đời đưa đẩy mới phải thành kẻ ác. Cách giáo dục sai lệch của cha đã khiến suy nghĩ của Taka bị nhúng chàm và sẵn sàng phản bội lại người anh em chí cốt từ nhỏ của mình. Nhưng nếu nhìn theo một hướng khác, Taka cũng đã có những khoảnh khắc thật sự dũng cảm.
Đúng như mẹ Eshe đã nói: Con sẽ có những khoảnh khắc dũng cảm của riêng con. Trong gần 2 tiếng bộ phim, Taka cứu Mufasa đến 3 lần. Từ lần đầu gặp mặt, tới việc nhường chiến thắng trong cuộc thi chạy, và rồi đỡ 1 móng vuốt của Kiros để trực tiếp cứu mạng Mufasa. Taka được mô tả trong tiền truyện này không hề khiến người xem ghét bỏ 100% như ở hậu truyện về Simba.
Câu chuyện cảm xúc về hai anh em
Những ai từng xem qua The Lion King đều biết rằng Mufasa sẽ trở thành vua của Pride Lands còn Scar thì ôm hận với người anh trai rồi gây nên cái chết cảm xúc bậc nhất thế giới hoạt hình. Thế nhưng, những gì xảy ra trước đó đều là một bí ẩn mà đến Mufasa: The Lion King mới có lời giải đáp. Trên thực tế, bộ phim không hề "tẩy trắng" Scar thành một "người tốt" bị hiểu nhầm mà chỉ giải thích lý do Taka hiền lành, dễ thương dần biến thành Scar.
Mufasa và Taka từng là những người anh em thân thiết, sống chết vì nhau. Thế nhưng, mỗi người lại tiếp nhận một cách giáo dục khác nhau. Mufasa được mẹ nuôi dạy cho sự dũng cảm, mạnh mẽ và kỹ năng săn mồi. Taka lại bị cha đầu độc bằng các tư tưởng làm vua phải lười biếng và dối trá. Vì thế mà khi biến cố ập đến, cả hai có sự đối mặt khác nhau.
Trong khi Mufasa ngày một chứng tỏ tố chất thủ lĩnh thì Taka ngày càng ganh tị với anh trai. Để rồi những cảm xúc tiêu cực ấy dần biến thành sự thù hận khi Mufasa trở thành vua - vị trí mà Taka nghĩ rằng lẽ ra phải thuộc về mình. Đạo diễn Barry Jenkins đã rất khéo léo tạo nên sự chuyển biến tâm lý của các nhân vật qua từng thay đổi, từng tình tiết nhỏ. Cuối cùng, người xem hiểu rõ lý do Mufasa trở thành vua, Taka hóa tàn ác mà không hề "sụp đổ hình tượng tuổi thơ".
Xuyên suốt hành trình của hai anh em cũng là những cảnh hành động diễn ra liên tục. Đàn sư tử trắng truy sát Mufasa và Scar không chút ngơi nghỉ. Nhiều phân cảnh chiến đấu và rượt đuổi kịch tính xuất hiện khiến người xem nghẹt thở. Xen kẽ trong đó là những khoảng lặng hài hước để khán giả có thể nghỉ ngơi và giải trí, đồng thời hiểu thêm các nhân vật.
Dàn nhân vật chất lượng không kém cạnh hậu truyện
Kiros xứng đáng là phản diện xịn sò mà Mufasa phải đối mặt để có thể thành vua. Con sư tử trắng không chỉ to lớn, khỏe mạnh hơn rất nhiều mà còn đi kèm với bản tính tàn ác, sẵn sàng ăn thịt chính các thành viên trong đoàn và truy cùng giết tận kẻ thù. Chất giọng của "ông trùm phản diện" Mads Mikkelsen quá phù hợp khi toát lên vẻ rùng rợn, đáng sợ đến ám ảnh.
Những cái tên quen thuộc từ The Lion King như Rafiki (John Kani), Sarabi (Tiffany Boone) và Zazu (Preston Nyman) đều trở lại và có đất diễn riêng để tỏa sáng, đồng thời giải thích luôn được xuất thân của họ. Hóa ra, Sarabi cũng từng là một nàng công chúa phải rời bỏ quê hương. Rafiki thì bị đồng loại tẩy chay vì tính cách khác biệt và muốn tìm một gia đình mới. Hóa ra, cả hội từng có một quá khứ "lẫm liệt" như thế trước The Lion King. Mối tình tay ba của Mufasa và Taka với Sarabi là một tiết lộ thú vị, cũng như làm sâu đậm thêm mối thù của họ. Thậm chí, bộ đôi lầy lội Timon (Billy Eichner) và Pumbaa (Seth Rogen) cũng mang đến không ít tiếng cười khi xuất hiện và thêm thắt nhiều câu thoại hài hước về hành trình của Mufasa.
Phần âm nhạc do Lin-Manuel Miranda thực hiện với nhiều ca khúc mới như I Always Wanted a Brother, Bye Bye, Tell Me It's You… nghe rất bắt tai và vui nhộn. Đồng thời, nhiều đoạn nhạc do Hans Zimmer soạn cho phiên bản The Lion King cách đây tròn 20 năm cũng được sử dụng lại khiến người xem nổi da gà vì hoài niệm.
Đặc biệt, không thể không kể đến kỹ xảo vượt bậc so với bản phim tiền nhiệm 2019, khi các nhân vật hiện giờ đều đã có khả năng "thể hiện cảm xúc" một cách thoải mái, gần gũi nhất. Các cảm xúc vui vẻ, lo sợ, hạnh phúc đều được thể hiện vô cùng chân thực. Bên cạnh đó là những đại cảnh Châu Phi hùng vĩ, núi đồi xa xăm trải qua cả 4 mùa xuân, hạ, thu, đông, khiến người xem phải tấm tắc như đang được thực sự đắm chìm trong vùng đất "Milele" thực thụ.
Có thể thấy, Mufasa: The Lion King là một tác phẩm đậm tính giải trí và cảm xúc, xứng đáng là phần tiền truyện của The Lion King mà khán giả mong chờ từ lâu.