Chuyên mục  


mua-ban-bao-thai-ban-sao-2-1719372400383454894113.jpg

Công an xã Hữu Lập vận động phụ nữ từng bán thai nhi không tiếp tục bán con qua biên giới - Ảnh minh họa: QUỐC NAM

Mới đây, Quốc hội đã thảo luận về dự án Luật Phòng, chống mua bán người (sửa đổi). Các đại biểu Quốc hội cho rằng hiện nay chưa có căn cứ pháp lý để xử lý hành vi mua bán thai nhi, do vậy cần sớm xem xét bổ sung.

Buôn bán thai nhi là buôn bán người

Trao đổi với Tuổi Trẻ Online, bác sĩ Nguyễn Tiến Dũng - nguyên trưởng khoa nhi, Bệnh viện Bạch Mai - đồng tình với đề xuất bổ sung quy định liên quan đến hành vi mua bán thai nhi trong bụng mẹ trong dự thảo Luật Phòng, chống mua bán người (sửa đổi).

Theo bác sĩ Dũng, bào thai cũng được coi như là một con người. Văn hóa Việt Nam từ xưa đến nay vẫn tính tuổi từ khi còn trong bụng mẹ, hay còn được gọi là “tuổi mụ”.

Về mặt sinh học, bào thai hay thai nhi trong bụng mẹ cũng đã có những chức năng của con người hoàn chỉnh. Tất cả các yếu tố đều có thể khẳng định bào thai là một con người. Bởi vậy buôn bán bào thai cũng là buôn bán con người.

Thậm chí, tại nhiều nước phát triển, một số tôn giáo còn coi việc nạo phá thai là giết người. Nhiều nước có quy định rất rõ về quy định nạo phá thai.

Như vậy có thể thấy tất cả đều coi bào thai là con người dù chưa được sinh ra.

“Thực tế, không cần chỉnh sửa luật vẫn có thể xử lý những người buôn bán bào thai như buôn bán người. Không khoa học nào chứng minh bào thai không phải con người.

Tuy nhiên, để có thể chặt chẽ hơn trong xử phạt, có thể bổ sung vào luật. Những người buôn bán thai nhi phải bị xử lý thích đáng để đủ sức răn đe.

Bên cạnh đó, hiện nay việc mang thai hộ nếu không quản lý chặt chẽ cũng có thể được coi như hành vi giao kèo “buôn người”. Đó là hành vi mua bán trước khi một đứa trẻ ra đời.

Vì vậy, cần có những quy định và quản lý chặt chẽ hơn nữa. Bên cạnh đó, những nhà làm luật cần tham khảo thêm quy định của các nước trong và ngoài khu vực để có thêm kinh nghiệm”, bác sĩ Dũng chia sẻ.

PGS.TS.BS Hoàng Thị Diễm Tuyết - giám đốc Bệnh viện Hùng Vương - cũng đồng tình với việc cần phải bổ sung thêm các điều khoản của Luật Phòng, chống mua bán người (sửa đổi) để bảo vệ thai nhi, hiện nay luật chưa phủ tới đối tượng này.

Tuy nhiên, cần xem xét người phụ nữ mang thai đem con bán ở nhiều khía cạnh khác nhau như: bán chính con ruột của hai vợ chồng do không đủ điều kiện nuôi dưỡng, hoặc không phải con ruột mà là mang thai hộ.

Hiện Việt Nam vẫn cho phép mang thai hộ vì mục đích nhân đạo cho những cặp vợ chồng hiếm muộn. Tuy nhiên, thực tế vẫn có những trường hợp lợi dụng mang thai hộ để mua bán thai nhi trái quy định.

Cần phải có chế tài nghiêm khắc với hành vi mua bán thai nhi

Theo luật sư Bùi Quốc Tuấn - Đoàn luật sư TP.HCM, pháp luật Việt Nam có rất nhiều quy định gián tiếp thừa nhận những quyền lợi của một thai nhi như một con người.

Điều 316 của Bộ luật Hình sự năm 2017: “Người nào thực hiện việc phá thai trái phép cho người khác thì mức phạt tù cao nhất 7 năm đến 15 năm”.

Bộ luật Hình sự năm 2017 cũng có rất nhiều quy định nhằm bảo vệ những thai nhi chưa chào đời tránh khỏi nguy cơ bị xâm hại, đồng thời gia tăng khung hình phạt, xác định tình tiết tăng nặng đối với trường hợp xâm phạm đến phụ nữ mang thai.

Về dân sự cũng có quy định tại điều 593 Bộ luật Dân sự năm 2015: “Người chưa thành niên hoặc người đã thành thai là con của người chết và còn sống sau khi sinh ra được hưởng tiền cấp dưỡng cho đến khi đủ mười tám tuổi".

Do đó, theo ông Tuấn, quyền của thai nhi cũng được pháp luật quy định, nên không thể vì lý do nào đó mà có hành vi mua bán. Mua bán thai nhi là trường hợp vi phạm nghiêm trọng pháp luật hình sự.

Ông cho rằng cần có những quy định nhằm chế tài một cách nghiêm khắc trường hợp mua bán thai nhi.

Thông tin

Tổng hợp tin tự động tinmoi-247.com (r) © 2020