Thiếu hụt kali dễ bị tim mạch, huyết áp, đột quỵ... - Ảnh minh họa
Thiếu hụt kali có nguy cơ gì?
PGS.TS Trương Hồng Sơn, viện trưởng Viện Y học ứng dụng cho biết có hàng triệu người trên thế giới đang vật lộn với các bệnh tim mạch, bệnh thận cũng như tăng huyết áp. Số liệu thống kê của Tổ chức Y tế thế giới (WHO) cho thấy người mắc bệnh tim mạch do tăng huyết áp đang chiếm tỷ lệ rất cao.
Thiếu hụt kali hay còn gọi là tình trạng hạ kali máu được coi là nguy hiểm. Một trong số những hậu quả của việc thiếu hụt kali là tăng huyết áp, tim mạch và bệnh thận. Bên cạnh đó, vẫn còn những dấu hiệu khác cũng do việc thiếu hụt kali gây ra như mệt mỏi; yếu cơ; đau bụng và chuột rút; nhịp tim bất thường; tê liệt cơ...
Có một vài điều về kali mà ít người biết đến. Đầu tiên, kali là loại chất khoáng cần thiết cho cơ thể, nhưng chúng cũng là chất điện giải và đóng vai trò quan trọng trong việc điều hòa huyết áp.
Mặc dù có rất nhiều nghiên cứu có ý kiến trái ngược nhau nhưng sự thật là việc cân bằng lượng natri - kali trong cơ thể là điều vô cùng cần thiết.
PGS.TS Trần Đáng, nguyên cục trưởng Cục An toàn thực phẩm (Bộ Y tế) cho biết, cơ thể một người nặng 70kg có khoảng 140g kali, 90% khối lượng này nằm trong các tế bào, tập trung ở các dịch tiêu hóa cao hơn trong huyết tương.
Bình thường nồng độ của các ion K+ ở bên trong tế bào luôn cân bằng với nồng độ các ion Na+ ở bên ngoài tế bào. Na có tính hút nước và giữ nước, làm cho máu và các chất dịch có tính linh động, dễ chuyển dịch, còn Kali không có tính chất ấy.
Sự cân bằng giữa nồng độ 2 ion Na + và K+ rất quan trọng đối với cơ tim. Sự thiếu hoặc thừa Kali ở cơ tim đều khiến cho tim đập mau hơn, dẫn tới các bệnh loạn nhịp tim.
Khi cơ thể thiếu chất magiê (Mg) hoặc thiếu oxy do mạch bị tắc nghẽn, các cơ tim sẽ bị mệt mỏi, tiết ra chất axit lactic làm giảm nồng độ ion K+.
Việc cấu tạo ra các tế bào mới trong quá trình mang thai của phụ nữ ở độ tuổi cơ thể đang phát triển, trong trường hợp cơ thể có vết thương đang hàn gắn, người bệnh đang hồi phục, đều làm cho lượng kali trong cơ thể bị giảm sút.
PGS Đáng nhấn mạnh cơ thể người luôn có nhu cầu về kali, nhưng với mức độ thích hợp. Hiện tượng thiếu hoặc thừa kali đều không tốt cho sức khỏe.
Những trường hợp thiếu kali xảy ra sau khi người bệnh dùng các loại thuốc tẩy, thuốc lợi tiểu, thuốc có chất corticoid, cam thảo trong thời gian dài, dẫn tới sự mất cân bằng về nồng độ K+ với Na+ ở hai bên màng tế bào.
Thực phẩm tự nhiên chứa nhiều kali - Ảnh minh họa
Hiện tượng thiếu kali của cơ thể thường đi đôi với hiện tượng thiếu magiê (Mg), làm cho người bệnh mệt mỏi, hay bị chuột rút (vọp bẻ), có cảm giác kiến bò ở tay chân, bị rối loạn tiêu hóa.
Nếu hiện tượng thiếu này kéo dài, người bệnh có thể bị loạn nhịp tim và bại liệt. Ngược lại sự thừa kali có thể gây viêm ruột, suy thận, loạn nhịp tim hoặc trầm trọng hơn làm tim ngừng đập.
Thực phẩm giàu kali giảm đột quỵ, huyết áp, tim mạch....
PGS Đáng cho biết, trong cơ thể, lượng kali thường khá ổn định, trung bình là 3,5 – 5 mmol/l. Nếu quá thừa hoặc quá thiếu đều có thể dẫn tới những biểu hiện bệnh lý. Kali giúp điều hòa cân bằng nước và điện giải, giúp duy trì hoạt động bình thường của hệ tim mạch, cơ bắp, tiêu hóa, tiết niệu và giúp giảm huyết áp hiệu quả.
Nghiên cứu cho thấy, trong nhóm cộng đồng dân cư sử dụng lượng kali cao trong khẩu phần thì tỉ lệ người bị cao huyết áp thấp hơn nhóm cộng đồng có lượng kali thấp trong khẩu phần. Kết quả theo dõi trên lâm sàng đã nhận thấy cho uống bổ sung kali đã có tác động làm giảm cả áp lực tâm thu và tâm trương máu.
Lượng kali trong khẩu phần ăn có lượng kali cao đã làm giảm tỉ lệ tử vong do đột quỵ và giảm tổn thương thận, trong thử nghiệm tăng huyết áp trên chuột.
Theo dõi tại một số cộng đồng dân cư của Nhật bị tăng huyết áp nhận thấy, khẩu phần ăn có tỷ lệ thấp natri/kali đã làm chậm nguy cơ tử vong do đột quỵ khoảng 10 năm.
Mỗi ngày, một người trưởng thành cần hấp thụ khoảng 4700 mg kali từ nhiều nguồn khác nhau, trong đó các thực phẩm chứa nhiều kali như chuối, khoai lang, cà chua, nghêu, sữa chua, mận khô, các loại cá ngừ, cá tuyết, cá hồi…
PGS Trương Hồng Sơn, khuyên những người có nồng độ kali trong máu cao thường có huyết áp thấp hơn, vì thế những thực phẩm có chứa nhiều kali đương nhiên sẽ rất tốt cho những người tăng huyết áp.
Một chế độ ăn giúp cân bằng được lượng natri - kali nạp vào là ăn các thực phẩm tươi sống và giàu kali như quả bơ, rau chân vịt, nấm, súp lơ xanh, cải Brussels, cần tây, xà lách Romaine, những loại rau lá xanh, chuối, cà chua, khoai lang, cam, mơ, cá hồi hoang dã.
Những trái cây bạn lựa chọn trong chế độ ăn nên là những loại quả ít ngọt để giảm thiểu được lượng fructose. Bên cạnh đó bạn cũng có thể thử nước ép từ quả lựu đỏ vừa giúp hạ huyết áp vừa giúp chống lão hóa.
Do trong lựu đỏ có nhiều chất chống oxi hóa nên nó cũng giúp bạn chống lại được bệnh ung thư, tim mạch. Lựu đỏ còn chứa nhiều tannin, anthocyanin và axit ellagic nhiều hơn trà xanh và rượu vang đỏ.
Những hợp chất chống oxi hóa từ trái cây được chứng minh là có ảnh hưởng tích cực đến tim mạch. Một nghiên cứu khác còn cho thấy một cốc việt quất mỗi ngày có thể giúp hạ huyết áp và giãn mạch.
Những loại sữa chua được làm từ sữa của động vật ăn cỏ giàu lợi khuẩn sẽ giúp cân bằng được huyết áp. Một nghiên cứu khác cũng cho thấy lợi khuẩn có trong sữa chua sẽ giúp bạn điều chỉnh được lượng cholesterol và đường máu. Một lượng nhỏ sô cô la đến nguyên chất có chứa flavonoid cũng giúp bền vững được thành mạch.
Mỗi người có thể hấp thụ được mỗi ngày từ 2 - 6g kali bằng việc ăn uống. Người thiếu kali chỉ nên bổ sung cho cơ thể qua việc ăn các thực phẩm giàu chất kali như: các loại rau quả, ngũ cốc, thực phẩm có dầu.
Các nghiên cứu thống nhất: mỗi người cần bổ sung một lượng kali khoảng 1.600mg/ngày (ít hơn một nửa lượng kali được các nhà khoa học Anh khuyến cáo bổ sung hằng ngày cho một người lớn - khoảng 3.500mg) là đã đủ để giảm hơn 20% nguy cơ đột quỵ.
Trung bình một quả chuối chứa khoảng 500mg kali, vậy nên, tiêu thụ 3 quả chuối mỗi ngày là đã giúp giảm huyết áp và kiểm soát sự cân bằng chất lỏng trong cơ thể.
Việc bổ sung kali cho cơ thể bằng thuốc phải được bác sĩ chỉ định và theo dõi rất cẩn thận để giữ được sự cân bằng nồng độ ion K+ và Na+ tránh hiện tượng các K+ thoát ra ngoài màng tế bào gây hậu quả nghiêm trọng đối với sức khỏe.