Chuyên mục  


Xơ gan là giai đoạn mà gan đã bị tổn thương nặng nề, lúc này gan sẽ không hoạt động được nữa, mất đi chức năng trao đổi chất và có nước xuất hiện trong ổ bụng, gây chèn ép các phủ tạng làm thay đổi cấu trúc tế bào gan, làm xơ hóa gan. Từ đó khiến chức năng lọc máu, tiêu hóa, bài tiết mật của gan kém đi, sức đề kháng của người bệnh bị giảm, dễ dàng mắc các bệnh về đường ruột, đường tiết niệu, đường hô hấp và ống mật, gây nguy hại đến tính mạng người bệnh.

Ngoài ra, bệnh xơ gan còn gây ra những biến chứng nguy hiểm khác cho người bệnh, mà trường hợp xấu nhất là ung thư gan.

Các giai đoạn xơ gan

Dựa vào mức độ tổn thương, xơ gan được chia làm 2 giai đoạn. Cụ thể:

- Giai đoạn xơ gan còn bù

Giai đoạn này các tế bào gan bị viêm, tuy nhiên chức năng gan vẫn được bảo tồn. Gan tự chữa lành các biểu mô bị tổn thương và hình thành sẹo được gọi là sự xơ hóa. Giai đoạn đầu dấu hiệu nhận biết thường không rõ ràng, người bệnh chỉ thường xuyên cảm thấy mệt mỏi.

Việc phát hiện bệnh trong giai đoạn ban đầu này thường là tình cờ khi đi khám sức khỏe định kỳ, khi làm xét nghiệm tổng quát về chức năng gan, hoặc tình cờ phát hiện qua siêu âm bụng.

- Giai đoạn xơ gan mất bù

Ở giai đoạn này các mô xơ hóa rất nhiều, có ứ dịch trong ổ bụng gọi là hiện tượng cổ trướng, tuần hoàn bàng hệ, đồng thời xuất hiện các dấu hiệu như ăn không ngon, sụt cân, mệt mỏi, vàng da , vàng mắt, thiếu máu, phù chân tay và mắt cá, đường huyết giảm thất thường.

Giai đoạn này gan đã bị hư hoại quá nhiều nên bắt đầu bộc lộ sự suy giảm chức năng. Xơ gan có thể gây một số biến chứng nặng dẫn đến tử vong.

Bụng có nước nhiều, có thể nhiễm trùng dịch báng. Khi đó bệnh nhân có thể bị đau bụng , tiêu chảy, sốt hoặc không có triệu chứng (chỉ xét nghiệm nước trong bụng mới biết có nhiễm trùng).

Nôn ra máu do vỡ các tĩnh mạch thực quản hoặc tĩnh mạch ở phần đáy dạ dày khi các mạch máu này bị căng quá mức. Khi ói nhiều bệnh nhân có thể bị choáng váng do thiếu máu cấp tính và tụt huyết áp, nhiều trường hợp có thể gây tử vong.

Hôn mê do suy gan nặng. Khi gan không còn đào thải được các chất độc thì các chất độc này sẽ bị ứ lại trong máu, ngấm vào hệ thần kinh và làm rối loạn các hoạt động của não, nặng nhất là gây hôn mê sâu.

Suy thận xảy ra trên nền xơ gan, y học gọi là "hội chứng gan - thận". Bệnh nhân đi tiểu ít dần rồi không đi tiểu được nữa, có thể sẽ gây tử vong.

20200215xo-gan-giai-doan-4-1-17266676511911848652890-1726737101232-17267371015171552148327.jpg

Xơ gan là một bệnh mạn tính của gan được đặc trưng bởi sự thay thế mô gan bằng mô xơ.

Làm thế nào để phát hiện sớm bệnh xơ gan?

Triệu chứng của xơ gan phụ thuộc vào từng giai đoạn của bệnh. Tuy nhiên, các dấu hiệu ban đầu của bệnh thường mơ hồ và dễ gây nhầm lẫn với các bệnh lý khác. Một số triệu chứng điển hình xuất hiện sớm của bệnh xơ gan cụ thể:

  • Cơ thể hơi mệt mỏi, thiếu năng lượng.
  • Chán ăn , ăn không ngon, sợ một số thức ăn (đặc biệt là những thức ăn chứa nhiều dầu mỡ).
  • Buồn nôn, sau khi ăn thường có cảm giác đầy bụng, khó tiêu.
  • Trên da vùng ngực, lưng và cổ có những vết "sao mạch" (đốm đỏ hình giống như hoa thị); lòng bàn tay có thể bị ửng đỏ, danh từ y học gọi là "lòng bàn tay son".

Khi bệnh tiến triển đến các giai đoạn tiếp theo, các triệu chứng sẽ xuất hiện rõ ràng hơn. Cơ thể người bệnh sẽ gặp một số bất thường, cụ thể:

  • Vàng mắt , vàng da.
  • Ngứa da, da bị sạm, trên da dễ xuất hiện các vết bầm tím, chảy máu răng, chảy máu cam.
  • Sưng phù ở mắt cá chân.
  • Bụng ngày càng to do sự tích tụ dịch (cổ trướng hay báng bụng).
  • Dưới bờ sườn bên phải có thể sờ thấy gan hơi cứng chắc và dưới bờ sườn bên trái có thể sờ thấy lá lách lớn.
  • Rối loạn về tinh thần như mất khả năng tập trung, cảm thấy dễ mệt nhưng lại ngủ không ngon. Nặng hơn bệnh nhân sẽ bị kích động, vật vã rồi dần dần bị hôn mê hoặc có thể nôn ra máu rất nhiều và tử vong.

Tuy vậy, để khẳng định xơ gan ngoài các biểu hiện thì bác sĩ sẽ chỉ định làm các xét nghiệm như: Xét nghiệm máu; Siêu âm, CT scan hay chụp cộng hưởng từ sẽ xác định gan bị tổn thương hay không.

Lời khuyên thầy thuốc

Bệnh xơ gan có diễn tiến phức tạp và nhanh chóng xuất hiện biến chứng nếu người bệnh không kịp thời phát hiện và điều trị. Để bảo vệ sức khỏe của bản thân và gia đình thì nên thực hiện khám tổng quát sức khỏe định kỳ hoặc tầm soát chuyên sâu bệnh lý gan mật để phát hiện những bất ổn của cơ thể.

Bên cạnh đó, đừng quên tham khảo ý kiến chuyên gia về cách phòng tránh bệnh lý gan mật để có một sức khỏe tốt.

Thông tin

Tổng hợp tin tự động tinmoi-247.com (r) © 2020