Chuyên mục  


Thông tin được ông Võ Văn Hoan, Phó chủ tịch UBND TP HCM, nêu tại Diễn đàn hỗ trợ pháp lý đầu tư về các dự án năng lượng tái tạo ngày 20/9. Theo ông, ý tưởng phát triển công nghiệp năng lượng tại đô thị lớn như thành phố "nghe lạ nhưng có cơ hội". "Chúng tôi đã đưa kế hoạch này vào quy hoạch phát triển kinh tế - xã hội của TP HCM", ông nói.

Giai đoạn 2024-2030, đầu tàu kinh tế xác định chuyển đổi xanh nhiều hoạt động, lĩnh vực từ sản xuất, lao động, tài chính đến năng lượng. "Chúng tôi nhận thức rõ vấn đề phát triển năng lượng tái tạo. Nếu không chuyển đổi năng lượng thì không thể chuyển đổi thành công ngành công nghiệp và nền kinh tế", Phó chủ tịch nói.

Ông Võ Văn Hoan, Phó chủ tịch UBND TP HCM tại Diễn đàn sáng 20/9. Ảnh: ITPC

Bà Nguyễn Thị Kim Ngọc, Phó giám đốc Sở Công Thương, cho biết TP HCM tiêu thụ khoảng 28,5 tỷ kWh điện năm ngoái, chiếm 15% cả nước. Dù có mạng lưới sông ngòi đa dạng, nơi đây không có tiềm năng phát triển thủy điện. Nhiệt điện than khó phát triển do vấn đề môi trường. Vì vậy, năng lượng tái tạo là lựa chọn hợp lý cho địa phương.

TP HCM đã đề xuất Bộ Công Thương hướng dẫn triển khai các thủ tục nghiên cứu 2 dự án nhà máy điện gió ngoài khơi Cần Giờ. Trong đó, một nhà máy công suất 2.000 MW chia hai giai đoạn và một nhà máy 6.000 MW cho mục đích phát điện lên lưới điện quốc gia và sản xuất hydrogen xanh. "Đã có nhà đầu tư quan tâm 2 dự án nhà máy điện gió này", bà Ngọc nói.

Với điện mặt trời, địa phương được phát triển 166 MW điện mặt trời mái nhà công sở theo Nghị quyết 98. Ngoài ra, Thành phố cũng đang đề xuất Bộ Công Thương xem xét quy mô nguồn điện sinh khối và điện rác với công suất đến năm 2030 là 340 MW. Hiện có 5 dự án nhà máy đốt rác phát điện có kế hoạch triển khai.

Công suất dự kiến một số nguồn điện tái tạo tại TP HCM. Đồ họa: Dỹ Tùng

Đề xuất tại diễn đàn, Luật sư Nguyễn Đức Minh thuộc Công ty luật Kim & Chang Việt Nam nói TP HCM sớm công bố danh mục dự án năng lượng tái tạo cụ thể, có hướng dẫn cụ thể về phương thức lựa chọn nhà đầu tư chiến lược để doanh nghiệp tìm hiểu cơ hội.

Riêng việc phát triển điện mặt trời mái nhà công sở, ông Minh cho rằng một số doanh nghiệp đang quan tâm nhưng chưa rõ đây là mô hình tự sản tự tiêu hay cho bán điện phần dư và có cho tư nhân tham gia hay không. Ngoài ra, ưu đãi tại Nghị quyết 98 được cho là chưa hấp dẫn, cần thêm hỗ trợ.

Cùng quan tâm, TS. Luật sư Lê Nết của công ty luật LNT & Partners, Trọng tài viên Trung tâm Trọng tài Quốc tế Việt Nam (VIAC) và Trung tâm Trọng tài Quốc tế Singapore (SIAC), cho rằng mức phân bổ 166 MW điện mái nhà công sở cho TP HCM là quá ít, cần nới trần này thêm.

Đi vào quy trình thực tế để triển khai cũng không dễ vì cần làm rõ ai là chủ sở hữu các mái nhà công sở, tức tất cả thuộc UBND TP HCM hay từng chủ thể riêng biệt. Từ đó, xác định chủ sở hữu tài sản, bên đầu tư và phương án nếu được bán điện thì hạ tầng ra sao. "Thực tế triển khai sẽ cần nhiều bên ngồi lại với nhau", ông nói.

Đánh giá chung, TS. Trần Du Lịch, Phó chủ tịch Trung tâm Trọng tài Quốc tế Việt Nam (VIAC), nói ngành năng lượng tái tạo tại TP HCM có tiềm năng nhưng để thành hiện thực cần hoàn thiện chính sách, hệ sinh thái để nhà đầu tư tham gia.

Ông ví dụ điện gió ở Cần Giờ đến nay vẫn chưa có dự án nào được cấp phép. Điện mặt trời mái nhà công sở thì cần hiểu Nghị quyết 98 là chỉ cho phép dùng mái trụ sở cơ quan nhà nước để lắp pin mặt trời nhưng quy trình, thủ tục và quy định liên quan vẫn phải tuân theo quy hoạch của ngành điện. "Cần hiểu không phải có Nghị quyết 98 là tự làm điện mặt trời ngay được", ông nói.

Ông Nguyễn Xuân Thắng, Phó chủ tịch EuroCham, Tổng giám đốc Schaeffler Việt Nam, gợi ý TP HCM tham khảo các mô hình đầu tư điện mặt trời mái nhà như SolarNova của Singapore hay Resco của Ấn Độ. Điểm chung của các mô hình này là cơ quan nhà nước lập một tổ chức đầu mối chung, chịu trách nhiệm hợp tác với tư nhân nhằm tạo ra các hợp đồng mua bán điện lớn, tránh manh mún.

Ví dụ, SolarNova là sáng kiến quốc gia do Cơ quan Phát triển Đô thị Singapore (HDB) và Cơ quan Năng lượng Bền vững Singapore (SE) điều hành. Chương trình tổ chức các đợt đấu thầu để lựa chọn các nhà phát triển để lắp đặt, vận hành và bảo trì các hệ thống pin mặt trời trên các tòa nhà công cộng và khu dân cư.

SolarNova không chịu chi phí. Thay vào đó, họ ký hợp đồng giao mái nhà và mua điện với đơn vị trúng thầu có mức giá thỏa thuận trong thời gian dài, thường là 20-25 năm. "Việc áp dụng mô hình tổng hợp tương tự có thể giảm bớt gánh nặng hành chính, hợp lý hóa quy trình quản lý và tăng cường sự tham gia của khu vực tư nhân vào các dự án năng lượng mặt trời công cộng", ông Thắng nêu.

Phó chủ tịch Võ Văn Hoan xác nhận thực tế chính sách khuyến khích năng lượng tái tạo ở cấp quốc gia (Quy hoạch điện VIII) và ở địa phương (Nghị quyết 98 của Quốc hội, Nghị quyết 09 của Hội đồng Nhân dân TP HCM) là có nhưng việc đi vào thực tế còn khó khăn, cần thảo thuận và hoàn thiện thêm nhiều vấn đề về mua bán, truyền tải đến vận hành giữa các cá nhân, tổ chức và nhà đầu tư.

"Làm sao kích cầu đầu tư lĩnh vực này, hỗ trợ lãi suất để người dân, doanh nghiệp chuyển đổi năng lượng là việc cần làm" ông nói. Đồng thời, Phó chủ tịch Hoan khuyến nghị ngành tài chính nên chủ động có gói tín dụng hỗ trợ cho các hoạt động chuyển đổi năng lượng xanh.

Viễn Thông

Thông tin

Tổng hợp tin tự động tinmoi-247.com (r) © 2020