Các bị cáo tại tòa - Ảnh: DANH TRỌNG
Ngày 11-4, Tòa án nhân dân TP Hà Nội tiếp tục xét xử vụ án vợ chồng cựu công an cho 52 đồng nghiệp vay lãi nặng.
Bị cáo chính trong vụ án là cựu cán bộ công an Nguyễn Sơn Thành (41 tuổi, cựu cán bộ Công an phường Minh Khai, Bắc Từ Liêm) cùng các bị cáo khác bị xét xử trong vụ án cờ bạc thông qua hình thức ghi lô, đề.
Vụ án xảy ra từ năm 2018, đến nay đã nhiều lần đưa ra xét xử, song phải hoãn, trả hồ sơ điều tra bổ sung.
Cựu công an tiếp tục kêu oan
Trong phiên tòa hôm nay, viện kiểm sát giữ nguyên quan điểm truy tố, đề nghị tòa tuyên phạt bị cáo Hoàng Văn Hoan (cựu cán bộ Công an phường Minh Khai) mức án 30 - 36 tháng tù và Quách Thị Thơm (vợ Hoan) 18 - 20 tháng nhưng cho hưởng án treo, cùng về tội cho vay lãi nặng trong giao dịch dân sự.
Bị cáo Thành bị đề nghị 7 - 8 năm tù về tội tổ chức đánh bạc, Đỗ Mạnh Dương 5 - 7 năm tù, Nguyễn Thị Thanh 4 - 5 năm tù, Lê Đức Lợi 18 - 24 tháng tù, Mai Thị Khanh 18 - 20 tháng tù nhưng cho hưởng án treo, cùng về tội đánh bạc.
Tranh luận tại tòa, cựu cán bộ công an Nguyễn Sơn Thành phủ nhận toàn bộ nội dung cáo trạng truy tố. Bị cáo cho hay vụ án này kéo dài đến nay đã gần 6 năm, "trên vai luôn treo thân phận bị can, không làm ăn được gì".
"Tôi khẳng định không tổ chức đánh bạc với bất cứ ai, dưới bất cứ hình thức nào. Tôi cũng không quen biết 3 trong số 4 bị cáo ở nhóm tội đánh bạc, không có bất kỳ giao dịch gì với họ", Thành khai.
Cựu công an này cũng cho rằng cơ quan điều tra, viện kiểm sát chỉ dựa vào lời khai một phía, không đưa ra chứng cứ vật chất để chứng minh các yếu tố thỏa thuận trả tiền đánh lô đề, thỏa thuận tỉ lệ thắng thua…
Tại tòa, trong 4 bị cáo nhóm đánh bạc, có ba bị cáo Đỗ Mạnh Dương, Nguyễn Thị Thanh, Lê Đức Lợi cũng khẳng định không trao đổi tin nhắn ghi lô, đề với Thành.
Các bị cáo này khai khi làm việc với điều tra viên, bị ép cung, được "vứt cho một tập giấy photo bảo ký, ký sẽ được về, không ký thì bị đánh", quá trình hỏi cung không được ghi âm ghi hình, không được gặp luật sư...
Về vấn đề trên, cựu công an Thành cho rằng lời tố cáo của những bị cáo này là "có căn cứ", vì "bị cáo nhiều lần đề nghị triệu tập hàng chục người có quyền lợi nghĩa vụ liên quan gồm điều tra viên, kiểm sát viên... đến tòa để đối chất nhưng không một ai có mặt".
Cựu công an Nguyễn Sơn Thành (trái) - Ảnh: DANH TRỌNG
Cựu công an nói thu điện thoại không đúng thủ tục, viện kiểm sát vặn lại: sao lúc ấy không hỏi luôn thủ trưởng?
Theo cáo buộc, cơ quan công an thu giữ của bị cáo Thành một chiếc điện thoại iPhone X, trích xuất dữ liệu là các tin nhắn trao đổi lô, đề giữa bị cáo và nhóm đánh bạc.
Tại tòa, Thành nhiều lần khẳng định chiếc điện thoại trong hồ sơ vụ án không phải của mình. Còn chiếc điện thoại iPhone X của bị cáo "bị thu giữ bất hợp pháp nên không thể được coi là bằng chứng buộc tội".
Cựu công an cũng cho hay chiếc iPhone X mua năm 2017, trong khi các dữ liệu tin nhắn lô, đề có từ năm 2014.
Theo Thành, trước năm 2017, bị cáo dùng điện thoại Samsung, 2 loại khác hệ điều hành nên không thể đồng bộ dữ liệu, từ đó việc trích xuất được các tin nhắn là "cực kỳ vô lý".
Thành khai thời điểm bị đưa về cơ quan cảnh sát điều tra làm việc, bị cáo được một lãnh đạo Công an quận Bắc Từ Liêm hỏi mượn điện thoại và bảo cung cấp mật khẩu. Sau đó vị lãnh đạo này giữ luôn chứ không lập biên bản tạm giữ hay niêm phong.
Thành nói sau đó bị "giam giữ 4 ngày đêm" để lấy lời khai dù không có giấy tờ, lệnh tạm giam.
Luật sư bào chữa cho Thành cũng cho rằng chiếc điện thoại không được thu giữ đúng quy định nên không được coi là chứng cứ, dữ liệu điện tử bên trong vì thế cũng không được xem là chứng cứ hợp pháp.
Đối đáp lại quan điểm của bị cáo và luật sư, đại diện viện kiểm sát nói "rất thông cảm" với bị cáo khi 6 năm qua mà vụ án chưa thể có phán quyết cuối cùng.
Viện kiểm sát cho hay thời điểm bị đưa về cơ quan điều tra, Thành đang là đối tượng điều tra, việc cách ly bị cáo với tang vật (chiếc điện thoại - PV) để tránh tẩu tán tài liệu là phù hợp.
"Qua một số ngày đấu tranh nhưng bị cáo không khai nhận hành vi, cơ quan điều tra đã lập biên bản tạm giữ đúng quy định", kiểm sát viên nhấn mạnh.
Theo viện kiểm sát, bị cáo khai đưa điện thoại cho lãnh đạo công an quận rồi đi về cơ quan cảnh sát điều tra theo yêu cầu của lãnh đạo công an quận.
"Bị cáo cứ hỏi tôi điều nào khoản nào quy định việc phải chấp hành theo thủ trưởng, tại sao lúc đó bị cáo không hỏi luôn thủ trưởng của mình.
Một trong những nguyên tắc cơ bản của các chiến sĩ công an là mệnh lệnh phải phục tùng. Bị cáo đừng hỏi tôi thêm một lần nữa về điều khoản, nghe nó vô lý, không hay, không phù hợp với người từng đứng trong lực lượng công an nhân dân", kiểm sát viên tranh luận.
Đại diện viện kiểm sát khẳng định chiếc iPhone X trong hồ sơ vụ án là của Thành, vì khi mở điện thoại có rất nhiều hình ảnh của gia đình bị cáo. Ngoài ra, có những tài liệu liên quan công việc của bị cáo, "không ai khác có thể có".
Đối với ý kiến của các bị cáo khai bị đánh đập ép cung, nhục hình, viện kiểm sát khẳng định "tại các phiên tòa trước đó, các điều tra viên cũng đã có những giải trình, báo cáo tại tòa rằng hoàn toàn không có tài liệu gì thể hiện việc các bị cáo bị ép cung, nhục hình", viện kiểm sát nói.
Tòa thông báo nghị án kéo dài và tuyên án lúc 16h chiều 11-4.
Có người đánh bạc cùng nhưng không bị xử lý?
Quá trình giải quyết vụ án, Nguyễn Sơn Thành còn xuất trình một số mảnh ghép photocopy, được cho là công văn của Công an TP Hà Nội.
Nội dung trong đó thể hiện có 4 cán bộ công an khác cũng tham gia đánh bạc, nhưng không bị xử lý hình sự. Bị cáo đề nghị làm rõ nội dung này.
Viện kiểm sát cho hay theo lời khai của Thành, khoảng tháng 3-2021, Thành được một người từng công tác cùng tại đơn vị cũ đưa cho các mảnh ghép nêu trên, không rõ lý do đưa.
Cơ quan điều tra đã xác minh, xác định người bạn này của Thành bị đột tử chết vào năm 2022. Vì thế, cơ quan điều tra đã tách tài liệu liên quan để tiếp tục xác minh, làm rõ.
Tại tòa, khi được hỏi về việc tách tài liệu, Thành phản đối vì cho rằng như vậy sẽ ảnh hưởng đến trách nhiệm pháp lý của mình.