Chuyên mục  


Camera đeo trên người được lực lượng thực thi pháp luật nhiều nước sử dụng để ghi lại các tương tác với công chúng hoặc thu thập bằng chứng video tại hiện trường. Thiết bị này ban đầu được cảnh sát một số nước sử dụng dưới dạng cầm tay, hiện được cải tiến nhỏ gọn, gắn trực tiếp vào đồng phục, thường là ở vai, ngực, mũ.

Anh nằm trong các nước có kế hoạch ứng dụng toàn quốc thiết bị này sớm nhất, năm 2005. Việc gắn máy quay vào mũ các cảnh sát được kỳ vọng cắt giảm thủ tục và giúp truy tố tội phạm đơn giản, giảm chi phí tố tụng.

Năm 2007, Bộ trưởng Bộ An ninh Tony McNulty cho biết, bằng cách cung cấp những cảnh quay ấn tượng về nạn nhân, nghi phạm và nhân chứng, thẩm phán và bồi thẩm đoàn sẽ có thể "nhìn và nghe sự việc qua đôi mắt và đôi tai của cảnh sát tại hiện trường". Camera đóng vai trò "đặc biệt hữu ích" như một nhân chứng độc lập.

Sau thử nghiệm và mở rộng phạm vi áp dụng vào các năm 2005, 2007, 2010, tính đến 2020, hơn 80.000 cảnh sát Vương quốc Anh đã được trang bị camera gắn thân, hiện được đeo trên vai.

vi-sao-canh-sat-nhieu-nuoc-su-dung-camera-gan-tren-nguoi-1728550843.jpg?w=0&h=0&q=100&dpr=1&fit=crop&s=s58OBjkTMnEQ5tGmoucJ2w
Vì sao cảnh sát nhiều nước sử dụng camera gắn trên người?

Camera gắn trên người một sĩ quan cảnh sát Mỹ ghi lại cảnh dừng xe và phát hiện ma túy. Video: Wolfcomusa

Camera ghi lại cảnh quay vào thiết bị lưu trữ nội bộ. Vào cuối ca làm việc, cảnh quay được cảnh sát tải lên "kho" để có thể sử dụng làm bằng chứng tại tòa án, các thủ tục pháp lý khác hoặc xóa nếu không cần thiết.

Khi ghi hình, đèn đỏ nhấp nháy sẽ xuất hiện ở giữa camera và cảnh sát phải thông báo cho bất kỳ ai có mặt rằng họ đang bị ghi hình. Việc này nhằm cân bằng giữa quyền riêng tư dữ liệu với nhu cầu ghi lại bằng chứng về bất kỳ hoạt động tội phạm nào.

Theo Sở Cảnh sát Thủ đô (Met), cảnh sát sử dụng camera khi ra lệnh dừng phương tiện; đi bắt ai đó; tìm kiếm một tài sản, địa điểm, hoặc một phương tiện; thực hiện dừng và tìm kiếm; tham gia một sự vụ quan trọng; sử dụng vũ lực chống lại ai đó hoặc tài sản của ai đó hoặc tham gia giải quyết một cuộc báo án bạo lực gia đình.

Ngoài tiết kiệm chi phí điều tra, tố tụng, nhà chức trách Anh cho rằng ra camera gắn thân của cảnh sát làm tăng cường sự an tâm của công chúng; giảm nỗi sợ tội phạm trong cộng đồng địa phương; tăng số người nhận tội sớm; giải quyết khiếu nại về cảnh sát hoặc quản giáo nhanh hơn và nhất là giảm các vụ tấn công vào cảnh sát.

"Trong thời đại mà tính minh bạch và trách nhiệm giải trình là tối quan trọng đối với lòng tin của công chúng vào hoạt động cảnh sát, camera gắn thân là tiến bộ đáng kể. Nó ghi lại các tương tác giữa cảnh sát và công chúng, tăng cường quan hệ cộng đồng và đảm bảo tính đúng đắn của các hành động của chúng tôi", ông Jim Colwell, quyền cảnh sát trưởng, Hội đồng cảnh sát trưởng quốc gia nói lời mở đầu Cẩm nang sử dụng camera gắn thân cho cảnh sát Vương quốc Anh, 2024.

Tại Mỹ, dự án trang bị camera gắn thân cho cảnh sát khởi nguồn từ một sự kiện đình đám, xảy ra cách nay tròn 10 năm. Tháng 8/2014, các sĩ quan cảnh sát ở Ferguson bang Missouri đã bắn chết Michael Brown - người bị tình nghi lấy trộm số thuốc lá trị giá khoảng 50 USD.

Anh ta đã giơ hai tay "đầu hàng" nhưng vẫn bị cảnh sát nã đạn. Nhiều người cho rằng nếu cảnh sát đó có camera đeo trên người thì có thể ngăn chặn được việc này.

Tháng 12 cùng năm, Tổng thống Barack Obama yêu cầu ngân sách 263 triệu USD tài trợ cho các chương trình camera đeo trên người và đào tạo cảnh sát.

Theo số liệu của Bộ Tư pháp nước này, tính đến tháng 7/2022, ngoài việc "phủ sóng" bắt buộc camera gắn thân cho cảnh sát cả nước, 44/50 tiểu bang đã có luật cụ thể về camera gắn trên người.

Một sĩ quan cảnh sát New York được trang bị camera trên ngực khi làm nhiệm vụ hiện trường. Ảnh: Government Technology

Về cơ bản, luật yêu cầu các cảnh sát luôn phải bật camera trong các tình huống tiếp xúc với công chúng, nếu không, phải có giải trình lý do.

Trong một số tình huống nhạy cảm sau đây, cảnh sát có thể không bật camera: tiếp xúc nạn nhân hiếp dâm, tấn công tình dục; các trường hợp cần bảo vệ danh tính nguồn tin, bệnh viện, cơ sở điều trị tâm thần....

Bà Nancy La Vigne, Giám đốc Viện Tư pháp Quốc gia, bộ phận nghiên cứu của Bộ Tư pháp đánh giá khiếu nại từ công dân giảm khi cảnh sát bắt đầu sử dụng camera gắn thân. Lý do chính xác vẫn chưa rõ ràng, dù có thể nhận thức được việc bị quay phim ảnh hưởng đến hành vi của cả cảnh sát và những người mà họ tương tác.

"Ai cũng hành xử tốt nhất khi đứng trước máy quay, cảnh sát, công chúng, tất cả mọi người", Ron Miller, cảnh sát trưởng thành phố Topeka, bang Kansas tóm tắt.

Theo nhà chức trách, camera gắn thân là một "công cụ cải cách cảnh sát" hiệu quả và nhận được sự ủng hộ mạnh mẽ từ người dân. Cuộc thăm dò của Reuters vào tháng 6/2020 cho thấy 92% người Mỹ muốn cảnh sát liên bang đeo camera gắn thân.

Ở Texas, một cảnh sát đã bị sa thải, bị buộc tội giết người với mức án 15 năm tù sau khi dữ liệu từ camera đeo trên người "mâu thuẫn" với tuyên bố ban đầu của anh ta trong vụ nổ súng vào một thanh niên không vũ trang vào tháng 4/2017.

Song camera gắn thân cũng cung cấp bằng chứng minh oan cho các cảnh sát bị vu khống và sử dụng để đào tạo các sĩ quan mới về cách phản ứng trong một số cuộc "giao tiếp khó khăn" với người dân.

Sở Cảnh sát Miami đã sử dụng camera gắn trên người để đào tạo cảnh sát mới vào nghề, kể từ năm 2012. "Chúng tôi có thể ghi lại một tình huống, một kịch bản trong quá trình đào tạo, sau đó xem lại và cho học viên, tân binh, sĩ quan thấy họ đã làm tốt những gì, làm tệ những gì và những gì có thể cải thiện", cựu cảnh sát trưởng Ian Moffitt cho hay.

Tuy vậy, nhiều cảnh sát Mỹ không mặn mà với camera gắn thân vì nhiều lý do. Thứ nhất, camera quá đắt vì lực lượng cảnh sát phải lập ngân sách không chỉ cho camera mà còn cho các thiết bị phụ trợ, đào tạo, cơ sở lưu trữ dữ liệu, thêm nhân viên để quản lý dữ liệu video và chi phí bảo trì.

Thứ hai, camera nảy sinh nguy cơ xâm phạm quyền riêng tư của người dân, có khả năng làm lộ thông tin người cung cấp tin tức. Một số cảnh sát lo ngại nếu công dân nghĩ sẽ bị ghi âm mỗi khi nói chuyện với cảnh sát, bất kể trong bối cảnh nào sẽ làm tổn hại đến sự cởi mở và tạo ra rào cản cho các cuộc điều tra quan trọng. Một số người dân sẽ ít có khả năng chia sẻ thông tin nếu biết cuộc trò chuyện sẽ bị ghi âm, đặc biệt là ở những khu phố có tỷ lệ tội phạm cao, nơi cư dân có thể bị trả thù nếu bị coi là hợp tác với cảnh sát.

Cuối cùng, chính các cảnh sát cũng lo ngại camera gắn thân làm giảm sự an toàn của chính mình, ảnh hưởng tiêu cực đến sức khỏe thể chất và tinh thần.

Do một số nghi can có thể phản ứng tiêu cực hoặc dữ dội khi bị cảnh sát quay phim, đặc biệt những người có thể đang chịu ảnh hưởng của ma túy hoặc rượu, hoặc những người đang mắc các vấn đề về sức khỏe tâm thần.

Giáo sư Stephen E. Henderson của Đại học Oklahoma cho rằng việc sử dụng camera gắn trên người cảnh sát có thể gây tổn hại về mặt tâm lý cho các sĩ quan vì "không ai có thể làm tốt khi bị giám sát liên tục".

Còn Chủ tịch Hiệp hội Cảnh sát từ thiện của thành phố New York nêu quan điểm: Các sĩ quan "đã phải mang theo nhiều thiết bị như mặt nạ phòng độc, bình xịt hơi cay, đèn pin, sổ ghi nhớ, dùi cui, radio, còng tay. Thêm chiếc camera sẽ "trở thành gánh nặng" và đe dọa an toàn cho những người mang nó.

Tại Trung Quốc, bối cảnh dẫn tới quy định sử dụng camera gắn thân cho cảnh sát cũng có nét tương đồng với Mỹ. Theo WSJ, năm 2013, một vụ va chạm giữa người bán hàng rong và các cảnh sát trật tự đô thị đã dẫn tới cái chết của tiểu thương này.

Trong khi người dân chỉ trích cảnh sát, các sĩ quan khẳng định họ là nạn nhân của bạo lực và bị đánh giá một cách bất công dựa trên một vài sự cố cực đoan. Ít nhất một sĩ quan đã đeo Google Glass (thiết bị công nghệ hình kính mắt, hiển thị thông tin như trên smartphone ở chế độ rảnh tay) trong khi làm nhiệm vụ nên có dữ liệu để chứng minh.

Các sĩ quan Chengguan được cấp camera đeo trên người tại thành phố Tây An, miền trung Trung Quốc vào năm 2015. Ảnh: WSJ

Sau nhiều sự việc tương tự, ngày 14/6/2016, Bộ Công an Trung Quốc ban hành Quy định về ghi hình, ghi âm khi thi hành án tại chỗ của cơ quan công an, gồm 5 chương, 20 Điều, mục đích "tăng cường việc ghi hình và ghi âm, chuẩn hóa hoạt động thực thi pháp luật tại chỗ của cơ quan công an và bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của người dân".

Điều 8 quy định, trong quá trình ghi hình, ghi âm tại hiện trường, nếu việc ghi hình bị tạm dừng vì lý do khách quan như lỗi thiết bị, hư hỏng, điều kiện thời tiết xấu, không đủ nguồn điện hoặc không gian lưu trữ thì trong đoạn ghi ngay sau, phải có lời giải thích bằng giọng nói về lý do sự gián đoạn. Nếu không, ngay sau đó phải báo cáo cấp trên và phải có văn bản giải trình.

Video phải được bàn giao về đơn vị trong vòng 24 giờ. Thời gian lưu giữ các video này không được ít hơn sáu tháng.

Riêng các tài liệu video và âm thanh ghi lại các tình huống sau đây phải được lưu giữ vĩnh viễn: được sử dụng làm chứng cứ trong vụ án hành chính, hình sự; các bên hoặc những người khác có mặt tại hiện trường cản trở việc thực thi pháp luật hoặc cản trở công vụ; xử lý các sự cố lớn, sự cố lớn khó khăn, phức tạp...

Trước khi có quy định này, năm 2014, Bộ Công an Trung Quốc từng ban hành quy định tương tự, song áp dụng riêng trong hệ thống cảnh sát giao thông.

Tại Singapore, từ tháng 1/2015 Cơ quan thực thi pháp luật nước này đã thí điểm trang bị camera cho các sĩ quan cảnh sát khu vực trung tâm và áp dụng toàn quốc vào tháng 6/2016.

Nhà chức trách nhìn nhận nó là công cụ để tăng cường tính minh bạch, trách nhiệm giải trình và lòng tin của công chúng. Camera đeo trên người sẽ hỗ trợ cảnh sát điều tra và thu thập bằng chứng. "Nó sẽ bổ sung cho các phương pháp pháp y hiện có để cho phép cảnh sát ghép lại những gì thực sự đã xảy ra tại một vụ án", ông Lau Peet Meng, Phó cảnh sát trưởng Lực lượng cảnh sát Singapore, cho biết.

Các cảnh sát sẽ có quyền quyết định dừng ghi âm trong một số tình huống nhất định, ví dụ như khi xử lý nạn nhân của tội phạm tình dục.

Cảnh sát phòng cháy chữa cháy và thi hành án, thuộc Lực lượng Phòng vệ Dân sự Singapore bắt đầu đeo camera khi làm nhiệm vụ từ tháng 4/2022. Ảnh: CNA

Nhà chức trách cho biết các biện pháp bảo vệ và giới hạn nghiêm ngặt đã được áp dụng với việc sử dụng cảnh quay từ camera. Cảnh sát phải báo cho người dân việc họ đang bị ghi hình. Cảnh quay sẽ bị xóa sau 31 ngày kể từ ngày ghi, trừ khi cần thiết để hỗ trợ cảnh sát trong quá trình điều tra.

Từ tháng 4/2022, ngoài cảnh sát, các Lực lượng Phòng vệ Dân sự Singapore (SCDF) như nhân viên y tế, phòng cháy chữa cháy cứu nạn cứu hộ, thi hành án, chuyên gia vật liệu nguy hiểm... cũng bắt đầu đeo camera gắn thân nhằm đảm bảo tính trách nhiệm giải trình và minh bạch hơn giữa cảnh sát và công chúng.

SCDF cho biết về lâu dài, camera đeo trên người cũng sẽ truyền trực tiếp cảnh quay đến trung tâm điều hành của lực lượng.

Các nhà chức trách cho biết điều này sẽ giúp nâng cao nhận thức tình hình của SCDF trong suốt sự cố đang diễn ra, cho phép đưa ra quyết định kịp thời và sáng suốt.

Dữ liệu cũng sẽ bị xóa sau 90 ngày kể từ ngày ghi, trừ trường hợp cần thiết.

Nhiều quốc gia cũng đã áp dụng camera gắn thân cho cảnh sát khi làm nhiệm vụ, như Canada, Australia, Ireland, Nhật Bản, Pháp, Itlay, Đan Mạch, Phần Lan, Đức, Nga, Thụy Điển, Arab Saudi, Brazil...

Hải Thư (Theo AP, DOJ, NIJ, Met, BJA, Straitstimes)

Thông tin

Tổng hợp tin tự động tinmoi-247.com (r) © 2020