Chuyên mục  


Trong một năm từ sau cuộc đột kích của nhóm vũ trang Hamas, người dân Israel đã chứng kiến sự thay đổi của dư luận quốc tế, từ đồng cảm ban đầu dần trở thành chỉ trích và lên án, đặc biệt khi thương vong và mức độ tàn phá ở Dải Gaza ngày một tăng lên.

"Thảm họa đã xảy ra ở đây. Người Israel đã trải qua một trong những ngày kinh hoàng nhất lịch sử thế giới, thậm chí khiến ký ức về thời kỳ Thế chiến II cũng trở nên mờ nhạt", Udi Goren, họ hàng của một người thiệt mạng trong cuộc tấn công ngày 7/10 năm ngoái song thi thể vẫn bị Hamas giữ, nói.

"Đó là ngày chiến tranh bắt đầu, nhưng sau đó, tất cả những gì bạn nghe thấy chỉ là 'người Gaza đang khổ sở'", Goren nói thêm.

Cuộc chiến chống Hamas của Israel đã khiến gần 42.000 người thiệt mạng ở Gaza, chủ yếu là phụ nữ và trẻ em, theo cơ quan y tế địa phương. Khoảng 2,3 triệu người phải sơ tán và hầu hết nhà cửa bị phá hủy. Bệnh tật tràn lan, nạn đói rình rập hàng triệu người Palestine ở Dải Gaza.

Việc Lực lượng Phòng vệ Israel (IDF) bị lên án vì những hành động ở Gaza, thậm chí từ chính những đồng minh thân cận nhất, đã khiến người dân Israel thu mình lại. Bất chấp những tuyên bố ủng hộ kiên định từ Mỹ và các nước phương Tây, người Israel cho biết họ cảm thấy bị thế giới bỏ rơi.

Họ tin rằng Israel đang tự vệ và tiến hành cuộc chiến chống lại kẻ thù ẩn nấp đằng sau dân thường vô tội, trong khi nhiều người chỉ trích quân đội Israel nhẫn tâm trước nỗi đau khổ của người Palestine.

"Bạn biết tại sao tôi ghét Hamas không? Vì họ buộc các con tôi phải giết hại dân thường Palestine", Hai Bar-El, luật sư nhân quyền ở Tel Aviv, nói.

Người dân tham dự lễ tưởng niệm đánh dấu một năm sau cuộc tấn công của Hamas tại Tel Aviv, Israel ngày 7/10. Ảnh: AP

Tâm lý chiến đấu đã bao trùm xã hội Israel. Cùng với tâm trạng đau khổ và oán giận về những gì đã chịu đựng do cuộc tấn công của Hamas, phần lớn người dân Israel ủng hộ cuộc chiến chưa có hồi kết của chính phủ ở Gaza.

Israel đang đối mặt với xung đột đa mặt trận. Ngoài cuộc chiến với Hamas ở Gaza, họ cũng phải dồn lực đối phó với nhóm vũ trang Hezbollah ở Lebanon và cả Iran, quốc gia dẫn dắt "trục kháng chiến" ở Trung Đông.

Trong hai tuần qua, Israel đã hạ sát thủ lĩnh Hassan Nasrallah và nhiều chỉ huy hàng đầu của Hezbollah khi tiến hành các đợt không kích và tấn công trên bộ vào Lebanon. Các cuộc tấn công của Israel đã khiến hơn 1.000 người thiệt mạng trong hai tuần qua và buộc hơn một triệu người phải rời bỏ nhà cửa.

Các quán bar sân thượng ở Tel Aviv đã chứng kiến tâm trạng hân hoan của người dân khi nghe tin về vụ hạ sát Nasrallah, người mà họ vừa ghét và sợ. Thủ lĩnh Hezbllah đã thiệt mạng trong một boongke dưới lòng đất, khi hàng chục quả bom của Israel phá hủy 6 khu dân cư ở Beirut.

Thủ tướng Benjamin Netanyahu tiến hành chiến dịch tấn công Hezbollah với sự ủng hộ mạnh mẽ của người dân Israel. Ông lên án các đồng minh kêu gọi Israel "giảm leo thang", đồng thời cam kết với người dân trong nước rằng sẽ bất chấp áp lực toàn cầu để theo đuổi các mục tiêu của mình. Chúng bao gồm "giành chiến thắng hoàn toàn" trước Hamas, làm suy yếu nhóm Hezbollah, trong khi thể hiện sức mạnh và cảnh báo Iran rằng "không có nơi nào" ở Trung Đông mà Israel không thể chạm tới.

Thế giới đang hồi hộp chờ đợi quyết định trả đũa của Israel đối với cuộc tập kích tên lửa của Iran gần đây, làm dấy lên nhiều lo ngại rằng căng thẳng sẽ leo thang thành cuộc chiến toàn diện ở khu vực.

"Chúng tôi từng được cho là xã hội yếu kém, không quyết tâm, không sẵn sàng đi tới cùng. Israel muốn sửa chữa điều đó, quyết đạt được mục tiêu khiến phương Tây hiểu rõ chúng tôi và Trung Đông phải e sợ. Đó chính là khi Israel cảm thấy an toàn", Micah Goodman, triết gia nổi tiếng ở Israel, nói.

Gaza chính là ví dụ rõ ràng nhất cho thấy sự khác biệt giữa cách người Israel nhìn nhận bản thân và cách thế giới đánh giá họ. Ehud Olmert, cựu thủ tướng Israel, thừa nhận chủ nghĩa bài Do Thái đang gia tăng, nhưng ông cho rằng lý do chủ yếu là bởi bản chất con người luôn đồng cảm với kẻ yếu.

"Bạn bật TV lên và thấy 1,5 triệu người Palestine đi bộ qua những đống đổ nát ở Gaza, tìm kiếm một chỗ ngủ hoặc thứ gì đó để ăn. Nhưng bạn không muốn thấy 1.200 người Israel thiệt mạng trong một ngày 7/10 và 70.000 người dân phải rời bỏ nhà cửa. Họ biết người Israel sẽ được chính phủ quan tâm, dù họ nghĩ chính phủ đó đang phạm tội ác chiến tranh chống lại người Palestine. Nhận thức này có thể không công bằng và không chính xác, nhưng rất khó để bác bỏ", ông nói.

Một ngôi nhà tan hoang sau vụ tập kích của Israel ở Deir Al-Balah, Dải Gaza, ngày 4/8. Ảnh: Reuters

Goodman lập luận rằng những đau khổ của người Israel không nên bị ngó lơ, chỉ vì họ là bên mạnh hơn trong các cuộc xung đột.

"Điều mà người Israel thấy lúc này là cảm giác bị hiểu nhầm, bị ngó lơ. Người dân Israel bị thù ghét trên đường phố châu Âu và trong giới tinh hoa học thuật ở Mỹ, nhưng những người đó có thấy rằng Israel đang phải chiến đấu cho sự tồn vong của chính họ hay không", ông nói.

Ông cho rằng Israel đang bị mắc kẹt giữa mong muốn được phương Tây thấu hiểu, trong khi phải cố gắng tồn tại ở Trung Đông giữa vòng vây của nhiều đối thủ.

"Cố gắng duy trì trạng thái được quốc tế chấp nhận cũng có thể làm suy giảm khả năng răn đe của chúng tôi", ông nói.

Căng thẳng đó trở nên trầm trọng hơn khi nhiều người Israel chứng kiến mối đe dọa hiện hữu từ Iran, quốc gia vốn được xem là kẻ thù lớn nhất của nước này.

Lior, cảnh sát về hưu và đã được đào tạo trở thành nhà trị liệu tâm lý, cho biết nhiều bệnh nhân của bà cảm thấy sợ hãi về một ngày phải lựa chọn giữa ngôi nhà và sự an toàn của họ.

Một trong những bệnh nhân của bà thậm chí đã tự nhốt mình trong phòng sau cuộc tấn công của Hamas và xem hàng chục, thậm chí hàng trăm, video về nó. Bây giờ, cô luôn mang theo súng bên mình, đổ đầy bình xăng xe và nuôi chó to để bảo vệ bản thân dù đang sống ở miền trung Israel, cách xa khu vực biên giới.

"Cả đất nước đã bị tổn thương tâm lý", Lior nói.

Thùy Lâm (Theo FT, Times of Israel)

Thông tin

Tổng hợp tin tự động tinmoi-247.com (r) © 2020