Chuyên mục  


"Duy trì cấm tuyệt đối nồng độ cồn với lái xe là cần thiết. Tai nạn giao thông do rượu bia đang là gánh nặng cho nhiều gia đình và xã hội", thượng tá Tạ Thị Hồng Minh, đại diện Cục CSGT, Bộ Công an, nêu quan điểm tại tọa đàm chiều 17/5, về dự án Luật Trật tự an toàn giao thông đường bộ.

Tại dự thảo, Bộ Công an đề xuất duy trì điều khoản "cấm người điều khiển phương tiện giao thông đường bộ mà trong máu hoặc hơi thở có nồng độ cồn". Quy định này được đưa vào Luật Phòng chống tác hại của rượu bia từ giữa năm 2019 và áp dụng đến nay.

Hiện có nhiều ý kiến trái chiều về quy định nồng độ cồn bằng 0 với lái xe. Bên cạnh đồng tình, nhiều đại biểu Quốc hội cho rằng cấm tuyệt đối người có nồng độ cồn lái xe như hiện nay chưa phù hợp, cần thiết kế giới hạn để đưa ra mức phạt. Tuy nhiên, từ khi xây dựng dự thảo đến nay, Bộ Công an vẫn bảo vệ quan điểm cần thiết duy trì nồng độ cồn bằng 0 với lái xe.

Hôm nay, trước đề nghị cơ quan soạn thảo nêu quan điểm về ý kiến trái chiều, thượng tá Minh dẫn các kết quả điều tra xã hội học và hội thảo cho hay Việt Nam tiêu thụ rượu bia và đồ uống có cồn thứ hai Đông Nam Á, thứ 10 châu Á, thứ 29 thế giới. Tỷ lệ nạn nhân bị chấn thương sọ não do tai nạn giao thông liên quan đến rượu bia cao hơn nhóm không uống.

Thượng tá Tạ Thị Hồng Minh trả lời về duy trì cấm tuyệt đối nồng độ cồn với lái xe, chiều 17/5. Ảnh: Nguyên Phong

Bộ Công an thống kê, trong năm rưỡi từ tháng 6/2022 đến 12/2023, 20% số người chết và bị thương vì tai nạn giao thông liên quan đến rượu bia; trong đó 80% là lỗi của lái xe do uống rượu bia. Năm 2023, khi cơ quan chức năng tăng xử lý lái xe vi phạm nồng độ cồn, số vụ, số người chết vì tai nạn giao thông liên quan rượu bia đều giảm.

Theo bà Minh, một số nước trên thế giới có chế tài nghiêm khắc với lái xe có nồng độ cồn. "Trong khi thực tế ở Việt Nam, do thói quen nên nhiều người đã uống rượu bia những vẫn lái xe", bà Minh phân tích và nêu quan điểm, việc duy trì cấm tuyệt đối nồng độ cồn với lái xe "có ý nghĩa xã hội sâu sắc".

Bà Minh cho rằng thói quen văn hóa ẩm thực Việt Nam có nhiều đặc thù liên quan đến rượu bia. "Nhiều người vui uống, buồn cũng uống, lấy rượu bia làm câu chuyện. Đã bắt đầu uống mà biết dừng lại khi đến ngưỡng vì còn lái xe là điều rất khó, dẫn đến nhiều người không kiểm soát được hành vi", bà Minh lập luận bảo vệ quan điểm duy trì nồng độ cồn bằng 0 với lái xe.

Đại diện cơ quan soạn thảo cho hay: "Khi ý thức và văn hóa tham gia giao thông hình thành tốt hơn, chúng ta sẽ nghiên cứu điều chỉnh cho phù hợp".

Về nồng độ cồn nội sinh, có ý kiến cho rằng uống nước hoa quả hoặc siro nhưng khi thổi nồng độ cồn vẫn bị xử phạt. Bà Minh nói những trường hợp này chỉ trong thời gian ngắn sẽ hết. Khi bị cảnh sát giao thông kiểm tra, người dân có thể đề nghị cho ngồi nghỉ một thời gian 15-30 phút, uống nhiều nước để hết cồn rồi kiểm tra lại. Trường hợp không yên tâm với kết quả đo nồng độ cồn của cơ quan chức năng, người dân có thể đề nghị xét nghiệm máu để có kết quả chính xác.

Thượng tá Minh cho rằng các ý kiến băn khoăn về cồn nội sinh hay uống nước hoa quả vẫn bị xử phạt "chỉ là đối phó". "Tỷ lệ này bị xử phạt rất hiếm", bà nói.

CSGT kiểm tra nồng độ cồn tài xế lái ôtô tại giao lộ Kha Vạn Cân - Phạm Văn Đồng, TP Thủ Đức, TP HCM, tháng 11/2023. Ảnh: Đình Văn

Trước đó, cuối năm 2023, một số thành viên Ủy ban Quốc phòng và An ninh cho rằng quy định nồng độ cồn bằng 0 khi lái xe "quá nghiêm khắc và chưa phù hợp văn hóa, phong tục, tập quán bộ phận người dân Việt Nam". Các thành viên này đề nghị tham khảo kinh nghiệm quốc tế và quy định nồng độ cồn ở mức độ phù hợp đối với từng loại phương tiện, bảo đảm thống nhất với Bộ luật Hình sự.

"Một người uống ly nước nho ngâm đường cho dễ tiêu hóa nhưng khi lái xe, nếu đo nồng độ cồn thì vẫn bị xử phạt. Điều này chưa hợp lý, chưa thuyết phục, dễ gây tranh cãi khi người dân bị thổi nồng độ cồn", đại biểu Trịnh Minh Bình, chuyên trách đoàn Vĩnh Long, nêu quan điểm hồi tháng 11/2023.

Tại hội nghị đại biểu Quốc hội hoạt động chuyên trách tháng 3, cuộc tranh luận tiếp tục trên nghị trường. Trong khi Phó đoàn Hưng Yên Nguyễn Đại Thắng ủng hộ cấm tuyệt đối nồng độ cồn vì "tính mạng, sức khỏe con người là trên hết", nhiều đại biểu khác đề nghị quy định ngưỡng nồng độ cồn tối thiểu.

"Uống hôm trước thì hôm sau vẫn còn nồng độ cồn, nếu bị cảnh sát giao thông phạt thì vô lý", Phó chủ tịch Hội Luật gia tỉnh Đồng Tháp Phạm Văn Hòa, nói.

Báo cáo Thường vụ Quốc hội mới đây, Ủy ban Quốc phòng và An ninh đề nghị duy trì cấm tuyệt đối nồng độ cồn khi lái xe do nồng độ cồn nội sinh chưa có căn cứ rõ ràng.

Nghị định 100/2019 quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ và đường sắt, có hiệu lực cùng thời điểm với Luật Phòng chống tác hại của rượu bia từ năm 1/1/2020, quy định: Lái xe sẽ bị xử phạt khi có nồng độ cồn vượt mức 0.

Mức phạt nồng độ cồn cao nhất với người đi xe đạp từ 400.000 đến 600.000 đồng; xe máy 6 đến 8 triệu đồng, tước giấy phép lái xe 22-24 tháng; ôtô 30 đến 40 triệu đồng, tước giấy phép lái xe 22-24 tháng.

Viết Tuân

Thông tin

Tổng hợp tin tự động tinmoi-247.com (r) © 2020