Chuyên mục  


Việc xét xử 54 người có sai phạm khi tổ chức "chuyến bay giải cứu" đã khép lại tối 28/7 với 4 án tù chung thân, 10 án tù treo và 30 án tù từ 18 tháng đến 16 năm. Toàn bộ số tiền các bị cáo đã nộp khắc phục hậu quả, đến thời điểm tuyên án là 126,5 tỷ đồng và 1,964 triệu USD, tương đương 173 tỷ đồng.

Theo phán quyết của TAND Hà Nội, số tiền này sẽ sung công quỹ Nhà nước. Hai bị cáo khắc phục nhiều nhất là cựu phó giám đốc Công an Hà Nội Nguyễn Anh Tuấn với 1,85 triệu USD (tương đương 43,8 tỷ đồng) và cựu thư ký Thứ trưởng Y tế Phạm Trung Kiên, 42,2 tỷ đồng, gần bằng số tiền bị cáo này nhận hối lộ (42,6 tỷ đồng). Khoản tiền nộp khắc phục hậu quả được HĐXX ghi nhận là tình tiết giảm nhẹ, giúp ông Kiên thoát mức án đề nghị tử hình của VKS.

Đối với hành khách mua vé giá cao để được về nước, HĐXX kết luận "không có cơ sở xem xét giải quyết" nội dung liên quan quyền lợi của những người này. "Tòa dành cho các công dân đã mua vé yêu cầu các doanh nghiệp giải quyết quyền lợi của mình theo quy định pháp luật", bản án nêu.

>> Mức án của 54 bị cáo

Được trở về với giá nào cũng là "đặc ân"

Hồng Hạnh, 25 tuổi, tỉnh Bắc Ninh là một trong hơn 93.000 công dân trở về Việt Nam trên 372 chuyến bay combo thực hiện trong Covid-19. Năm 2021, thời điểm Covid-19 bùng phát, Hạnh mắc kẹt tại Nhật Bản. Tự nhận là "lao động chui", cô cho biết lương bốc vác trong một công ty thực phẩm tại Aichi, khi đó, dao động 25-30 triệu đồng. Chi phí tối thiểu Hạnh và bạn cùng nhà trọ bỏ ra trả tiền thuê nhà và sinh hoạt mỗi tháng giới hạn ở mức 8 triệu đồng. "Phần lớn thu nhập, em gửi về nhà", Hạnh nói.

Tháng 4/2021, mỗi ngày Nhật Bản ghi nhận gần 1.000 ca nhiễm mới, các hoạt động kinh tế bắt đầu tê liệt. Hạnh mất việc, không có tiền tích trữ, chủ nhà không cho thuê trọ, ga tàu quanh nơi cô ở, nhiều người nằm ngồi la liệt vì lâm cảnh không tiền, không việc, không nhà. Hạnh mang những đồng lương cuối cùng mua vé đến Osaka ở nhờ người thân, rồi xin lên chùa để được cưu mang cơm ăn, chốn ở. "Xung quanh em khi đó, toàn bà bầu và người lâm bệnh nặng", Hạnh nhớ lại.

Hạnh kể khi này đã mang thai tháng thứ hai, thường xuyên bật khóc vì nỗi sợ "bỏ mạng xứ người" và "chưa bao giờ thấy cần về với quê hương hơn thế". Nhưng ba lần gửi email tới Đại sứ quán đăng ký xin về nước đều không có hồi đáp. Sau ba tháng đợi chờ, Hạnh cùng những người đồng cảnh đến Đại sứ quán trực chờ. Trên tấm biển Hạnh cầm trên tay suốt nhiều ngày viết vỏn vẹn 9 chữ màu đỏ: "Tôi đang mang thai, xin cho tôi về nước".

Người hồi hương trên một "chuyến bay giải cứu" hồi tháng 8/2020. Ảnh: Ngọc Thành

Tình cảnh như lời kể của Hạnh được bị cáo Vũ Hồng Nam, cựu đại sứ tại Nhật Bản, khai trong phiên tòa ngày 18/7. "Công dân không có bảo hiểm, mất việc, không tiền, không nhà. Chị em đến kỳ sinh không về được, rất đông. Tôi điện về nước rất nhiều nhưng không có chuyến bay. Hàng chục nghìn người mắc kẹt, sự kiên nhẫn càng giảm, nhiều người chết trước khi về nước", ông nói.

Cựu đại sứ ước tính đến tháng 10/2020 đã hơn 26.000 người đăng ký về trên các chuyến bay combo tự trả phí. Họ liên tục hỏi "sao 7 tháng chưa được về", cho hay "không thể kiên nhẫn chờ được nữa".

Đến tháng 8/2021, ở tháng thứ 5 của thai kỳ, Hạnh kể mới được nhận email hồi đáp của Đại sứ quán. Giá vé đắt gấp ba bình thường, nhưng với cô chỉ cần được trở về là hai mẹ con "còn đường sống". 20 triệu đồng mua vé được bố mẹ gửi gấp từ Việt Nam sang.

Du học sinh 24 tuổi Tào Đức Trung (Hà Nội) thậm chí phải đợi lâu gấp đôi và trả tiền vé đắt gấp 2,5 lần Hạnh. "Thời gian trôi đi nặng nề, có những người bạn gặp mà không biết đó sẽ là lần cuối", cậu kể lại tình cảnh khi đó.

Sau ba lần email Đại sứ quán không nhận được hồi đáp, như hàng chục nghìn kiều bào khác tại Nhật Bản, Trung bảo, chỉ biết ôm điện thoại canh" các hội nhóm, đặt mua vé qua trung gian. Nhưng ngay cả việc mua vé qua trung gian cũng là "canh bạc" may rủi. "Bất cứ khi nào cũng có khả năng hủy, kể cả đóng tiền rồi, đóng 50, 70 triệu rồi mà bị hoãn thì cũng không lấy lại được. Nhưng trong tình cảnh ấy, chúng em chấp nhận mọi rủi ro, hy vọng duy nhất, là được về", Trung nói.

Tháng 5/2021, nam sinh mua được vé, kèm 14 ngày cách ly với giá tổng cộng 54 triệu đồng. "Không phải em không nhận ra nó cực kỳ đắt. Nhưng lúc đó được về, đã là một cái ơn, được về là tốt lắm rồi", Trung bày tỏ.

Nhìn lại chuyến bay mình trải qua, cả Hạnh và Trung đều thừa nhận đã may mắn. "Những người hưởng lợi bất chính từ chúng em đã có sự trả giá. Bây giờ việc 'đòi lại tiền' đã không còn quan trọng. Ngay cả lúc đó cũng không", Hạnh nói tối 28/7, sau khi biết tòa vừa tuyên án.

Ông Vũ Hồng Nam (áo hồng) trong ngày khai mạc phiên toà, 11/7. Ảnh: Ngọc Thành

Theo phán quyết của toà, do nhận hối lộ của doanh nghiệp tổ chức chuyến bay, cựu đại sứ Vũ Hồng Nam bị phạt 30 tháng tù, cựu Tổng lãnh sự Việt Nam tại Osaka Nguyễn Hồng Hà lĩnh án 4 năm.

Bản án xác định Đại sứ quán Việt Nam tại Nhật Bản đã tổ chức 57 chuyến bay giải cứu đưa công dân về nước. Ông Nam nhận tiền của Lê Văn Nghĩa, Giám đốc công ty Nhật Minh, để giúp doanh nghiệp này bán vé máy bay và đưa công dân về cách ly tại khách sạn của Nghĩa. Với 1.490 hành khách, qua 6 chuyến bay, Công ty Nhật Minh lãi 18 tỷ đồng. Giám đốc Nghĩa chia cho ông Nam 1,84 tỷ đồng.

Nhiều người muốn đòi lại tiền

Trái quan điểm "mọi chuyện đã qua" của Hạnh và Trung, nhiều độc giả đã phản hồi về VnExpress bày tỏ bất bình phải trả số tiền quá lớn khi mua vé và muốn đòi lại quyền lợi.

"Đó là tiền mồ hôi công sức của tôi. Tôi đã phải gom hết tiền tiết kiệm... Chúng tôi chỉ ráng cắn răng chịu đựng và mong được về với gia đình thôi. Lúc đó những người kia có hiểu được tâm tư và nỗi sợ của chúng tôi không?", một độc giả bình luận.

"Bác ruột tôi hơn 70 tuổi theo chuyến bay về từ Australia với giá 5.000 USD/người (118 triệu đồng). Máy bay đáp về trong đêm, bác gọi cho mẹ tôi vừa nói vừa khóc bảo: "Em ơi anh sống rồi"... Thật sự giờ viết những dòng này, tôi vẫn cảm thấy chua chát và thương vô cùng", một độc giả khác chia sẻ và thắc mắc tại sao các hành khách không được tòa xác định là bị hại trong vụ án.

Chủ tọa Vũ Quang Huy công bố bản án trong gần 4 tiếng, chiều 28/7. Ảnh: Ngọc Thành

Giải thích điều này, luật sư Vũ Tiến Vinh, Công ty luật Bảo An, Hà Nội cho biết trong vụ án đưa và nhận hối lộ thường không có bị hại. Bởi Bộ luật Hình sự quy định, đối tượng được bảo vệ trong các vụ án dạng này là "hoạt động đúng đắn và uy tín của cơ quan, tổ chức trong quá trình thực thi công vụ". Trong phạm vi điều chỉnh của luật, cả người đưa và người nhận hối lộ, đều là tội phạm.

Luật sư Vinh đánh giá, việc mua bán vé chuyến bay combo là thỏa thuận dân sự. Pháp luật không điều chỉnh giá trần với đường bay quốc tế nên không có căn cứ để xác định đã có vi phạm pháp luật về giá. Điều này cũng đồng nghĩa hành khách "không thể đòi lại tiền hoặc các yêu cầu khác" khi cho rằng quyền lợi của họ bị xâm hại trong giao dịch dân sự này.

Từ tháng 4/2020, Chính phủ cho phép thực hiện chuyến bay giải cứu đưa công dân hồi hương, người dân chỉ phải trả tiền vé máy bay, không mất chi phí cách ly. Sau đó là các chuyến bay combo, người dân tự nguyện trả phí toàn bộ.

Từ đầu 2020 đến khoảng giữa năm 2021, Bộ Ngoại giao đề xuất Chính phủ phê duyệt 372 chuyến bay combo. Để có chi phí "bôi trơn" khi thực hiện các chuyến bay, nhóm 20 doanh nghiệp với hơn 100 pháp nhân phải nâng giá vé, "vẽ" thêm nhiều chi phí phát sinh với khách hàng có nhu cầu về nước giữa đại dịch.

Tổng số tiền đưa nhận hối lộ tại vụ án được xác định 165 tỷ đồng, liên quan 21 cựu cán bộ ở Bộ Ngoại giao, Bộ Công an, Bộ Y tế, Bộ Giao thông Vận tải...

Thanh Lam - Phạm Dự

Thông tin

Tổng hợp tin tự động tinmoi-247.com (r) © 2020